Vun đắp nhân cách con người để đảm bảo phát triển đất nước bền vững

Thứ Bảy, 03/10/2015, 17:17
Ngày 3/10, hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức đã diễn ra sôi nổi tại TP.HCM.

Tham gia hội thảo có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí: Võ Văn Phuông, UVTW Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Thành Phong, UVTW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, Huỳnh Vĩnh Ái, thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với nhân cách con người Việt Nam” tại TP.Hồ Chí Minh ngày 3/10

Tại hội thảo, khẳng định chung của nhiều đại biểu là việc vun đắp nhân cách con người vô cùng cần thiết để đảm bảo phát triển đất nước bền vững. Trong đó, vai trò của văn học nghệ thuật vô cùng quan trọng. Văn học nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm qua đã đóng góp trực tiếp và rất quan trọng trong việc tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét và tích cực về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người.

Tuy nhiên, văn học nghệ thuật đất nước đang đứng trước những thử thách khó khăn không nhỏ. Còn rất nhiều những sản phẩm văn học nghệ thuật chưa đi vào những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng bảo vệ Tổ quốc mà sa vào những đề tài chạy theo thị hiếu thấp của một bộ phận công chúng, không giúp hoàn thiện nhân cách mà còn làm tổn thương quá trình hoàn thiện nhân cách con người.

GS.TS Đinh Xuân Dũng chia sẻ: Một sự thật khác không thể lẩn tránh rằng  từ những biến động xã hội và cả từ những hạn chế, khuyết điểm,yếu kém trong chỉ đạo và tổ chức xã hội mà đã, đang diễn ra những biến động đáng buồn, đáng lo ngại, cần thẳng thắn nhìn nhận. Đó là sự đảo lộn các giá trị trong nhân cách, sự loạn chuẩn trong lựa chọn, sự tha hóa, biến chất, sự gia tăng những thói hư tật xấu, thói vô cảm…

Thực tế nghiệt ngã của cuộc sống, phải chăng đã là một nguyên nhân dẫn tới một cách nhìn khá phổ biến trong nhiều tác phẩm là cái ác mạnh hơn cái thiện, nỗi đau nhiều hơn niềm vui, các mầm mống của nhân cách kiểu mới yếu hơn sức sống dai dẳng của cái cũ, cái ác. Nhiều tác giả tự coi văn học, nghệ thuật chỉ còn là sự tự thể hiện không giới hạn cái tôi cá nhân và không ít sản phẩm gọi là sáng tác nhưng chỉ vì thỏa mãn nhu cầu giải trí tầm thường, biến sản phẩm của mình thành hàng hóa rẻ tiền…

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Văn học nghệ thuật phải góp phần đẩy lùi sự suy thoái đạo đức trong xã hội, góp phần vun đắp nhân cách con người.

Giáo sư Mai Quốc Liên cũng chia sẻ, rất nhiều bạn bè từ nước ngoài trở về nước đều ngạc nhiên trước sự phổ biến của văn hóa lai căng và nhiều người bỏ quên văn hóa cha ông…

Đóng góp ý kiến về giải pháp khắc phục, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh rằng với các hiện tượng tiêu cực nói trên, chúng ta phải đẩy lùi và đẩy lùi bằng được. Nếu không đẩy lùi được là hết sức vô lý và không đúng với nhân tâm Việt Nam xưa nay.

Đồng chí cũng chỉ rõ: Văn học nghệ thuật muốn tác động vào con người thì phải có chất lượng và hiệu quả, khắc phục nghiệp dư hóa. Tác phẩm văn học phải trở thành văn hóa, kết tinh thành văn hóa, phải có giá trị cao và sức sống lâu bền. Các phương tiện truyền thông, nhất là nhà trường phổ thông, cả đại học phải hết sức chú trọng phổ biến các giá trị văn học nghệ thuật được tích lũy bằng xương máu cho các thế hệ kế tiếp.

Việc phổ biến những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao góp phần bồi đắp nhân cách con người.

Việc này hiện nay đã có làm nhưng chưa đủ, cần làm rộng hơn, thường xuyên hơn, hiệu quả hơn… Sự kiên trì những định hướng đúng đắn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay trong tình hình có ít nhiều sự lộn xộn, xuống cấp, tiêu cực là điều các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng về văn hóa giáo dục, văn học, nghệ thuật đặc biệt phải quan tâm và có kế hoạch tạo mọi điều kiện có thể để các nhà trí thức, văn nghệ sĩ hoàn thành nhiệm vụ của mình trước con người và lịch sử.

Theo kế hoạch, ngày 4/10, các đại biểu sẽ tiếp tục bàn thảo về thực trạng và tìm giải pháp thiết thực nhằm đưa văn học nghệ thuật đóng góp tích cực vào xây dựng nhân cách con người trong thời gian tới.

N.Nguyễn
.
.
.