Cần có biện pháp bảo vệ công trình kiến trúc kiểu Pháp cổ xưa ở Cố đô Huế

Thứ Hai, 11/06/2018, 08:56
Không ít ngôi biệt thự cổ có kiến trúc kiểu Pháp ở Cố đô Huế đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí bị dỡ bỏ để nhường đất thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch.

Và trong nhiều nguyên nhân, có một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng địa phương do buông lỏng công tác kiểm tra, quản lý…

Ngôi biệt thự tọa lạc trên khu đất rộng hàng trăm mét vuông tại số 3 Đống Đa, TP Huế, được xây dựng 2 tầng theo lối kiến trúc kiểu Pháp có tuổi đời khoảng 100 năm tuổi. Đây là công trình kiến trúc cổ, cũng là nhà công sản do Nhà nước quản lý nhưng hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Trước đây, ngôi biệt thự này là trụ sở cũ của Phòng GD-ĐT TP Huế, sau khi đơn vị này được chuyển đến địa điểm mới thì ngôi biệt thự lại được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế quản lý và được cho thuê để kinh doanh. Đến đầu năm 2018, Trung tâm này hợp đồng cho ông Lê Nguyên Vũ (32 tuổi, trú ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế) thuê lại biệt thự làm quán cà phê.

Ngôi biệt thự Pháp cổ xưa ở số 3 Đống Đa, TP Huế bị bóc tách bờ tường để lộ gạch nham nhở.

Đáng chú ý, trong hợp đồng cho thuê nhà công sản quy định rõ, hình thức thuê theo năm, người thuê phải trả mỗi tháng 69 triệu đồng và phải bảo đảm giữ nguyên trạng biệt thự, không được tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu các công trình kiến trúc. Nhưng ông Vũ đã tự ý cho nhân công triệt giải ngôi nhà trệt cấp 4 được xây dựng từ trước năm 1975 nằm trong khu đất biệt thự, sau đó tiếp tục bóc gỡ phần vôi vữa bờ tường bên ngoài của căn biệt thự.

Phía bên trong, vôi vữa ở các trụ móng, phần tường cũng bị cạo sạch và tô trét lên một lớp xi măng nham nhở. Sự việc ngôi biệt thự cổ được cho thuê làm quán cà phê bị xâm hại khiến nhiều người dân ở TP Huế và dư luận bức xúc, lên tiếng phản đối.

Ông Nguyễn Viết Bình, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh từng vào tham quan ngôi biệt thự cổ này và chụp hình lưu niệm cùng gia đình, bày tỏ: “Tôi đi du lịch ở nhiều địa phương và thấy các nơi vẫn tồn tại những căn biệt thự kiến trúc kiểu Pháp được gìn giữ, bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Nếu có cho thuê thì cơ quan chức năng cũng theo dõi, kiểm tra xem người ta có xâm hại công trình, làm biến dạng kiến trúc biệt thự hay không. Riêng ngôi biệt thự số 3 Đống Đa, TP Huế, có kiến trúc đẹp nhưng lại bị sửa chữa như vậy thì rất đáng tiếc. Việc làm này làm mất đi vẻ cổ kính của công trình”.

Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, nói rằng, sau khi nhận được tin báo về việc chủ quán cà phê tự ý gỡ bỏ lớp vôi vữa nguyên thủy, đục tường ngôi biệt thự… đơn vị đã cử cán bộ đến kiểm tra và lập biên bản vụ việc.

“Hiện chúng tôi đã đình chỉ thi công ở ngôi biệt thự số 3 Đống Đa do bên thuê đã vi phạm hợp đồng. Việc người thuê cho đục đẽo, bóc gỡ lớp vôi vữa bên ngoài khiến ngôi biệt thự nhìn loang lổ rất phản cảm. Vì thế Trung tâm sẽ buộc họ tô trét lại cho giống với hiện trạng ban đầu. Riêng hành vi tháo dỡ nhà trệt cấp 4 trước đó của người thuê biệt thự đã bị UBND TP Huế lập biên bản, yêu cầu đền bù hơn 80 triệu đồng, buộc phục hồi nguyên trạng ngôi nhà”, ông Cường cho hay.

Đến chiều 5-6, ông Lê Nguyên Vũ, người đứng tên thuê lô đất và ngôi biệt thự Pháp đã cho thợ tiến hành tô trét, khắc phục lại các điểm bờ tường biệt thự đã bóc tách lớp vôi vữa.

Qua trao đổi, ông Vũ lý giải: “Huế là vùng đất du lịch hiện đang còn thiếu các dịch vụ đi kèm nên tôi đã mạnh dạn thuê lại ngôi biệt thự với mong muốn đầu tư làm quán cà phê, giải khát để phục vụ du khách. Tuy nhiên, nhận thấy ngôi biệt thự xuống cấp, bờ tường bị rêu mốc mất mỹ quan nên đã cho người cạo lớp vôi vữa bên ngoài để trang trí cho đẹp hơn chứ không nghĩ việc làm này đã xâm hại đến công trình kiến trúc”(!?).       

Được biết, thời gian qua, nhiều người dân ở Thừa Thiên- Huế và du khách gần xa đã bày tỏ sự tiếc nuối khi trong tiến trình đô thị hóa, phục vụ du lịch, dịch vụ, không ít ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp có tuổi đời hơn 100 năm đã bị đập bỏ, phá dỡ không thương tiếc.

Trong đó, phải kể đến ngôi biệt thự kiểu Pháp 2 tầng cổ kính tọa lạc trong khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, TP Huế đã bị phá bỏ vào tháng 4-2017 nhằm phục vụ dự án đầu tư mở rộng khách sạn Heritage. 

Mới đây, vào cuối tháng 5-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đóng trên địa bàn TP Huế.

Trong đó, có 11 công trình kiến trúc Pháp do các cơ quan Nhà nước quản lý như Đại học Huế, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị… và 16 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu khác thuộc sở hữu của các tổ chức.

Việc công bố nhằm phục vụ công tác quản lý, sử dụng công trình kiến trúc Pháp đúng quy định. 

Tuy nhiên, ngoài các công trình kiến trúc tiêu biểu kể trên, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra khi cho thuê những căn biệt thự kiến trúc kiểu Pháp cổ xưa như ngôi biệt thự ở số 3 Đống Đa, TP Huế để có thể sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại công trình; nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật các công trình kiến trúc cổ.

Anh Khoa
.
.
.