Cần cẩn trọng khi trùng tu di tích cầu ngói Thanh Toàn

Thứ Sáu, 24/04/2020, 08:52
Sau khi cầu ngói Thanh Toàn được đơn vị thi công hạ giải để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích theo phê duyệt của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, người dân và đặc biệt những nhà nghiên cứu, trí thức Huế đã tỏ ra lo ngại về việc di tích cấp quốc gia này sẽ bị trùng tu theo kiểu xây mới; hoặc làm mất các giá trị nguyên gốc như đã từng xảy ra với một số di tích khác. Vì sao có tình trạng này?

Cầu ngói Thanh Toàn ở thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật hiếm có trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu được xây dựng vào năm 1776 (thế kỷ XVIII) theo lối “Thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) với chiều dài 18,75m; rộng 5,82m chia làm 7 gian. Tháng 7/1990, cầu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.

Từ năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn. Dự án do Ban Đầu tư và xây dựng (ĐT&XD) thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư; Công ty CP tôn tạo di tích Cố đô (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) là đơn vị thi công. 

Di tích cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo.

Trong quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn, có nêu rõ, phải tận dụng tối đa vật liệu gốc khi bảo tồn phần “gia”; đánh giá hiện trạng các cấu kiện gỗ theo quy chuẩn, quy định và nguyên tắc về bảo tồn; phục hồi những cấu kiện không đảm bảo yêu cầu chịu lực, tính thẩm mỹ cho công trình bằng đúng loại gỗ nguyên gốc.

Tuy nhiên, sau khi di tích cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải, nhiều người dân và dư luận có ý kiến bày tỏ lo ngại công tác trùng tu sẽ khiến di tích này mất đi giá trị nguyên bản. Hình ảnh phối cảnh cầu ngói Thanh Toàn sau trùng tu có màu sắc sặc sỡ, phong cách hiện đại được nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội càng khiến việc lo lắng trên là có cơ sở. 

“Chúng tôi lo ngại cho di tích cầu ngói Thanh Toàn, bởi trước đây có nhiều di tích cấp quốc gia cũng được trùng tu, tôn tạo sau đó thành như một công trình xây mới. Vào cuối năm 2019, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cầu ngói chợ Thượng, ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng được trùng tu nhưng đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu của di tích khiến dư luận bức xúc. Vì thế, việc thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn cần phải hết sức thận trọng”, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế bày tỏ.

Tìm hiểu được biết, trải qua 244 năm tồn tại, cầu ngói Thanh Toàn cũng đã được trùng tu vào năm 1986 và có sửa chữa nhỏ vào năm 1992. Đặc biệt, trong đợt trùng tu 1986, khi cầu ngói Thanh Toàn chưa được công nhận là di tích cấp quốc gia thì việc trùng tu do nhân dân địa phương thực hiện nên quá trình thi công có xảy ra một số bất cập, sai sót, chưa đảm bảo được tính chân thực, chính xác của di tích. Cụ thể, các câu đối bị đặt lệch vị trí; một số nét chữ bị thiếu. Còn trong đợt sửa chữa năm 1992 thì xảy ra hiện trạng một số vị trí ở mái ngói chưa đồng bộ, không đảm bảo đúng quy định… 

Ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐT&XD thị xã Hương Thủy, đơn vị chủ đầu tự dự án, nói rằng, đến nay việc hạ giải di tích cầu ngói Thanh Toàn gần như cơ bản hoàn thành, riêng phần “hạ kiều” có một số cấu kiện khó hạ giải nên phải chờ Hội đồng chuyên môn thẩm định. 

Theo ông Thành, những cấu kiện bị hư hại mới tiến hành hạ giải để sửa chữa, thay thế, còn không sẽ được giữ nguyên; các cấu kiện phần “thượng gia” sau hạ giải cũng được sắp xếp, phân loại. Trước khi hạ giải, đơn vị đã tiến hành số hóa toàn bộ công trình và ghi chép cụ thể các cấu kiện tại vị trí trên thực địa. Sau khi hạ giải sẽ mời Hội đồng thẩm định, đánh giá cấu kiện. Nếu cấu kiện nào buộc phải thay thế sẽ tập kết đưa về Bảo tàng nông cụ cạnh cầu ngói để trưng bày, lưu giữ. 

“Do pano giới thiệu về công trình sau trùng tu được thiết kế trên phần mềm 3D nên màu sắc có phần sặc sỡ, không đúng so với thực tế đã khiến dư luận lo ngại. Chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc sử dụng vật liệu, chất liệu như cũ, theo đúng màu sắc nguyên bản. Dự kiến có khoảng 70% bộ phận kết cấu bằng gỗ được tái sử dụng, chỉ có thay thế một số dầm ngang, mộng, cột hư hỏng, không đảm bảo chất lượng. Quá trình thi công, đơn vị đã cử cán bộ giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”, ông Thành giải thích.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, công tác chuẩn bị và quy trình thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn được thực hiện bài bản, chặt chẽ, cẩn thận và tuân thủ các quy định trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đơn vị thực hiện dự án đã tham khảo ý kiến của các cơ quan ban, ngành liên quan, các nhà khoa học và chuyên môn về bảo tồn di sản văn hóa, lấy ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương. 

Do di tích này là điểm đến tham quan trải nghiệm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa vào dịp lễ hội Festival Huế nên việc trùng tu di tích thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng và dư luận. Vì thế, Sở đã thường xuyên theo dõi, làm việc với các đơn vị liên quan từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công để đảm bảo thực hiện dự án đúng nguyên tắc bảo tồn di tích. 

Còn ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, thì khẳng định: “Với mức kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách, dự kiến dự án trùng tu di tích cầu ngói Thanh Toàn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Việc trùng tu cầu ngói Thanh Toàn không những bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa kiến trúc độc đáo của quốc gia mà còn phục vụ phát triển du lịch và các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương”. 

Anh Khoa
.
.
.