“Bất vong bản” cội nguồn đạo lý trong Tết cổ truyền

Thứ Hai, 04/02/2019, 16:55
Nhân dịp đón xuân mới, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về những giá trị của Tết cổ truyền và vai trò của việc lưu giữ trong cuộc sống hiện đại.

Cuối năm bận rộn, người người chạy đua hoàn thành nốt công việc dở dang của năm cũ, để thảnh thơi đón Tết. Cả đất nước hoà chung không khí vui tươi, giữa sắc xuân tràn ngập. Những nồi bánh chưng toả hương gạo nếp ngào ngạt, sắc đỏ hoa đào, sắc vàng hoa mai, sắc cam của quất...  ở khắp mọi nơi từ vùng núi đến miền xuôi. 

Những cây nêu ngày Tết, những trò chơi dân gian, những tục lệ mừng năm mới lại tái hiện trong dịp đất trời hoan ca. Tết cổ truyền dân tộc đã có từ ngàn năm nay, trở thành di sản văn hoá giá trị của nước Việt. 

Nhân dịp đón xuân mới, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về những giá trị của Tết cổ truyền và vai trò của việc lưu giữ trong cuộc sống hiện đại.

Phóng viên (PV): Chào ông! Một năm lại đến. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi với “cuộc đua” cuối năm, thậm chí không ít người mong đừng có Tết. Ông có đánh giá gì về tâm lý này không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Đúng là nhiều người mang tâm lý sợ Tết thật. Thế nên mới có ý kiến cho rằng nên bỏ Tết. Tôi hiểu tâm lý này. Đó là do sự phát triển kinh tế - xã hội phát sinh những bất cập về giao thông, bất đồng trong việc tổ chức Tết, những tệ nạn như rượu chè cờ bạc, biếu xén quà cáp, lãng phí thời gian của cả xã hội… Thế nhưng, có một luồng ý kiến khác thì muốn duy trì nét đẹp cổ truyền và giữ lại Tết cho nhân dân. Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai.

Tôi quan niệm, Tết cổ truyền là truyền thống văn hoá ngàn năm của dân tộc, nó có giá trị lớn trong đời sống cộng đồng. Mà giá trị lớn nhất là niềm cộng cảm chung, cốt lõi là không quên cộng đồng – đó là tư tưởng “bất vong bản” – không quên gốc rễ, thể hiện cội nguồn đạo lý của người Việt. Người Việt có nhiều tôn giáo, có thể theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, nhưng có một tín ngưỡng là sự tưởng nhớ tổ tiên, một tín ngưỡng vững bền đã trở thành truyền thống. Nếu bỏ đi, chúng ta sẽ đánh mất một vốn tinh thần quý giá mà nhân dân đã tạo dựng được.

PV: Có nghĩa là, Tết không chỉ là quãng thời gian người ta được nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả mà Tết cổ truyền mang trong mình nhiều giá trị tinh thần đặc biệt?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ:  Đúng vậy. Lễ hội có thể là của một vùng, nhưng Tết cổ truyền thì dành cho toàn dân, bất kể người trong nước hay người ở nước ngoài. Ít lễ hội nào tạo được tính toàn dân như vậy. 

Trong lịch trình phát triển di sản, Tết tập hợp được nhiều tộc người trên một quốc gia có Tết cùng nhau, đó là một quá trình lịch sử lâu dài. Tết là biểu tượng của sự hoà hợp các dân tộc, các tộc người. Tết cũng là dịp người ta kiểm điểm lại những việc đã làm, chưa làm được của một năm qua. Tết thường diễn ra trong sự tôn trọng rất cao giữa con người với con người, nhắc người ta phải sống tử tế hơn… Tức là, Tết mang trong mình rất nhiều giá trị, là di sản ứng với tất cả mọi người. 

Trên thế giới, nhiều lễ hội được thế giới công nhận là di sản văn hoá nhân loại. Nếu bỏ Tết Nguyên đán chẳng khác gì tự mình không coi mình là giá trị văn hoá nhân loại. Những ý kiến bỏ Tết nghiêng về vấn đề kinh tế, tăng trưởng, sự giàu mạnh của quốc gia, tất nhiên điều đó là quan trọng. Nhưng chúng ta tăng trưởng để hạnh phúc, có hạnh phúc của tự do, sự sáng tạo, tôn trọng lẫn nhau… Khoảng thời gian được coi là hạnh phúc thì tại sao không quý  nó?.

Tết xưa và nay vẫn mang giá trị là Tết đoàn viên, đoàn viên gia đình, đoàn viên làng xã. Với nhiều người, Tết chính là chuyến hành hương về cội nguồn. Ông bà, con cháu được sum họp, đoàn viên. Trước đây khi kinh tế khó khăn, người ta sợ phải lo 3 ngày Tết. 

Giờ cơ bản là người nghèo đã giảm nên khái niệm lo 3 ngày Tết cũng không còn. Tết là di sản mang tính tổng hợp nên có nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết. Trước Tết là sự chuẩn bị. Về cơ bản hiện nay với vùng thị tứ, đô thị, thành phố thì việc chuẩn bị Tết hết sức thuận lợi. Cái đó không tạo gánh nặng như thời bao cấp. Chưa kể hiện nay các hoạt động cứu trợ của Chính phủ, hoạt động từ thiện của tổ chức xã hội. 

Những hoạt động, phong tục diễn ra trong ngày Tết từ xưa đến nay đều mang những ý nghĩa khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp, mang tính nhân văn vì cộng đồng, vì con người. Ví như thói quen dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa ngày Tết, đó là thể hiện sự mới mẻ cho một năm mới, một vòng quay mới, góp phần tạo nên khát vọng cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

PV: Mỗi vùng miền có cách tổ chức Tết khác nhau, nhưng đều có những đặc trưng chung nhất, có những tục lệ phổ biến như xông đất đầu năm, đi chúc Tết, mừng tuổi mà dân gian vẫn quen gọi là lì xì…?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Mỗi tục lệ trong ngày Tết đều mang ý nghĩa khác nhau. Nói về tục lì xì, lì xì tương tự như mở hàng, nó mang ý nghĩa là buôn bán cả năm, tiền lãi để dành từ thiện, trước là từ thiện trong nhà, cho con cháu, nếu làm vậy thì sang năm sẽ mua may bán đắt. Mừng tuổi lại khác, theo quan niệm dân gian, tục mừng tuổi mang ý nghĩa rất tốt đẹp, mừng tuổi để chúc các cụ già được thêm tuổi, trẻ nhỏ lớn lên.

Còn phong tục chúc Tết, cha ông ta có câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Câu tục ngữ hướng cho chúng ta lựa chọn cách ứng xử cho phù hợp trong 3 ngày Tết cổ truyền. Ưu tiên bên nội trước, rồi đến bên ngoại, ngày mùng 3 thì đi thăm thầy giáo. Đó không phải quy định bắt buộc mà là sự ưu tiên hợp lý, thói quen hợp lý trong ứng xử cổ xưa để lại. Đây là phong tục tốt đẹp, thể hiện sự tri ân với người sinh thành, dạy dỗ mình.

PV: Nhiều vùng quê vẫn duy trì trồng cây nêu ngày Tết, ông có thể cho biết ý nghĩa của tục lệ này và vai trò của nó trong đời sống hiện đại?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Theo truyền thuyết nhà Phật, con người và ma quỷ tranh đất của nhau, nhờ đức Phật phân xử. Đức Phật bảo trồng một cây tre, treo áo cà sa lên, bóng cà sa tỏa đến đâu thì đó là đất của con người.  

Cây tre càng cao thì bóng cà sa càng rộng, quỷ phải rút dần ra biển. Câu chuyện biểu trưng sức mạnh của người dân Việt chống lại cái ác. Tục trồng cây nêu để xua đuổi cái ác, cái xấu. Cây nêu được trồng bằng tre cũng là biểu trưng, là bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Xưa hơn truyền thuyết đó, ở các dân tộc không theo Phật thì vẫn có cây nêu để khẳng định quyền trên đất đai của những bộ lạc, bộ tộc. Xưa hơn nữa, canh tác nông nghiệp dựa trên cây gậy chọc lỗ, là công cụ sản xuất, là vũ khí để sinh tồn… Thế nên, trồng cây nêu còn mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, cần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. 

Nay trồng cây nêu có thể treo cờ đỏ sao vàng, treo biểu tượng, trang trí, hình ảnh gia súc… coi đó là tổ chức sinh hoạt cộng đồng, hát múa vui chơi bên dưới cây nêu, tạo một biểu tượng mang tính tập trung, cộng đồng, nên duy trì tục lệ tốt đẹp này.

PV: Nhiều năm trước, khi đời sống khó khăn, cứ vào những ngày giáp Tết, nhà nhà lại chuẩn bị một nồi bánh chưng, quây quần trông bánh cả đêm. Rồi thịt lợn, giã giò… Đó không chỉ là làm món ăn ngày Tết mà còn tạo sự sum vầy, ấm áp. Thế nhưng, giờ chỉ cần bỏ ra ít tiền là có dịch vụ mang đến tận nhà. Tôi thấy tiếc nuối những ngày xưa cũ ấy?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Những món ăn như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… là đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc. Thời khó khăn, nhà nào cũng cố gắng làm một cái Tết có đầy đủ những món đó. 

Khi kinh tế khá giả, người ta có thể thay đổi, từ món ăn. Đúng là bây giờ việc chuẩn bị cho một cái Tết đơn giản hơn trước rất nhiều, nhưng tự mình chế biến một món ăn dẫu vất vả nhưng lại mang một giá trị khác. Thường thì người phụ nữ vất vả hơn đàn ông trong việc sắm sửa cho Tết. Vậy thì cánh đàn ông hãy san sẻ gánh nặng này, người phụ nữ có thể huy động chồng con cùng tham gia, như thế tạo được phong vị chung cho ngày Tết.

Nói về sự tiếc nuối của bạn, tôi thấy không hẳn vậy. Bây giờ người dân đang có xu hướng quay trở lại phong tục cổ truyền. Ví như việc gói bánh chưng. Ở ngoại thành, phần lớn các gia đình đều tự gói bánh chưng, tự nấu. 

Còn ở thành phố, nhiều nhà đã tập hợp nhau lại, cùng kiếm củi, mua lá dong, gói bánh, đun bánh bằng củi ở không gian sinh hoạt chung như sân, ngõ tập thể… Khu nhà tôi cũng vậy. Các gia đình í ới gọi nhau, phân công nhau trông bánh, trẻ con vui chơi xung quanh đó, háo hức chờ bánh chín… tạo nên sinh hoạt cộng đồng, sự gắn kết giữa các gia đình.

PV: Kiểm điểm lại, chúng ta phải chấp nhận có một sự thật là một số nét đẹp truyền thống bị mai một, biến tướng?.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Văn hóa luôn là vậy. Văn hoá có khả năng biến tướng – đó mới là văn hoá, nhưng cái gì quá đi thì cần phải điều chỉnh. Tục mừng tuổi, chúc Tết mang tính tượng trưng dần dần bị biến tướng. 

Nạn biếu xén quà cáp, là rượu chè, cờ bạc, là tai nạn giao thông xuất hiện nhiều hơn. Giờ người ta uống rươụ nhiều, đi đâu cũng ép uống. Tôi năm nay 60 tuổi, đủ thời gian để trải nghiệm hậu quả do uống rượu nhiều mang lại. Bạn của tôi mắc bệnh tật, ra đi vì rượu, tai nạn giao thông ngày Tết cũng vì rượu… 

Vậy thì ta phải điều chỉnh. Điều chỉnh từ giao thông đi lại ngày giáp Tết, điều chỉnh từ cách ứng xử với các tục lệ, truyền thống văn hóa ngày Tết cổ truyền để phù hợp với nhịp sống hiện đại mà vẫn lưu giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.