Nhớ bốn mùa

Thứ Sáu, 27/01/2017, 15:11
Giống người, đặc biệt là cái nòi thi sĩ, là cứ hay... nhớ! Nhớ đủ thứ. Nhiều khi chính mình cũng chả biết rõ rệt là mình đang nhớ ai, nhớ cái gì!

Nhớ cháy lòng, nhớ như bào ruột bào gan, nhớ quay quắt, nhớ đau đáu, nhớ bồn chồn, nhớ bồi hồi, nhớ khắc khoải, nhớ da diết... thì còn có thể tìm nguyên cớ, chứ cái nhớ chỉ là... nhớ thôi, thì chả hiểu ra làm sao!

Nó cứ bảng lảng trong người như là mây bảng lảng trời Thu, như là sương bảng lảng chiều Thu, như là bóng ai chập chờn trong giấc mộng Thu, mờ mờ nhân ảnh, khó trông cho thật rõ ràng. Cái nhớ ấy làm cho người ta thấy váng vất. Bảo là ốm thì chưa phải mà bảo là khỏe, cũng chưa!

Gọi là nhớ miên man, nhớ man mác, cũng chả biết là có đúng hay không? Âu đó cũng là một thứ bệnh- bệnh nhớ? “Nắng mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. “Tương tư” nghĩa là “nhớ nhau”, chả phải người ta có “bệnh” nhớ là gì? Ốm vì nhớ! Bổi hổi, bải hoải ra vì nhớ! Nào biết làm thế nào? Thật chả ra làm sao!

Nhưng nếu không nhớ nữa, tuyệt nhiên không nhớ nữa, ta thành ra cái gì? Không ký ức, không kỷ niệm, không kỷ vật, không có gì để “Những ngày buồn nghĩ tới lại vui vui/ Những ngày vui nghĩ tới lại ngùi ngùi”, thì còn không bằng hòn đá... vọng phu! Người ta sinh ra rồi lớn lên vì biết, trong đó có biết nhớ. “Từ khi tôi biết nhớ”, bao người đã mở đầu khi kể hay viết về thời thơ ấu của mình như vậy. Sao không thử một lần, đi tìm ngọn nguồn cái “bệnh” nhớ của mình xem sao?

Vì lúc đầu ta đã sớm nói tới mùa Thu nên ta bắt đầu từ Thu vậy! Hay là “bệnh” nhớ đi ra từ mùa Thu, từ cái lúc ta “bưng tiếng khóc ban đầu mà ra” đến giờ-“Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm”? Hay là đi ra từ cái chỗ mà cứ hễ Thu sang là mẹ ta, chị ta, em gái ta, cô láng giềng nhà ta…, lại ngồi đan áo, nhất là những ai có người thân sắp vào cữ rét, xứ rét -“Người đưa thư rẽ sang ngõ khác/ Để người mắc lỗi với kim đan”?

Nói đến rét thì lại nhớ Đông ngay! Là vì Thu Việt đến chậm, lá Thu chưa vàng, nắng Thu còn “rám vỏ bưởi”, mà cái nòi thi sĩ vốn nhạy cảm hơn người, vốn “thông thiên” hơn người, vốn mang trong mình cái “bệnh” nhớ kinh niên, nên “Đã nghe rét mướt luồn trong gió!”. Nghe được “rét mướt” thì Một, Chạp đã ở ngay trước mặt. Một, Chạp trước mặt là Tết đến ngõ rồi, là đã nhớ cái cảnh “Rửa lá dong xanh đám gái làng/ Dìu dịu như ngà, như nếp trắng/ Buộc người như những sợi lạt dang” rồi. “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng”.

“Mai trúc” tức là “Thanh mai trúc mã”, tức là trỏ việc thân gần trai gái từ thuở thiếu thời, thời còn tranh nhau quả mơ xanh (thanh mai) ngõ cổ, thời còn cùng cưỡi ngựa tre (trúc mã) sân cũ hè xưa. Rồi Tết đến thật và Giêng, Hai về- “Mùa Xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao lá ở cành/ Ra khỏi cổng làng tôi chợt thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”.

Sao lại “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”? Không biết! Cái nòi thi sĩ họ viết thế! Thì biết thế! “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”, đâu phải triết học, chính tả /ngữ pháp hay văn tự pháp đình? Giêng, Hai hết thì mùa rau khúc cũng tàn, dù là khúc tẻ gầy gò mốc trắng như cây sen đá hay là khúc nếp mập mạp xanh màu đậu xanh luộc và trổ hoa vàng. Ăn bánh khúc thì đã lại nhớ tháng Ba, nhớ Hạ, rồi!

Tháng Ba ta là cái tháng kỳ lạ: “Rét tháng Ba bà già chết cóng”, nhưng lại có “Nắng tháng Ba chó già lè lưỡi”! Rét ở đây, là “Rét nàng Bân”. Nắng ở đây, là “Nắng mới”. Nhớ Hạ, lại nhớ mưa rào: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”. Sao mà khổ thế? Để khỏi phải khổ thế, thì “chả đi lấy chồng nữa”. Nhưng “chả đi lấy chồng nữa”, một mình một bóng thì kìa, Hạ hết Thu về, trong khi “Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi”, rồi biết làm thế nào? Còn biết làm thế nào nữa? Vì có thể lại còn khổ hơn cả “chả đi lấy chồng nữa”: “Thiếu chồng, giặt áo đêm Thu/ Chày kêu sương lạnh, trăng mờ trên non/ Đêm dài, dạ héo gan mòn/ Đêm dài, muôn tiếng chày buông thẫn thờ/ Sáng ra, đầu bạc như tơ/ Mỗi chày, một sợi tóc vừa thôi xanh”.

Đấy, vừa nói được mấy câu, Thu đã “tái lai” rồi! “Sen tàn cúc lại nở hoa...”. Thế là bốn mùa- tứ quý- cứ lừ lừ xoay vần và lòng người ta chẳng bao giờ thôi nhớ. Nhớ chết đi được! Càng thương lại càng nhớ: “Nhớ chàng dằng dặc đường lên bằng trời/ Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu/ Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”. Càng nhớ lại càng buồn: “Sầu ôm nặng, hãy chồng làm gối/ Muộn đong đầy, hãy thổi thành cơm/ Mượn hoa, mượn rượu giải buồn/ Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi”!

Buồn, nhớ mãi thì “bấm đốt ngón tay”: “Thuở lâm hành, oanh chưa bén liễu/ Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca/ Nay quyên đã giục oanh già/ Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo/ Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió/ Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông/ Nay đào đã quyến gió đông/ Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”. Ngóng một, hai, rồi ba năm: “Thử tính lại diễn khơi ngày ấy/ Tiền sen này đã nảy là ba”! “Tiền sen” là cái lá sen non vừa xòe ra bằng đồng tiền cổ trên mặt nước bể cảnh nhà khá giả, tức là trỏ cuối Xuân đầu Hạ. “Lâm hành”, “đăng đồ”, “diễn khơi” đều là để trỏ cái việc đi xa, từ biệt. Mà “sinh ly, tử biệt” là hai việc khiến người ta đau lòng khôn xiết! Đấy, mới chỉ là nói đến “sinh ly”, mà đã “chán” thế rồi!

Buồn, nhớ mãi nữa thì trách: “Tin thường tới, người chưa thấy tới/ Bóng rèm thưa lần giãi bóng dương/ Bóng dương mấy buổi xiên ngang/ Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai”, “Tin thường lại, người chưa thấy lại/ Hoa dương tàn đã trải rêu xanh/ Rêu xanh mấy lớp xung quanh/ Chân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ”. Trời ơi! Viết về nhớ thương/ thương nhớ, về cái cảnh “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” hay thế mà vẫn sống được, thì lạ thật! Viết hay đến thế thì chết luôn mới phải chứ?

Ai về Bắc/ Ta theo với!/ Về lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ buổi mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, là thơ trăm phần trăm. Đấy là nỗi nhớ to, nỗi nhớ của thi sĩ- tướng quân.

Nhưng hãy nghe nỗi nhớ bé, “tầm thường”: “Cho đến một ngày kia… đang ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở bên sông Tân Thuận, trận mưa đầu mùa trút nước xuống phố phường. Những người Bắc Việt ngồi ở những bàn ăn gần đó nhìn mưa mà lòng thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm ra một câu gì đó để nói. Một người bảo: “Ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu Hè đấy nhỉ?”. Một người khác: “Thế nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia, bà ạ!”. Một người nữa: “Cái gì cũng khác hết. Thôi đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây!”.

Người bạn phương trời liếc nhìn ông bạn trai đứng cạnh: hai người im lặng chẳng nói, vì nói chẳng ra lời, nhưng cũng cảm thấy như có một thứ điện kỳ lạ truyền cảm đi khắp người. Thì ra không cần nhiều: chỉ một câu nói rất tầm thường vào một buổi chiều mưa gió đìu hiu cũng gợi lên được những ấn tượng rầu rĩ trong một tấm lòng có mối xông”! Văn xuôi đấy, nhưng vì đâm ra từ cái gốc người nên nghe xong lại thấy cũng là thơ trăm phần trăm. Chao ôi! Hóa ra, cái “tấm lòng có mối xông” sẵn kia; “có mối xông” bao năm ròng, bao đời ròng; “có mối xông” truyền kiếp, mới ứa ra thơ hay, dù dưới dạng văn xuôi, không cầm được, không thuốc thang/ bông gạc nào cầm được!

Hóa ra, cái nòi thi sĩ, lúc nào cũng nhớ thương, lúc nào lòng cũng như cây gỗ cũ “có mối xông”, trông ngỡ lành mà gõ nhẹ vào là vỡ! Đó là nỗi nhớ thường trực, “cấu nhiều đau hơn đạp”, trong lòng thi sĩ. Lòng thi sĩ lúc nào cũng mỏng manh một cách trầm trọng như thế, “mỏng như vỏ trứng” còn chưa là gì! Thi sĩ, lúc nào mà chả như cái ông nhà văn/ thi sĩ Bắc kỳ Vũ Bằng, đang “ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở bên sông Tân Thuận” mà nhìn mưa, nghe mưa? Thì đấy!

Vợ chồng lấy nhau mãi rồi, như là “duyên phận”, như là “mặc định” rồi, thế mà một ngày, thơ ứa ra: “Không có em bên cạnh/ Đường xa gấp hai lần/ Không có em săn sóc/ Ghẻ lở mọc đầy thân/ Nhưng có em bên cạnh/ Việc to thường không thành/ Thôi thì đi xa vậy/ Bất kiến, bất vong tình”! Nói là nói thế, chứ có “việc” gì “to” thật đâu? Chẳng qua là vì trong lòng trót “có mối xông” nên nói thế. Ô kìa, nhưng “có mối xông” trong lòng mà lại là “chuyện nhỏ” ư?

Bên tây, người ta bảo: “Nếu anh lấy được một người vợ tốt, anh là người hạnh phúc, nhược bằng ngược lại, thì anh sẽ thành nhà triết học!”. Là “nhà triết học” thì đơn giản quá, cả đời chỉ quẩn quanh có vài ba câu hỏi: “Ta là ai?”, “Thế giới là cái gì?”..., mà không hề hỏi rằng, “Lòng có mối xông là thế nào?”, “Sao tự dưng lòng lại có mối xông?”, “Sao người ta lại luôn có mối xông trong lòng?”, “Ai có thể, lúc nào có thể, thấy và chữa được bệnh có mối xông trong lòng?”v.v... Nhưng vì “có mối xông” trong lòng, người ta mới biết yêu, biết nhớ nhiều hơn người thường. 

Cũng ông Vũ Bằng, nằm Nam nhớ Tết Bắc, ông viết: “Nằm ở nơi đây là đất mà có người ca ngợi rằng mỗi khi Tết đến, “dưa hấu chất cao hơn nóc chợ”, người ta nhớ đến cái mưa Xuân bay nhè nhẹ như hôn vào môi, vào má người ta, thay thế cho cái mưa phùn đem buốt lạnh thấm vào da vào thịt; nhớ những con đường hoa láng láng, thơm thơm như có bàn tay ai lau rửa thay thế cho cái lầy lội, ướt át kéo dài từ tháng Một sang đến thượng tuần và trung tuần tháng Chạp; nhớ những hoa mận, hoa đào đú đởn múa may trước gió hiu hiu thay thế cho những cành khô nghèo nhựa nằm chết chóc trong giá rét trước ngày Đông chí.

Tài thế, Lập Xuân rồi là thời tiết đổi thay liền!... Xuân, tức là Xuẩn, nghĩa là cựa/ động, muôn vật đến mùa ấy là cựa/ động mà sống dậy. Người đàn bà trời đã cho đẹp, Lập Xuân rồi tự mình cũng thấy mắt biếc hơn, má hồng hơn, ngực tròn hơn và cảm thấy như nhấp một thứ men nồng làm cho lòng phơi phới..., thậm chí đến bậc lão đại, bạc cả mái đầu, thấy hoa Xuân hé miệng ra cười cũng cảm thấy con tim muốn nói lời thê thiết: “Ai ơi chơi bấy kẻo chầy/ Xem hoa bốn mắt, đi giầy ba chân?”..., yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế!”.

Hóa ra, càng nhớ, càng mong, càng “có mối xông” trong lòng..., thì lại càng thèm yêu những lúc đẹp của cuộc sống, dù đó là cái đẹp to hay cái đẹp mảy may. “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”.

Xuân, Tết, bốn mùa, ta “có” hay là “không” nhớ đây?

Đỗ Trung Lai
.
.
.