Ngàn người cùng hát "Nối vòng tay lớn" tại Huế

Thứ Bảy, 22/04/2017, 17:59
Hàng ngàn người đã cùng nhau cất cao ca khúc “Nối vòng tay lớn” để kết thúc đêm nhạc tưởng niệm người nhạc sỹ tài năng, người con của xứ Huế, diễn ra vào tối ngày 21-4 tại trường Đại học Y dược Huế, TP. Huế.

Với 21 tình khúc quen thuộc và nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, hàng ngàn khán giả của đất cố đô thêm một lần nữa được gặp lại khuôn mặt của chính mình trong ca khúc của ông. Một gương mặt của Huế, thuộc về Huế. Cũng như có người từng nói, Huế là Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn cũng có nghĩa là Huế.

“Anh Sơn không gọi tên Huế trong các ca khúc của mình nhưng nghe nhạc của anh, có thể nhìn ngắm một không gian Huế đẹp và buồn…”, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái ruột của cố nhạc sỹ chia sẻ.

Để rồi, từ dẫn dụ không gian âm nhạc cụ thể ấy, đêm nhạc dẫn dắt công chúng Huế trở về những “khung trời ảo mộng hoa bướm ngày xưa”, về với một thuở “mưa hồng” với các ca khúc “Diễm xưa”, “Dấu chân địa đàng”, Nắng thủy tinh”, “Một cõi đi về”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Xin cho tôi”, “Níu tay nghìn trùng”…, qua sự thể hiện của các ca sỹ Bảo Yến, Đức Tuấn, Tấn Sơn,…

GS. TS Cao Ngọc Thành và ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh phát biểu, khai mạc đêm nhạc "Nối vòng tay lớn" tại Huế. 

Xen lẫn những tiết mục của các ca sỹ và thầy trò trường Đại học Y dược Huế là màn độc tấu rồi song tấu của hai cha con nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn với các ca khúc “Cát bụi”, “Một cõi đi về”, “Hạ trắng”, “Em đi bỏ lại con đường”… 

An Trần – cô con gái ruột của cây saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn, năm nay 13 tuổi, đã gây ngạc nhiên với khán giả Huế bởi tài năng nhà nòi của mình khi một mình, một kèn saxophone trên sân khấu và thể hiện tốt ca khúc của cố nhạc sỹ.

Tấn Sơn mở màn với "Dấu chân địa đàng".
Ca sỹ Tịnh Uyên.
Alex Tú và nhóm múa trong phần trình diễn "Diễm xưa".

Cha con nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn "hợp rơ" trong "Hạ Trắng".

Nói đến Huế, không thể quên mưa. Mưa càng buồn hơn khi nhớ một người tình phụ. Lúc đó, mưa làm cho lòng người không những buồn mà còn nổi sóng”. Lời dẫn dụ duyên dáng qua chất giọng Huế đậm đặc của ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh mở màn cho màn vũ đạo đặc biệt của nghệ sỹ piano Tuấn Mạnh và nhóm múa của Alex Tú. Ca từ “Diễm xưa” qua phần thể hiện vũ đạo này mang đầy màu sắc ma mị, mới lạ, lôi cuốn.  

Đặc biệt, ca khúc “Tuổi đá buồn” qua chất giọng hơi run run, mỏng nhẹ của chính nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vang lên một cách đầy hoài niệm cùng với những hình ảnh thời ông sống ở Huế như một nốt trầm của đêm nhạc, gây xúc động cho nhiều người.

Hình ảnh Trịnh Công Sơn xuất hiện như một điểm nhấn hoài niệm của đêm nhạc.
Nghệ sỹ piano Tuấn Mạnh.
Tấn Sơn với "Đêm thấy ta là thác đổ".
Danh ca Bảo Yến trở lại với 3 ca khúc "Một cõi đi về", "Ru ta ngậm ngùi", "Rừng xưa đã khép".
Theo kịch bản, nam ca sỹ Đức Tuấn hát 3 bài nhưng vì quá "sung" nên anh xin hát thêm một bài nữa. 

GS.TS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Huế nói rằng: “Trong âm nhạc, ông thích nhất là bản “Serenade” của Franz Schubert và những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Và trong những ca khúc của Trịnh, ông thích nhất ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ …Vì đất nước cần một trái tim”. Với ông, âm nhạc họ Trịnh đi vào đời sống bằng những câu chuyện kỉ niệm và số phận của riêng mình.

Đêm nhạc kết thúc bằng bản hòa ca “Nối vòng tay lớn” của ca sỹ, thầy trò trường Đại học Y dược và hàng ngàn người dân Huế. Ai cũng hát to và vỗ tay “nắm tròn một vòng Việt Nam”. Sau sự cố cấp phép ca khúc nổi tiếng này gây ra sự ồn ào không đáng có trong thời gian qua, đây là chương trình đầu tiên, ca khúc nổi tiếng này của cố nhạc sỹ vang lên một cách ấm áp, hào sảng.

Một số hình ảnh khác của đêm nhạc.
Đậu Dung
.
.
.