Bảo tồn, phát huy làng tranh Đông Hồ qua du lịch

Thứ Năm, 07/11/2019, 08:17
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp lâu dài cho làng tranh Đông Hồ. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề là một mô hình thiết thực và thành công...


Làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là nơi hiếm hoi còn lưu giữ cách làm tranh khắc gỗ cổ xưa nhất của vùng Kinh Bắc nhưng liên tục bị cảnh báo bởi đang mai một dần. Góp phần bảo tồn và phát huy dòng tranh này, hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã triển khai xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trong khi chờ đợi những chính sách phát triển lâu dài và bền vững, một số gia đình nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm tranh của cha ông vừa duy trì sản xuất phục vụ khách hàng truyền thống, vừa khai thác phục vụ du lịch. Đây cũng là “kênh” tiêu thụ, quảng bá sản phẩm dòng tranh này hiệu quả nhiều năm nay, dù rằng, cách làm còn khá tự phát, quy mô chưa lớn.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, truyền nhân của dòng họ nổi tiếng lâu đời làm tranh Đông Hồ cho biết, dòng họ Nguyễn Đăng đã có 22 đời làm tranh dân gian Đông Hồ, chứng kiến hầu hết những thăng trầm của nghề.

Tranh dân gian Đông Hồ được du khách yêu thích.

Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944, làng Đông Hồ (làng Mái) có 17 dòng họ, tất cả đều làm tranh. Khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp. Làng nhộn nhịp nhất là dịp chợ tranh giữa những ngày tháng Chạp. Người dân và du khách thập phương về mua tranh treo Tết, xem tranh kết hợp trảy hội mùa xuân, cầu mong phú quý vinh hoa cho gia đình.

Kháng chiến chống Pháp, Đông Hồ bị giặc đốt phá, người dân chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy, nghề tranh bị gián đoạn. Hòa bình lập lại, làng tranh nhen nhóm khôi phục nhưng hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ hoạt động không hiệu quả nên giải thể. Người dân Đông Hồ chuyển sang làm hàng mã.

Tiếc vốn quý của cha ông, từ năm 1990, bố ông là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng con cháu trong họ sưu tầm các bản khắc gỗ, thuê đất, mở xưởng, làm tranh và truyền dạy, níu kéo nghề. Tranh bán được ít, tiền thu về cũng không đủ để đầu tư tái sản xuất, gia đình phải vừa làm tranh, vừa làm vàng mã, lấy tiền lời từ vàng mã để nuôi tranh.

Từ đầu năm 1995, gia đình bắt đầu đem tranh ra Hà Nội bán cho khách du lịch nước ngoài. Khách mua tranh nhiều, gia đình mở hẳn một cửa hàng tranh Đông Hồ trên phố, nhờ cậy bạn bè trong ngành Mỹ thuật giới thiệu, quảng bá tranh trong và ngoài nước. Đến nay, du khách tìm đến mua tranh ngày một đông, đặc biệt là khách nước ngoài.

Doanh nghiệp tư nhân Tranh dân gian Đông Hồ của gia đình tại địa phương vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi giao lưu văn hóa, trưng bày, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch. Mỗi năm, địa chỉ này đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, mua tranh, trải nghiệm làm tranh.

Nhận định làng Đông Hồ có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng khi bàn về thực trạng làng tranh và bảo tồn, phát huy làng tranh trong bối cảnh hội nhập, Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật và Thạc sĩ Vũ Thị Diệu cho hay, tính đến năm 2019, làng tranh Đông Hồ chỉ còn 3 hộ theo nghề là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (nay là Nguyễn Bá Tâm đảm nhiệm), Nguyễn Trí Quả và Nguyễn Thị Oanh. Các hộ làm tranh trước đây đã chuyển sang làm hàng mã hoặc làm nghề khác.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến thăm làng vẫn khá đông, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài. Thống kê của địa phương cho thấy, mỗi năm có khoảng 1.200 khách du lịch đến tham quan các hộ làm tranh Đông Hồ, trong đó có khoảng 12,5% là khách du lịch nước ngoài.

Du khách đến làng không chỉ được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân dân gian thao tác kỹ thuật in tranh trên giấy điệp mà còn được tham quan và trải nghiệm in tranh, cầm những tờ tranh do chính tay mình in ra mang về làm kỷ niệm.

Các hộ sản xuất tranh tiêu thụ được sản phẩm, làng nghề được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách tham quan. Ngoài quảng bá trên đài truyền hình, báo chí thì địa phương cần xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm tranh Đông Hồ trên các trang truyền thông đa phương tiện, các trang mạng xã hội…

PGS.TS Từ Thị Loan cũng cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp khả thi cho làng tranh Đông Hồ. Bởi Bắc Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng nên có thể kết hợp các tour, tuyến giữa du lịch văn hóa, du lịch tâm linh với du lịch làng nghề.

Bên cạnh việc được chiêm ngưỡng và tự tay tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm truyền thống, du khách còn đồng thời được khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc luôn gắn liền với lịch sử phát triển của mỗi làng nghề. Bắc Ninh có thể kết hợp với các địa phương xây dựng những tour liên kết như: Hà Nội - Bát Tràng - Chùa Dâu - Đông Hồ - Đồng Kỵ đi trong 1 ngày; hoặc tour Hà Nội - chùa Phật Tích - Làng tranh Đông Hồ - Vịnh Hạ Long đi trong nhiều ngày… 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp lâu dài cho làng tranh Đông Hồ. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề là một mô hình thiết thực và thành công.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, địa phương sẽ phải đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận để đa dạng hóa lịch trình điểm đến của các tour, đổi mới cách giới thiệu, thuyết minh cho sinh động, nhấn mạnh nét độc đáo của tranh dân gian Đồng Hồ, tạo điều kiện để du khách tự trải nghiệm một số công đoạn làm tranh.

Địa phương cũng hỗ trợ người dân trang bị kiến thức về cách thức làm du lịch, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng; quy hoạch, chỉnh trang, khôi phục không gian làng nghề; đầu tư nâng cấp các dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách…

N.Nguyễn
.
.
.