Bảo tàng "độc nhất vô nhị" của một Thượng tá Công an

Thứ Hai, 03/04/2017, 12:22
Nhiều người dân xứ Đoài (Đan Phượng, Hà Nội) nhiều khi không nhớ ở quê mình có là một Thượng tá Công an Đào Hà về hưu. Thay vào đó, họ lại nhớ đến một Đào Hà chuyên sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Chưa kể ông còn làm thơ, viết nhạc, nghiên cứu các đề tài khoa học về văn hóa và địa lý tự nhiên... 

'Kho báu" tiền tỷ

Mỗi người có một sở thích khác nhau. Người thì thích sưu tập tranh, người thích sưu tập máy ảnh, nhưng với Thượng tá Công an Đào Hà, nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị I, Công an TP Hà Nội lại có một sở thích rất đặc biệt: Sưu tập những hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Bắt đầu từ 15 năm trước, có bao nhiêu tiền dành dụm được ông dùng để mua những hiện vật thời chiến tranh.

Ông lặn lội đi nhiều nơi - nhất là các vùng từng diễn ra các trận chiến ác liệt thời chiến tranh để lùng mua về những món đồ mà ban đầu người thân trong gia đình bảo “trời ơi đất hỡi”. “Nhiều người có thể nghĩ tôi khùng nhưng có ai biết, khi thời gian trôi đi, con người có thể vô tình không để ý đến những thứ xưa cũ nữa. Nhưng đối với việc sưu tầm hiện vật chiến tranh thì khác. Đây là sự thật, sự thật về quá khứ bi hùng của những cuộc chiến tranh, là cái “thật” về đời sống của các liệt sỹ. Nó là minh chứng, một minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ” - ông Hà chia sẻ.

Thượng tá Đào Hà giới thiệu về một hiện vật trong bảo tàng

Hiện tại bộ sưu tập của ông Đào Hà có hơn 3.000 chiếc ăng gô, bi đông, cả cũ, cả mới (riêng tiền mua số hiện vật này cũng ngốn của ông hơn 100 triệu đồng). Trong một căn phòng nhỏ, đó là nơi chứa đựng nhiều món đồ quý; từ quả đạn cối, bom chiến trường, quả rốc két cho đến bộ đồ lặn của lính thủy đặc công thời Mỹ ngụy mà may mắn lắm ông mới sưu tập được về. Nghe tiếng ông thường sưu tập đồ chiến tranh nên nhiều gia đình liệt sĩ tìm đến ông để gửi gắm những kỷ vật của người thân giữ như: Chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường hay chiếc thắt lưng của liệt sỹ Đào Văn Nghếch và còn rất nhiều những kỷ vật khác được ông lưu giữ cho đến bây giờ...

Ngoài những hiện vật thời chiến, ông Đào Hà có sưu tập 30 chiếc xe máy, xe đạp đủ loại Peugeot, xe Thống Nhất cho đến chiếc xe máy Mins, chưa kể hàng trăm khung xe đạp từ thời chiến mà do quá ưng nên ông cũng đem về trưng bày. Tưởng chừng những đồ vật nhỏ nhặt đó không tốn quá nhiều tiền, nhưng tổng chi phí ông phải bỏ ra ước tính lên đến cả tỷ đồng.

Chiếc mũ cối bộ đội.

Để thỏa niềm đam mê và có chi phí cho thú sưu tập hiện vật chiến tranh của mình, ông Hà còn mở thêm một xưởng may nhỏ để sản xuất các bộ đồ lưu niệm, mũ du lịch,… Trong những đợt đi kiếm đồ, thấy thích món đồ nào, mà lại chưa có đủ tiền, ông đành bán một đồ vật trong nhà để mua đồ mới. Có món đồ ông được tặng, có món đồ phải bỏ ra vài trăm ngàn nhưng cũng không ít món đồ có giá vài chục triệu đồng, nếu "kết" ông đều đám phán mua cho bằng được. “Nhiều khi không đủ tiền, tôi phải bán đi một vài món đồ có số lượng nhiều hơn trong kho, dù lấy được món đồ mới về, nhưng tôi lại tiếc ngẩn, tiếc ngơ!” – ông kể.

Để thế hệ trẻ không quên quá khứ bi hùng của ông cha

Thượng tá Đào Hà không lý giải được vì sao lại có hứng thú với đồ vật và các phế tích chiến tranh. Một vài lần đi thăm bảo tàng ở Quảng Trị, Bảo tàng CAND rồi về nhìn những món đồ chiến tranh đang bị bỏ xó, sợ chúng bị biến mất, sợ chiến tranh trong tâm trí của con trẻ chỉ còn là sự mơ hồ, sách vở; sợ sự hy sinh, xương máu của những người đã khuất để bảo vệ Tổ quốc bị lãng quên và lu mờ, ông bắt đầu nhen nhóm thành lập một bảo tàng tư nhân để giáo dục thế hệ trẻ về sự ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh của người lính.

Thượng tá Đào Hà sưu tầm được hàng trăm bi đông, ăng gô...

Bảo tàng của ông hiện trưng bày theo chủ đề theo thứ tự của các cuộc chiến tranh với ba chủ chính. Chủ đề đầu tiên, là trưng bày các tác phẩm về văn hóa Việt: Từ những món đồ từ những đồ gỗ, đồ đồng, các làng nghề truyền thống. Trưng bày tranh ảnh văn hóa dân gian, các lễ hội vùng miền; từ cái mâm đồng, ấm đồng, ống nhổ trầu cho đến những nồi cơm, mâm gỗ, cân quả tạ, loa phát thanh… gần gũi mà thân quen đến từng người, tuổi thơ của mỗi người Việt Nam.

Chủ đề thứ hai là các hiện vật về mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các nước XHCN trước đây. Những chiếc xe đạp, xe máy, quạt, nồi, những đồ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu,… tất cả được tái hiện một cách sinh động nhất. Và chủ đề cuối cùng, cũng là chủ đề được ông quan tâm nhiều nhất, đó là phế tích chiến tranh. Gồm tất cả những đồ liên quan đến chiến tranh, quân sự trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc: Vỏ bom, đạn dược, thùng đựng đạn, điện thoại, bộ đàm, bi đông, ăng gô, các đồ quan dụng trang bị cho bộ đội…

Một góc bảo tàng của Thượng tá Đào Hà

Chúng tôi chia tay ông, kịp lúc 4 nhà bạt của Liên Xô ông mua về để làm không gian trưng bày phế tích chiến tranh vừa tới. Ông bảo, sắp tới ông sẽ đầu tư mở rộng quy mô không gian trưng bày, cho xứng tầm "bảo tàng". "Tuy nhỏ bé nhưng tôi cũng mong muốn đóng góp một phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay" - Thượng tá Đào Hà khẳng định. 

Thượng Tá Đào Văn Hà còn là một "chuyên gia" nghiên cứu về môi trường. Ông đã dành nhiều giải thưởng: Giải thưởng trong cuộc thi Môi trường và phát triển năm 2007 với đề tài: "Mở nguồn nước sông Hồng cứu sông Tô Lịch". Năm 2008: Đạt giải nhất cuộc thi xử lý chất thải rắn của nông thôn Việt Nam, Giải nhì về đề án chống ngập úng Hà Nội; Năm 2010: Giải Ba viết về gương người tốt việc tốt vì có nhiều cống hiến xây dựng thủ đô Hà Nội; Năm 2014: Được bảng vàng vinh danh tri thức tiêu biểu của Thủ đô...

Một số hình ảnh về bảo tàng của Thượng tá Đào Hà:

Hoàng Thương – Thúy Quỳnh
.
.
.