100% ứng viên chuyên ngành văn học bị loại khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước:

Áp tiêu chí của khoa học tự nhiên để xem xét khoa học xã hội có phù hợp?

Thứ Hai, 15/08/2016, 17:44
“Tôi thật sự “sốc” trước kết quả của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (GT HCM), Giải thưởng Nhà nước (GTNN) về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt 5, khi nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực khoa học lịch sử, khoa học nghiên cứu ngôn ngữ như “cây đại thụ” -GS. sử học Đinh Xuân Lâm, GS.TS Nguyễn Lai, GS. TS Đinh Văn Đức, Lê Quang Thiên, Trần Ngọc Thêm…cũng bị loại.”

Đó là tâm sự của GS.TS Lộc Phương Thủy, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chuyên ngành văn học, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GTNN về KH&CN đợt 5.

Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GTNN về KH&CN đợt 5 đã làm việc trong 2 ngày 6 và 7-8-2016. Quả là bất ngờ khi toàn bộ 12 ứng viên do Hội đồng Nhà nước chuyên ngành văn học đưa lên đều bị loại. 

Theo GS.TS Lộc Phương Thủy, các công trình, cụm công trình này là tâm huyết cả chục năm, có khi cả đời của các tác giả, như công trình “Lý luận phê bình và đời sống văn chương”  của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, “Văn học và văn hóa: Tiếp nhận và suy nghĩ” của PGS.TS Đinh Xuân Dũng, hay các công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học nữ tiêu biểu như “Văn học hiện đại Việt Nam và Nguyễn Công Hoan” của PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, “Văn học thiếu nhi Việt Nam” của PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Vân …

Việc loại 100% ứng viên đã được bỏ phiếu qua 3 vòng xét duyệt (Hội đồng cơ sở, Viện Hàn lâm, Hội đồng Nhà nước chuyên ngành) cho thấy có những vấn đề chưa thật thuyết phục. 

Một trong những người bị loại, GS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng, đó là hiện tượng không bình thường khi lần đầu tiên xảy ra. Những người được gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước đều có số phiếu rất cao ở Hội đồng chuyên ngành, từ hơn 90% đến 100%, hầu hết các tác giả đều đã 70-80 tuổi và có nhiều cống hiến.

 Nhưng tiêu chuẩn xét giải lại áp tiêu chuẩn của khoa học tự nhiên (KHTN) cho khoa học xã hội (KHXH), trong khi, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GT NN về KH&CN đợt 5 có tới 19/23 người là ở lĩnh vực KHTN, mà chỉ những người cùng lĩnh vực mới biết nhau. “Chính tôi cũng không biết nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực KHTN.”- GS.TS Trần Ngọc Vương bày tỏ.

GS. Đinh Xuân Lâm –một tên tuổi lớn bị loại khỏi danh sách Giải thưởng Nhà nước 


GS.TS Trần Ngọc Vương cũng cho rằng có sự “kỳ thị” khi cho rằng KHXH có tính chính trị và biên giới. Trong khi nghiên cứu KHXH rất quan trọng, phải do chính giới KHXH Việt Nam làm, tìm ra phương pháp phục vụ cho xã hội Việt Nam, chứ nước ngoài không thể thay được. 

Không phủ nhận có sự chi phối chính trị đến kết quả nghiên cứu khoa học, trong một giai đoạn, bởi các nhà nghiên cứu cũng phải chịu sức ép. Bên cạnh đó, không có cuộc bầu chọn nào đòi tỉ lệ cao 90% trở lên, cũng không thể áp dụng dân chủ trong khoa học và nghệ thuật được.

Theo GS.TS Trần Ngọc Vương, thật vô lối khi người bỏ phiếu là những nhà khoa học lớn trong lĩnh vực của họ nhưng lại là zero trong lĩnh vực của chúng tôi. Những người được đưa lên Hội đồng cấp Nhà nước đều đã được lọc qua 3 vòng, lại bị sử dụng quyền bỏ phiếu một cách tùy tiện. 

Những người bầu phải chịu trách nhiệm về lá phiếu, phải đánh giá vì sao bỏ hay không bỏ phiếu. “Tôi từng có công trình công bố ở nước ngoài gây tranh luận ở Pháp hàng năm, sau được họ mời sang trao học hàm, nhưng những người trong Hội đồng đâu có biết, mà chỉ những người trong nghề mới biết.”

Vì thế, GS.TS Trần Ngọc Vương kiến nghị: Cần xem lại tiêu chí bầu và tỉ lệ bầu 90%, phải tính đến đặc thù của KHXH. Những người bầu phải hiểu được lĩnh vực mình bỏ phiếu, không thì không được bầu. Cung cách làm tùy tiện sẽ xúc phạm cả giới KHHX, khi 28/31 ứng viên ở lĩnh vực KHXH (riêng lĩnh vực văn học 12/12 tác giả), đều là những người có nhiều cống hiến, đã bị loại.

GS. TS Lộc Phương Thủy cho rằng, mấu chốt của vấn đề ở đây là do “vênh” về thước đo. Ở Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước có nguyên tắc là luôn tôn trọng kết quả của Hội đồng chuyên ngành, chỉ xem xét khi có khiếu kiện hoặc vấn đề về chính trị. Bởi hội đồng chuyên ngành biết rõ về nhau, nên đánh giá sẽ chuẩn hơn. Nếu không thế thì các Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng cơ sở có giá trị gì?

GS.TS Đinh Xuân Dũng, tác giả của cụm công trình “Văn học và Văn hóa: tiếp nhận và suy nghĩ” cũng bị loại khỏi giải thưởng


Việc “áp” tiêu chí của KHTN vào để xem xét các công trình KHXH quả thật là không phù hợp, vì một đằng là mang giá trị vật chất, còn một đằng mang giá trị tinh thần. Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GT NN về KH&CN không biết gì về các ứng viên, trong khi một số tiêu chí rất thiệt thòi cho bên văn học, mà yêu cầu lại phải đạt 90% số phiếu trở lên, là một thách đố quá lớn. 

Bởi vậy, mặc dù Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GT NN về KH&CN đợt 5 xem xét khách quan, cụ thể, không có sự kỳ thị, hay ghét bỏ văn học, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn chính là do bị “vênh” về thước đo ở 2 lĩnh vực.

Theo GS. TS Lộc Phương Thủy, để giải quyết vấn đề này, lý tưởng nhất là nên có 2 Hội đồng: Hội đồng KHTN và Hội đồng KHXH để xem xét, đồng thời, thay đổi tiêu chí đạt 90% số phiếu trở lên. Nếu không có chính sách tốt với những người làm văn học, thì vấn đề không phải chỉ là việc đạt hay không đạt giải thưởng, mà còn là thế hệ trẻ sẽ nhìn vào việc thực hiện đãi ngộ với các nhà KHXH, rồi bỏ bê việc học văn, học sử. 

Khi đó, ai sẽ ôm hồn đất nước được gửi gắm qua các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn học, tâm hồn con người, trong khi biết bao vấn đề văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, những giá trị tinh thần rất lớn cần được giữ gìn, duy trì và phát huy? Đây mới là nguy cơ lớn và đáng sợ hơn nhiều, khi nó ở tương lai rất gần. 

Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng GT HCM, GT NN về KH&CN đợt 5 gồm 23 thành viên, do TS. Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng. 3 Phó Chủ tịch Hội đồng là TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.TS. Đỗ Trung Tá, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; GS.TS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. 



Danh sách các tác giả và công trình bị loại khỏi giải:

1. GS Lê Phong Sừ (Phong Lê): Cụm công trình: Văn học hiện đại Việt Nam. (Giải thưởng Hồ Chí Minh).

2. GS- TS Đinh Xuân Dũng: Cụm công trình: Văn học và Văn hóa: tiếp nhận và suy nghĩ.

3. GS- TS Lê Văn Lân (Mã Giang Lân): Cụm công trình: -Thơ- Hình thành và tiếp nhận.Văn học hiện đại VN:Vấn đề và Tác giả; Những cấu trúc của Thơ.

4. PGS Vũ Đức Phúc: Cụm công trình: Những vấn đề tư tưởng và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

5. PGS- TS Nguyễn Ngọc Thiện: Cụm công trình: Lý luận phê bình và đời sống văn chương.

6. PGS- TS Lê Thị Đức Hạnh: Cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại và Nguyễn Công Hoan.

7. GS-TS Trần Ngọc Vương: Cụm công trình: - văn học VN dòng riêng giữa nguồn chung, Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam.

8. PGS- TS Lê Đình Cúc: Cụm công trình:  Văn hóa và văn học Mỹ.

9. GS Nguyễn Hải Hà: Cụm công trình: Tinh hoa văn học Nga- Khám phá và thưởng thức.

10. PGS- TS Lê Nguyên Cẩn: Cụm công trình: Balzac (văn học Pháp).

11. PGS- TS Lê Huy Tiêu: Cụm công trình:  Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa; Cảm nhận mới về văn hóa và văn học Trung Quốc.

12. PGS- TS Nguyễn Thị Thanh Vân (Vân Thanh): Cụm công trình: Văn học thiếu nhi Việt Nam


Thanh Hằng
.
.
.