Thuở tôi viết báo ở chiến trường

Thứ Ba, 27/10/2020, 12:41
Vào chiến trường biết bao sự kiện để viết, dẫu rằng bom đạn triền miên, viết dưới ngọn đèn dầu leo lét trong hầm sâu. Bởi thời đó trừ lúc đi công tác, về tới căn cứ là chúng tôi sống "độn thổ” - ăn, ngủ, hội họp, làm việc... đều dưới hầm. Vậy mà rảnh việc là viết.


1. Tuy chỉ là nghiệp dư thôi nhưng nghề báo đối với tôi lại là nghề mang nặng dấu ấn chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Thời đó, báo chí Cách mạng hiếm lắm, cả miền Nam (gọi là cấp Miền) chỉ có mấy tờ - Báo Giải phóng, Văn nghệ Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Cấp quân khu (5 quân khu) mỗi nơi 1 tờ và mỗi tỉnh có 1 tờ báo thuộc đảng bộ tỉnh (cơ cấu vậy thôi chứ nhiều tỉnh không có điều kiện ra báo). 

Tất cả đều thuộc diện báo tuần, báo tháng. Đầu báo ít, lượng phát hành thấp, phạm vi phát hành hẹp (chủ yếu ở chiến khu) nên đối với cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu ở vùng sâu, vùng giáp ranh với địch như đơn vị chúng tôi, để được “mục sở thị” một tờ báo Cách mạng có khác chi “bói tìm tăm cá”. 

Tỉ như tôi, 5 năm công tác ở chiến trường miền Đông Nam bộ, xoay quanh cái vòng cung Đông Bắc và Tây Bắc Sài Gòn vậy mà chưa biết tờ báo Cách mạng nó vuông tròn ra sao. Trong khi một phần nhiệm vụ của tôi lại liên quan tới lĩnh vực báo chí, đành rằng là báo chí của địch. 

Số là thời đó, ngoài nhiệm vụ chính, Cụm trưởng còn giao thêm cho tôi theo dõi tình hình văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên và giới ký giả của chế độ Sài Gòn nên thường xuyên được tiếp cận với nhiều báo chí trong thành gửi về như: Tin sáng, Điện tín (nhật báo), Đối diện, Đứng dậy (tạp chí) tới Trắng đen, Văn nghệ Tiền phong... (tuần báo) đọc mà phát ngán.

Tác giả (bìa phải) trở lại Bến Tre thăm đồng đội.

Trước khi đi “B”, tôi từng là cộng tác viên của Đài Truyền thanh Lữ đoàn 335 đóng quân ở vùng thảo nguyên Mộc Châu. Vì là cộng tác viên tích cực nên được Lữ đoàn cử đi học lớp viết báo do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Quân khu Tây Bắc. Lớp có gần một trăm học viên. Bài viết của tôi về Bệnh viện Sơn La được lãnh đạo lớp học đánh giá là một trong hai bài báo xuất sắc. Có lẽ “manh nha” nghề báo trong tôi từ ấy.

Vào chiến trường biết bao sự kiện để viết, dẫu rằng bom đạn triền miên, viết dưới ngọn đèn dầu leo lét trong hầm sâu. Bởi thời đó trừ lúc đi công tác, về tới căn cứ là chúng tôi sống "độn thổ” - ăn, ngủ, hội họp, làm việc... đều dưới hầm. Vậy mà rảnh việc là viết. Dẫu rằng viết rồi chẳng biết để làm gì bởi làm gì có nơi sử dụng. Thế là viết xong bài nào lại đọc cho đồng đội nghe rồi đưa vào “lưu trữ” trong ba lô “con cóc”. 

Ấy vậy mà chừng đó năm ngắn, dài cũng “cày” được ngót bốn chục bài. Bởi cảnh chiến trường thiếu thốn, tiết kiệm từng tờ giấy, bài viết gần 2.000 chữ mà chỉ giới hạn trong 2 tờ giấy pơ-luya mỏng dính. Cũng may, chứ nếu xả láng như bây giờ thì cái “ba lô lưu trữ” ấy làm sao chứa nổi. Vậy mà... ai ngờ chỉ sau trận bom Mỹ đánh trúng căn cứ, công sức bao năm tích góp từng con chữ của tôi bỗng chốc biến thành tro bụi.

Cuối năm 1969 địch đánh phá ác liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Các cửa ngõ giao thông liên lạc của các lưới điệp báo nội thành về căn cứ bám trụ đều bị uy hiếp. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng, cấp trên quyết định các đơn vị “tùy nghi di tản”. Cụm H67 chúng tôi chuyển căn cứ bám trụ về Bến Tre (thuộc miền Tây Nam bộ).

Từ Mật khu Bời Lời về Bến Tre, đường chim bay chỉ hơn 100 cây số. Vậy mà chúng tôi phải đi vòng vèo hơn nửa tháng mới tới. Chặng thứ nhất đi về hướng Tây, sang đất Campuchia. Chặng thứ hai, cặp theo biên giới đi về hướng Nam về Ba Thu, Tăng Lèo đi trên đất bạn. Bởi thời đó Khơ Me đỏ chưa “trở chứng” nên Campuchia là lãnh địa thanh bình. Chặng thứ ba, trở về đất Việt thuộc địa phận Kiến Phong, Kiến Tường, băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông tít tắp để tới Cai Lậy, Mỹ Tho rồi mới vượt sông Cửu Long sang Bến Tre.

Gần 10 ngày “chôn chân” trên đất Tăng Lèo vì trên tuyến giao liên về Đồng Tháp nằm trong đợt càn quét của địch, chúng tôi tá túc trong mấy cái lán cũ của một đơn vị nào đó bỏ lại. Thế là “nhàn cư vi viết lách”, nhớ lại những sự kiện cũ mà viết, có điều phải thay đổi hình thức. Viết được mấy "cái" thì tới ngày đường giao liên thông suốt. Không ngờ, trước lúc lên đường trở về đất mẹ chiến đấu, chúng tôi được gặp một đoàn cán bộ từ trên “R” đi thực tế vùng biên giới. 

Tôi lục vội trong bòng lôi ra tập bản thảo vừa viết, dúi vào tay một thành viên trong đoàn - “Em là Thái Dương, công tác tại H67 thuộc Đoàn J22. Nhờ anh chuyển giúp mấy cái này về Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. “Người đàn ông trung niên ấy bỗng ôm chầm lấy tôi - “Vậy là Thái Dương có viết báo. Mình là Thanh Giang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí đây! Về chiến trường viết được cái gì cứ gởi về trên này. Cái gì in ngay được thì in. Còn lại tụi này giữ cho. Chiến trường bom đạn, sông nước không giữ được đâu”.

2. Về Bến Tre, cả đơn vị tập trung xây dựng căn cứ bám trụ tại xã An Phước, huyện Châu Thành, đồng thời khẩn trương xây dựng cơ sở bí mật để chắp nối liên lạc với các lưới điệp báo nội thành nên tôi không có thời gian đoái hoài tới chuyện viết lách, dẫu rằng địa bàn mới ngập tràn cảm xúc về tình nghĩa quân dân và biết bao tấm gương hy sinh bất khuất của quân và dân quê dừa Đồng Khởi.

Cho tới một hôm, gặp đoàn cán bộ từ Thạnh Phú và Giồng Trôm sang Châu Thành, nghe tôi hỏi thăm địa chỉ tờ báo của tỉnh, một thành viên trong đoàn đưa tặng tôi tờ Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu và nói “Cứ theo địa chỉ này gởi đường giao liên là tới tạp chí”. Tôi mừng như vớ được vàng, bởi tính từ ngày rời miền Bắc, cho tới hôm đó là bước sang năm thứ 6 tôi mới được tiếp cận một tờ báo Cách mạng. 

Đêm hôm đó, dưới hầm làm việc, tôi ngốn hết cuốn tạp chí rồi tự nhắn nhủ mình. Phải viết! Không viết là vô trách nhiệm với đời! So sánh những bài viết trên tạp chí với những sự việc tôi được biết sau gần nửa năm ở quê dừa thì nhiều chuyện không thua kém gì. Tỉ như tinh thần chiến đấu giữ đất, giữ làng mà du kích An Phước trở thành khắc tinh của kẻ địch. 

Không có trận càn nào vào An Phước mà chúng không bị đổ máu; Đồn bốt địch lấn chiếm vùng giải phóng đều bị du kích bao vây bức hàng, bức rút; Gia đình bà Mười Tầm ở ấp I, xã An Phước có 4 người con trai, cả Ban chỉ huy xã đội là con trai bà. Đau xót thay, chỉ trong 3 năm 1970-1972 cả 4 người con trai của bà đều anh dũng hy sinh tại quê dừa An Phước; rồi tới phong trào đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài; phong trào chống quân dịch, chống đôn quân bắt lính, chống dồn dân vào ấp chiến lược... có biết bao thứ cần phản ánh trên báo, thế là những đêm rảnh lại bắt tay vào viết - trong một tháng mà viết cả chục bài. Kỳ này viết là gửi đi ngay bởi đã có địa chỉ tạp chí rõ ràng.

Thật không ngờ, tất cả bài gửi đi chỉ chừng một tháng là có hồi âm bằng báo biếu (thời đó không có nhuận bút) gửi về An Phước nhờ chuyển tới tác giả. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cuối năm 1971 tôi nhận được tin truyện ngắn “Cu Tèo và cái dàn thun” viết ở Tăng Lèo từ đầu năm trước đã được Văn nghệ Quân Giải phóng in số tháng 5/1971. Cùng thời điểm đó, Văn nghệ khu 8 in bài thơ “Mùa dâu chín” của tôi, bài này đã được Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu Bến Tre in năm 1970 (bài thơ này được soạn giả Hồng Quân chuyển thể thành bài ca vọng cổ với tên gọi “Chuyện mùa dâu chín”). 

Hứng khởi, tôi tranh thủ viết ngay truyện ngắn “Vùng tử địa” nói về tinh thần bất khuất kiên trung của một nữ Bí thư Chi bộ ở xã Châu Bình - Giồng Trôm, bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man, buộc chị phải đưa tới căn cứ bí mật của chi bộ ở cánh rừng bên kia sông Châu. Thay vì rẽ phải để vào căn cứ, chị đã dẫn chúng rẽ bên trái vào “vùng tử địa” bởi đó là bãi mìn của du kích xã, đã làm chết và bị thương hàng chục tên địch. 

Bài viết được gửi theo đường giao thông của đơn vị về Đoàn J22, nhờ chuyển tới Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Lại thêm một tin không ngờ đến với tôi vào cuối năm 1972 (sau một năm) “Vùng tử địa” đã in số tháng 8 và được Tạp chí trao giải thưởng...

3. Kết thúc chiến tranh, từ Cục II (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc Phòng) tôi nhận quyết định về công tác tại Cục An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Sau khi ổn định công tác, tôi mới dám đi sâu tìm hiểu và được biết Bộ có 1 tờ tuần báo và 1 tờ tạp chí nhưng cả 2 thời đó chỉ phát hành nội bộ. Tôi nhủ thầm “Thế là tốt rồi, vẫn “có đất” để mình “gieo mầm viết lách”. Thế rồi rảnh thời gian là viết và “dám” đến thẳng “tổng hành dinh” của báo ở số 3 ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên, Hà Nội để gửi bài. Hình như chỉ một tuần sau là bài viết được in. 

Khi bài thứ 3 của tôi xuất hiện trên Báo Công an nhân dân thì Phó Tổng Biên tập Văn Đình Đức đã gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, động viên “Cậu viết được đó! Tư liệu chiến trường rất tốt. Cần phát huy nghen!”. Thời gian sau tôi trở thành cộng tác viên của báo. Bài viết được in đều đều, lại được tiền nhuận bút nữa thật oách! Chả bù cho thuở nào nơi chiến trường xa ngái.

Kỷ niệm truyền thống 74 năm xây dựng và phát triển của Báo Công an nhân dân, tôi có đôi lời cảm tạ quý báo bởi mấy thập niên qua đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ để cây viết Khổng Minh Dụ ngày một trưởng thành góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa.

Khổng Minh Dụ
.
.
.