Vẻ vang 75 năm lịch sử qua hình ảnh, tài liệu, hiện vật về lực lượng CAND

Thứ Tư, 19/08/2020, 06:06
Tại Bảo tàng CAND hiện lưu giữ khoảng 20.000 hiện vật với gần 30 bộ sưu tập hiện vật, trong đó có 10 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm phản ánh lịch sử truyền thống vẻ vang trong chiến đấu, xây dựng và phát triển của lực lượng CAND Việt Nam.


Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật lịch sử về Công an đã góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an và luôn mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt đối với du khách tham quan.

“Tư cách người Công an cách  mạng” trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII

Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II tổ chức vào tháng 2 năm 1948, tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công” (sau gọi tắt là “Rèn cán, lập công”). Phong trào “Rèn cán, lập công” được phát động trong toàn lực lượng CAND nhằm động viên, khích lệ cán bộ chiến sĩ Công an rèn luyện, phấn đấu lập nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu.

Để hưởng ứng phong trào thi đua “Rèn cán, lập công”, ngày 21/2/1948, Nha Công an xuất bản tờ Nội san “Rèn luyện”. Các sở, ty Công an cũng xuất bản báo nội bộ để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ. Công an khu XII do đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc xuất bản tờ báo “Bạn dân”. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 1948, đồng chí Hoàng Mai gửi thư và biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh một tờ báo “Bạn dân”.

Sau khi nhận được báo, ngày 11/3/1948, Bác có thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Trong thư Bác dạy cách làm báo, đặc biệt Bác có nêu “Tư cách người Công an cách mệnh”:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Qua hơn 70 năm, “Tư cách người Công an cách mệnh” đã trở thành phương hướng, tư tưởng chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an và từ đó hình thành nên một phong trào thi đua rộng lớn, liên tục, trọng tâm xuyên suốt trong toàn lực lượng, trên mọi lĩnh vực công tác, địa bàn; trở thành di sản tinh thần vô cùng quý báu của lực lượng CAND; là mục tiêu rèn luyện, phấn đấu, công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.

Áo bông - Chủ tịch Hồ Chí Minh làm giải thưởng tặng Công an xung phong Thừa Thiên năm 1949

Nhân kỷ niệm 59 năm ngày sinh Bác Hồ (1890 - 1949), Hội Liên hiệp Phụ nữ khu III tặng Bác chiếc áo bông, bên trong có mảnh vải thêu chữ: “Kính tặng Hồ Chủ tịch. Hội Liên hiệp Phụ nữ khu III”.

Bác Hồ đã dành chiếc áo làm phần thưởng cho đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập, công tác, chiến đấu.

Đáp lại sự quan tâm của Bác, từ ngày 19/2/1949 đến ngày 19/5/1949, lực lượng Công an trong toàn quốc đã phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật lần thứ 59 của Người.

Sau 3 tháng thi đua, Công an xung phong Thừa Thiên đã đạt nhiều thành tích xuất sắc. Tại lễ tổng kết phong trào thi đua vào dịp sinh nhật lần thứ 59 của Người (19/5/1949), Ty Công an Thừa Thiên đã vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc áo bông. Phần thưởng cao quý này thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho lực lượng CAND.

Bộ kỷ vật tóc Bác Hồ

Bộ kỷ vật tóc Bác Hồ do đồng chí Nguyễn Công Ích - chiến sĩ cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được vinh dự giao nhiệm vụ cắt tóc cho Bác trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1967, đồng chí đã lưu giữ tóc và sau này trao lại cho Bảo tàng CAND lưu giữ và bảo quản.

Đồng chí Nguyễn Công Ích sinh năm 1927, tại Đan Phượng (Hà Nội). Năm 1945, đồng chí tham gia cách mạng. Năm 1948, đồng chí được cử lên chiến khu Việt Bắc công tác ở văn phòng của Bộ Quốc phòng. Sau ngày giải phóng Thủ đô, đồng chí làm việc tại Phòng Quản trị, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đến khi nghỉ hưu.

Là người khéo tay, cẩn thận nên những lúc rảnh rỗi, đồng đội trong đơn vị thường nhờ đồng chí Nguyễn Công Ích cắt tóc. Cũng nhờ khéo tay nên đồng chí được giới thiệu chuyển đến phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở căn nhà số 33 Trần Phú. Năm 1965, đồng chí Nguyễn Công Ích được giao làm công việc cắt tóc cho Bác.

Đều đặn một hoặc hơn một tháng, đồng chí Nguyễn Công Ích lại nhận được lệnh từ các đồng chí thư ký của Bác gọi vào để cắt tóc cho Bác Hồ.

Xuất phát từ tình yêu dành cho Bác Hồ và ý thức rõ trách nhiệm của người chiến sĩ đối với lãnh tụ nên mỗi lần phục vụ Bác, đồng chí Nguyễn Công Ích đều rất cẩn thận. Trước khi cắt tóc, cạo râu cho Bác, những dụng cụ đều được đồng chí vệ sinh, diệt khuẩn.

Ngay từ lúc mới được cử vào cắt tóc cho Bác, đồng chí Nguyễn Công Ích đã nảy sinh ý nghĩ sẽ góp nhặt những sợi tóc của Người để giữ lại làm kỷ niệm.

Cứ như vậy, mỗi lần cắt tóc cho Bác, đồng chí Nguyễn Công Ích lại âm thầm góp nhặt và giữ gìn những lọn tóc một cách cẩn trọng như thứ tài sản vô giá của riêng mình. Trong vòng 2 năm, từ 1965 đến 1967 đồng chí Nguyễn Công Ích đã góp nhặt được hơn 30 lọn tóc của Bác.

Huy hiệu Bác Hồ tặng đồng chí Lê Quốc Thân - Giám đốc Sở Công an TP Hà Nội

Ngày 2/9/1955, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm mừng Quốc khánh 2 - 9 và 10 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1955). Đây cũng là lần đầu tiên lễ kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức quy mô và trọng thể tại Thủ đô.

Với trọng trách là Giám đốc Sở Công an TP Hà Nội và là thành viên trong Ban tổ chức, đồng chí Lê Quốc Thân đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tổ chức, đảm bảo an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tham gia lễ mít tinh. Với thành tích đó, đồng chí Lê Quốc Thân đã được tặng thưởng Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “Giải thưởng của Bác Hồ tặng cho những cán bộ, chiến sỹ, công nhân, nhân viên có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức ngày lễ 2/9/1955”. 

Huy hiệu Công an bằng vàng, Nha Công an Trung ương tặng thưởng đồng chí Bửu Đóa - Đội trưởng Công an xung phong (Ty Công an Khánh Hòa)

Đồng chí Bửu Đóa sinh năm 1916 tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Năm 1936, đồng chí làm công nhân tại Nhà máy đèn Chụt (nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang). Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Nha Trang.

Sau khi tái chiếm Nam bộ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Ty Công an Khánh Hòa quyết định thành lập Ban ám sát, sau đổi thành Đội Công an xung phong với nhiệm vụ nắm tình hình, tiêu diệt ác ôn, mật thám, Việt gian, bảo vệ quần chúng, cơ sở cách mạng. Đồng chí Bửu Đóa được giao làm Đội trưởng Đội Công an xung phong. Chỉ trong 3 năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Năm 1948, trong một trận đánh, đồng chí Bửu Đóa đã anh dũng hy sinh. Ngày 21/7/1949, trong cuốn Nội san Rèn luyện (nay là Báo CAND) của Nha Công an Trung ương đã đăng những chiến công của đồng chí và nêu gương trong toàn lực lượng CAND trong Bảng vàng Công an số 17 – 18. Với những chiến công và sự hy sinh anh dũng, đồng chí Bửu Đóa đã được Nha Công an Trung ương tặng thưởng Huy hiệu Công an bằng vàng. Ngày 3/8/1995, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Bửu Đóa danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bản ghi lời “Hứa hẹn cùng nhau” của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Viêm

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tất cả vì miền Nam ruột thịt, cùng với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Ty Công an Thái Bình, năm 1964, đồng chí Phan Văn Viêm đã viết  đơn tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam.

Ngày 24/4/1965, trước khi lên đường một ngày, đồng chí Phan Văn Viêm tình cờ gặp người em trai Phan Nguyên (Phan Văn Na), là học viên trường Quân y tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Hai anh em đã cùng nhau viết lời hẹn ước với đầy nhiệt huyết cách mạng.

"Anh và em khi ra đi kiên quyết giữ vững lời thề:

 Trung với Đảng hiếu với dân

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Khó khăn nào cũng vượt qua

Kẻ thù nào cũng đánh thắng

Trong lúc làm nhiệm vụ chẳng may rơi vào tay quân thù, thà hy sinh xương máu cũng kiên quyết một lòng không bao giờ phản bội xưng khai".

Mang trong tim lời thề thiêng liêng sẽ chiến đấu vì quê hương đất nước, vì sự thống nhất hai miền Nam - Bắc, đồng chí Phan Văn Viêm hăng hái lên đường.

Vượt Trường Sơn với bao khó khăn, gian khổ vào đến Ban An ninh khu V, đồng chí Phan Văn Viêm được phân công công tác tại Ban An ninh thị xã Kon Tum.

Với bản lĩnh cách mạng, tinh thần mưu trí, dũng cảm, đồng chí Phan Văn Viêm cùng đồng đội đã làm nên nhiều chiến công khiến quân thù khiếp sợ.

Ngày 29/10/1971, sau khi gặp gỡ với cơ sở để nắm tình hình địch và đã rút xuống hầm bí mật trú ẩn, đồng chí Phan Văn Viêm, Trưởng Ban An ninh và đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Phó Ban An ninh bị địch phát hiện. Chúng huy động một lực lượng lớn cảnh sát dã chiến, trực thăng quần thảo, kêu gọi các đồng chí đầu hàng. Biết khó có thể ẩn náu, hai đồng chí đã tiêu hủy toàn bộ tài liệu, mỗi người một khẩu súng bung nắp hầm, hướng về phía quân địch nhả đạn. Do chênh lệch lực lượng, quân địch quá đông cùng vũ khí hiện đại, cả hai đồng chí chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đều anh dũng hi sinh. Quá tức tối trước sự hi sinh quả cảm của hai chiến sĩ an ninh, địch đã dùng dây điện trói tay hai đồng chí vào sau xe, kéo lê thi thể khắp ấp để uy hiếp tinh thần của quần chúng nhân dân, đồng thời khủng bố tinh thần các chiến sĩ cách mạng. Đến đêm, chúng mang thi thể hai đồng chí chôn ở một địa điểm bí mật.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và sự hi sinh anh dũng ấy, ngày 9/11/2004, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ CAND Phan Văn Viêm.

Tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND vượt qua khó khăn, thử thách trên trận tuyến bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, viết tiếp trang sử truyền thống CAND Việt Nam "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Tập bản đồ thế giới thu tại phòng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 30/4/1975

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Võ Viết Thanh (tên thường gọi là Bảy Thanh), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Phản gián (Bộ Công an)… Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sinh năm 1943, tại Bến Tre. Năm 1959, khi mới 16 tuổi đồng chí Võ Viết Thanh đã là một chiến sĩ biệt động, chiến đấu ở nhiều địa bàn khác nhau.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Viết Thanh trên cương vị là Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như Dinh Độc lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, trường Huấn luyện Quang Trung, chốt giữ các cầu như: Cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, các ngã ba, ngã tư để chi phối trong các khu vực nội thị, tạo điều kiện mở cửa cho các quân đoàn chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn.

Sáng 30/4/1975, đồng chí Võ Viết Thanh chỉ huy một tiểu đội đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc lập. Tại Dinh Độc lập, khi lên phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đồng chí Võ Viết Thanh đã thu được tập bản đồ thế giới.

Tập bản đồ có kích thước 27,5cm x 40cm, bìa màu xanh, gồm 176 trang cả bìa. Trang bìa ngoài cùng có chữ “Grand Atlas Mondial” (Bản đồ thế giới), chữ in, khổ chữ lớn, màu vàng. Trang thứ 5, góc trên bên phải có bút tích của đồng chí Võ Viết Thanh nội dung “Thu tại phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu ở dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Người thu và chữ ký của đồng chí Võ Viết Thanh” bằng bút mực màu tím đen. Tập bản đồ được xuất bản năm 1964.

Cuốn “Hồi ký cho con” của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng

Đồng chí Nguyễn Thành Dũng sinh năm 1970, tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát nhân dân II, đồng chí nhận quyết định công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Trong công việc, đồng chí Nguyễn Thành Dũng luôn đối mặt với nhiều loại tội phạm, chiến đấu hàng ngày với các đối tượng hình sự, ma túy, nhiều đối tượng đã nhiễm HIV…Tháng 10 năm 1998, khu vực bãi đất trống (nay là trường Chu Văn An) quận 11, TP Hồ Chí Minh là một tụ điểm phức tạp về ma túy. Sau thời gian điều tra, Công an quận 11 quyết định phá án. Khi các trinh sát ập vào, nhóm tội phạm chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát, đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã khống chế một đối tượng là “mắt xích” quan trọng nhất kết nối toàn bộ đường dây cung cấp ma túy cho khu vực quận 11. Trong quá trình khống chế đối tượng, đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã bị hắn đâm sượt qua người; quá trình vật lộn, đồng chí và tên tội phạm cùng bị chảy máu xây xước… Với tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm, cuối cùng đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã khống chế được tên tội phạm nguy hiểm này.

Trong một số chuyên án triệt phá các tụ điểm ma túy khác, nhiều lần đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã bị bọn tội phạm dùng kim tiêm có dính máu đã nhiễm HIV đâm vào người. Đầu năm 2002, do bị sốt cao và kéo dài, nghi bị sốt rét, đồng chí Nguyễn Thành Dũng vào Bệnh viện 30-4 xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã bị nhiễm vi rút HIV. Điều đau buồn hơn, do không biết mình bị nhiễm HIV, đồng chí đã vô tình làm lây nhiễm sang người vợ. Những ngày tháng lâm bệnh, hai vợ chồng đồng chí nhường nhau từng viên thuốc.

Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người vợ và đồng chí Nguyễn Thành Dũng cũng hy sinh khi mà con trai duy nhất của họ - cháu Nguyễn Duy Minh, vừa mới lên 10 tuổi.

Trong những ngày cuối cùng vật lộn với nỗi đau, khi sức khỏe ngày một yếu dần, cảm nhận về một điều hệ trọng sắp đến với bản thân và gia đình, đồng chí Nguyễn Thành Dũng đã dành thời gian để viết Hồi ký để lại cho con trai mình. Con anh còn quá nhỏ, những lời dặn dò của anh bây giờ, anh sợ bé sẽ mau quên. Anh muốn ghi lại một phần đời ngắn ngủi của mình, sau này, một ngày nào đó, con anh đọc, sẽ tự hiểu về người cha, người mẹ của mình. Niềm an ủi duy nhất, hạnh phúc duy nhất của hai vợ chồng anh là bé Nguyễn Duy Minh xét nghiệm âm tính.

Ai đã từng một lần đọc cuốn hồi ký của anh đều không thể cầm được nước mắt trước những điều tâm huyết tận đáy lòng của một chiến sĩ CAND đã hết mình cống hiến cho Tổ quốc và kiên trì chống chọi với bệnh tật, làm sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND, đồng chí đã viết: “Tôi đã học được những cái hay, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND và mong mỏi sẽ phấn đấu để phục vụ suốt đời cho lực lượng, cho nhân dân”. Và ở đó, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha yêu thương con hết mực, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy với công việc. Ngày 13/6/2006 Thượng úy Nguyễn Thành Dũng ra đi mãi mãi… để lại cuốn hồi ký còn dang dở.

Sự hy sinh cao cả và thầm lặng giữa thời bình như liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng - người chiến sĩ CAND trên trận tuyến phòng chống tội phạm ma túy mãi được nhân dân khắc ghi.

Nguyễn Hùng Sơn
.
.
.