Văn hóa vé mời!

Chủ Nhật, 08/10/2006, 07:56

Vé mời đã trở thành một... quốc nạn về văn hóa, tôi nói thế chả hiểu có quá không. Và trở thành một "bộ phận không nhỏ" dư luận... sa lông.

Ngày xưa, có một từ tên là "Chính khách sa lông" chỉ một lớp người quần áo đẹp đẽ, tay nâng ly rượu, ngồi trong những bộ sa lông êm ấm tại phòng khách tiện nghi bàn về những chuyện lay trời chuyển đất nhưng các ý định đó không bao giờ ra khỏi... cửa phòng.

Tôi không sống ở ngày xưa (tiếc thay và cũng may thay!) nên không bao giờ nhìn thấy những chính khách như thế. Nhưng thời kỳ của tôi có một tầng lớp khéo đông hơn, dễ gặp hơn và dễ... phấn đấu hơn, đấy là tầng lớp nhà nghệ thuật... vé mời.

Nói tới nghệ thuật là nói tới trình diễn. Từ phim, kịch tới hòa nhạc đều vậy. Trình diễn, trừ những trường hợp ngoại lệ, đều phải bán vé. Một phần vì nghệ sĩ cần tiền, một phần khác vì thông qua lượng vé bán ra, nghệ sĩ đo được đôi chút đánh giá của xã hội về bản thân.

Minh họa của Lê Phương.

Tôi chả dám dại dột tuyên bố không có vé thì không có nghệ thuật. Tôi chỉ lờ mờ đoán rằng vé là cực kỳ quan trọng, đến mức đôi khi chỉ cần nhìn giá vé, số lượng vé và số lượng dân... phe vé là hiểu được tầm cỡ của nghệ sĩ (hoặc của cầu thủ nếu là vé World Cup).

Vé thì phải mua bằng tiền. Đồng tiền như các bạn đều biết, mồ hôi nước mắt lắm. Ngay cả khi bạn là giám đốc một PMU, bạn chắc cũng quý tiền, đằng này phần lớn bạn là người thường, kiếm được tiền đã khó khăn rồi, còn phải dùng tiền đó mua gạo cho nhà, mua sách vở cho con, mua đồ dùng cho vợ hoặc mua quà cáp cho... bồ(!). Phải trích ra từ khoản eo hẹp đó một số tiền mua vé, bạn sẽ cân nhắc rất kỹ trước đó và vui vẻ nếu chương trình hay, tiếc đứt ruột hoặc quát ầm lên nếu chương trình dở, vì "đồng tiền nó liền khúc ruột", khúc ruột nó... một ruộc với cái đầu.

Nhưng phần lớn chúng ta không đủ sức, không đủ thời gian và không đủ... tiền để xem tất cả các thứ nghệ thuật trên đời. Chúng ta đành tìm hiểu nó thông qua các nhà chuyên môn. Họ đi xem rồi họ... viết báo cho ta đọc.

Điều ấy là tự nhiên lắm (nói theo kiểu Nam Cao!). Ta tin rằng các vị ấy đều thông minh hơn ta, ăn học hơn ta và xem nhiều hơn ta. Đúng tất. Chỉ có một thứ khác ta: các vị ấy hay xem bằng vé mời.

Vé mời là vé ngồi chỗ tốt, nhưng không bán bao giờ (tất nhiên là cũng có vị bán nhưng không bắt quả tang nên chớ có nói). Xem bằng vé mời có nhiều cái tiện, và cái tiện cơ bản là không hao tiền.

Ai chả biết tiền bạc không làm nên hạnh phúc. Nhưng tiền bạc chắc chắn làm nên một số cảm giác mà không có tiền hoặc không mua vé thì không có được!

Khi xem phim hay xem kịch bằng vé mua, ngồi lẫn với người mua, tôi tin nhà văn hóa sẽ có những cảm xúc rất thật. Bởi đấy là một vị trí quan sát bình đẳng, một "cái nhìn" xuất phát từ quần chúng theo nghĩa đen, nghĩa đỏ và nghĩa xanh biếc của từ này.

Nhưng nhiều nhà phê bình của ta không thế. Không mời thì họ không đi. Một phần vì họ đã quen rồi, xưa nay vẫn mời, bây giờ hãy mời tiếp tục. Một phần khác vì họ cảm thấy đi vé mời mới oai. Và phần cuối cùng, chả biết nhỏ hay to, là họ tiếc tiền.

Tiền không nhỏ đâu nhé. Có những chương trình ca nhạc một cặp vé giá chính thức tới cả triệu đồng (chả ai dám mời một chiếc). Nếu phải trả một triệu đó bằng tiền túi, thái độ và nhận thức sẽ khác ngay, thậm chí, khác hoàn toàn.

Vé mời đã trở thành một... quốc nạn về văn hóa, tôi nói thế chả hiểu có quá không. Và trở thành một "bộ phận không nhỏ" dư luận... sa lông.

Bởi có rất nhiều chương trình, toàn dân mời là chính. Dân được mời, hoặc là quen, nếu không quen thì cũng nên vui vẻ vì lịch sự, và vì hy vọng lần sau "chúng" còn mời.

Xem bằng vé mời, ngồi lẫn trong đám khách mời, rồi về viết thì bài viết đó là con đẻ của "không khí mời". Chẳng thể nào khác được. Tôi chả bảo là không khí ấy xấu (có dại mới nói thế). Tôi chỉ dám nói là không khí ấy chẳng phải của... nhân dân.

Đấy là chưa kể, ngồi bằng vé mua thì không sao, chứ ngồi bằng vé mời cũng có nghĩa là ngồi trên... khán đài. Ngay từ khi bước vào nơi danh giá đó, nhà văn hóa đã bắt tay, đã nhìn người khác và để người khác nhìn mình. Tóm lại, ngồi chỗ mời cũng giống như tham gia trình diễn, không chỉ dành hết tâm trí cho sân khấu mà còn cho cả... xung quanh.

Cái nạn vé mời đã trầm trọng đến mức ai không mời khéo thành... tự sát. Có dư luận thì thầm là đôi lúc vé còn kiêm cả... tiền xe và tiền ăn sau khi xem!

Thôi, tôi không dám bảo cảm nhận nghệ thuật lúc được mời là sai. Tôi chỉ dám nói là so với cảm giác lúc tự mình bỏ tiền, nó có thể rất... xung đột với nhau!

Lê Hoàng
.
.
.