Trò chuyện phỏng vấn Đệ nhất kéo

Thứ Ba, 02/08/2005, 07:20
Đầu càng hói thì càng... có uy tín trong giới ban giám khảo. Các vị này có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là suy xét thật công tâm, rồi bỏ phiếu kín để chọn lấy một “siêu cao thủ”, đó chính là... “Đệ nhất kéo”!

Phóng viên (PV): Xin chào người thợ cắt tóc giỏi nhất thành phố! Nghe nói anh vừa đạt danh hiệu “Đệ nhất kéo”? Có phải đó là phần thưởng cao quý trong nghề này?

Minh họa của Lê Tâm

Thợ cắt tóc (TCT): Đúng vậy! Cứ ba năm, chúng em tổ chức hội thi tay nghề một lần. Từ hàng ngàn tay kéo cao thủ trong thành phố, hội thi chọn lấy 10 người tài hoa vượt trội. Rồi trong mười người ấy phải biểu diễn thực hành xem ai cắt tóc cạo râu nhanh nhất, đẹp nhất; lại còn phải trả lời câu hỏi ứng xử trước ban giám khảo là năm vị đầu hói...

PV: Khoan đã, anh vừa nói gì? Tại sao lại phải chọn những người đầu hói vào ban giám khảo cuộc thi?

TCT: Đơn giản thôi, vì các vị ấy không có tóc, không phải cắt tóc định kỳ hằng tháng, nên rất khách quan khi cho điểm... Bởi thế, đầu càng hói bao nhiêu thì càng... có uy tín trong ban giám khảo bấy nhiêu. Các vị này có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là suy xét thật công tâm, rồi bỏ phiếu kín để chọn lấy một “siêu cao thủ”, đó chính là... “Đệ nhất kéo”!

PV: Như vậy, muốn giành được danh hiệu ấy, quả là không dễ dàng gì!

TCT: Vâng, rất khó, thường là “con nhà nòi”. Ví như em đây, có ông nội và cha đều là những “Đệ nhất kéo”.

PV: Ô, đúng là nghề nào cũng có gia truyền thật! Vậy khi đã đạt được danh hiệu cao quý này rồi, thì quyền lợi của “Đệ nhất kéo” được hưởng là gì?

TCT: Nhiều đặc quyền đặc lợi lắm. Nhưng cái chính là danh dự thôi. Ví dụ: ông nội em đã từng cắt tóc, sửa râu cho... vua hề Sáclô. Cha em thì cắt tóc, cạo mặt cho nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới, khi họ qua thăm Việt Nam... Còn em thường cắt tóc, cạo râu cho các khách VIP, những văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng nhất nước ta...

PV: Xin anh cho một vài ví dụ cụ thể?

TCT: Thiếu gì, ngày nào chẳng có những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng vào tiệm của em. Thậm chí, có một tỉ phú còn mua vé máy bay từ Thái Lan sang đây mỗi tuần một lần, chỉ để chăm chút mỗi... bộ ria mép.

PV: Sao lại chỉ chăm chút bộ ria mép?

TCT: Nhờ hành nghề lâu năm, em đã phát hiện ra một bí mật chết người: Với một số văn nghệ sĩ, trí thức đã thành danh thì tóc tai không quan trọng bằng ria mép. Nhà văn Chu Lai, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là những ví dụ sống động như thế. Em dám “cá” với bác rằng: chính nhờ có ria mép mà họ đã thành công vang dội như hiện nay!

PV: Căn cứ vào đâu mà anh nói vậy?

TCT: Đã có lần em sơ ý cạo nhẵn ria mép của một nghệ sĩ nổi tiếng. Ông ấy cứ nằng nặc đòi em phải bồi thường thiệt hại... 30 triệu đồng!

PV: Rồi sao nữa?

TCT: Ông ấy thú nhận rằng “Ngày trước tớ cũng lận đận lắm; nhưng từ khi để ria mép, bỗng cả công danh và sự nghiệp cùng phất lên như diều gặp gió, tiền của cứ vào nhà như nước. Không tin, cậu cứ thử để ria mà xem, có thể sau một đêm ngủ dậy cậu đã thành ông chủ.”... Cũng may là nhờ trời cho chút tài ăn nói, nên em đã thương lượng được với ông ấy, chỉ phải bồi thường... 15 triệu đồng. Đó là số tiền ông ấy ngồi ở nhà ba tháng, để nuôi cho bộ ria mép mọc như cũ.

PV:  Phức tạp quá nhỉ!

TCT: Vâng, nghề cắt tóc cũng giống như thợ mộc: đã trót cưa, cắt đi rồi thì không thể đắp nối vào như thợ nề được nữa. Thế nên “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra như cơm bữa. Nhẹ thì xin lỗi khách, nặng thì... chẳng biết thế nào cho vừa lòng người ta.

PV: Đã bao giờ anh muốn bỏ nghề này?

TCT: Muốn bỏ nghề thì chưa, (vì nghề này kể cũng oai, mình có quyền “vặn đầu bẻ cổ” bất cứ ai!) nhưng chán nản thì có. Đấy là lần em mải nói chuyện, cắt sai kiểu tóc mốt nhất cho một khách sộp. Ông ta nổi giận đùng đùng, kiện em ra tòa để đòi bồi thường danh dự!

PV: Tòa án phân xử thế nào?

TCT: Tòa tuyên bố em vô tội. Vì sau đó người ta đã phát hiện ra vị khách sộp kia mang... tóc giả!

PV: Câu hỏi cuối cùng: Anh có ý kiến gì về các tiệm “Cắt tóc, gội đầu thư giãn” đang mọc lên nhan nhản hiện nay và nhiều người rất thích vào đó?

TCT: Đó là nơi hành nghề không phải của đồng nghiệp chúng em. Còn tại sao nhiều “thượng đế” thích vào đấy, thì nhà báo phải đi thực tế, trực tiếp phỏng vấn họ sẽ rõ

.
.
.