Tôi muốn trở thành... nhà văn

Thứ Tư, 11/10/2006, 07:37
Khi tôi đặt bản thảo về truyện ngắn thứ năm lên bàn biên tập, thiên tài của tôi đang ngủ gật. Rõ ràng anh ta già đi trông thấy trong thời gian tôi trưởng thành về mặt sáng tạo.

Truyện ngắn đầu tiên của mình tôi viết năm học lớp bảy dành tặng cô bạn gái cùng lớp Lenochka, người đã làm tôi bao phen không kịp học bài. Tác phẩm này hay đến mức tôi quyết định dứt khoát trở thành nhà văn.

Khi tôi mang truyện ngắn tới một tòa soạn báo, anh chàng biên tập viên trẻ và nhiệt tình đưa mắt liếc qua, và khi trả lại bản thảo, anh ta nhẹ nhàng nói: “Cậu bé ơi, để trở thành nhà văn cần phải học thật giỏi và ít nghĩ hơn tới các cô gái”.

Bởi quyết định hiến mình cho văn học, tôi hoàn toàn tin tưởng con người giàu kinh nghiệm này. Tạm gác ý nghĩ về cô bạn gái sang một bên, tôi tập trung toàn lực cho việc học hành.

Truyện ngắn thứ hai tôi viết ngay sau buổi liên hoan cuối cấp, nơi tôi được nhận huy chương vàng. Trong cái tiểu phẩm độc đáo và tinh tế này, tôi kể về việc mình đã học được cách chế ngự tình cảm như thế nào trong lúc viết văn.

Minh họa của Lê Tâm.

Lần này nhà biên tập không được mặn mà lắm, nhưng vẫn vui vẻ đón tiếp tôi. “Anh bạn trẻ - anh ta nói khi trả lại bản thảo - với khả năng học tập của anh, tôi chân thành khuyên anh tiếp tục học tập và tạm gác công việc viết văn. Để mở rộng tầm hiểu biết của mình, anh hãy chọn một lĩnh vực khoa học mới lạ nào đó, ví dụ điều khiển học. Tiện thể xin nói, tôi khuyên anh làm lành với Lenochka. Là một nhà văn, quan hệ thân mật với một cô gái, rõ ràng sẽ làm cho cuộc sống trở nên thú vị hơn”.

Truyện ngắn thứ ba tôi viết ngay sau khi gắn lên ngực chiếc huy hiệu tốt nghiệp trường đại học tổng hợp. Bằng ngòi bút đã cứng cáp, với nhiều thủ pháp nghệ thuật, tôi đã kể lại mối tình đầu của mình với Lena và cuộc chiến giành tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu.

Sau nhiều năm không gặp lại, giờ đây nhà biên tập trông có vẻ mệt mỏi. Tuy nhiên, anh ta vẫn chăm chú đọc truyện ngắn của tôi và khi trả lại bản thảo, con người cao thượng này lại dành cho tôi nhiều lời dạy bảo quý báu. “Đồng chí kỹ sư điều khiển học thân mến, tôi đề nghị anh tiếp tục cố gắng. Với tấm bằng đại học như vậy, anh dễ dàng được nhận làm nghiên cứu sinh, mà điều đó, rõ ràng sẽ mang lại cho anh nhiều lợi ích cả trong hoạt động văn học của mình. Và đừng làm khổ Lenochka nữa, hãy cưới nàng làm vợ. Một cuộc sống gia đình nghiêm túc sẽ có ích cho lao động văn học”.

Phải thừa nhận rằng công việc nghiên cứu khoa học đã làm tôi ngán đến tận cổ, nhưng một khi đã vì nghệ thuật thì có gì đáng ngần ngại! Hơn nữa, tôi đã quen thực hiện triệt để những lời khuyên của người thầy văn học của mình, vì vậy ngay ngày hôm ấy tôi viết luôn hai lá đơn, một xin kết hôn và một xin làm nghiên cứu sinh.

Truyện ngắn thứ tư tôi mang tới tòa báo vào buổi sáng sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Đến thời điểm này tay nghề của tôi đã khá cao và tác phẩm trở nên thật hoàn hảo. Trong đó, tôi kể lại một cách hết sức xúc động những cuộc cãi cọ trong gia đình với Lena, khiến tôi hơi bị sao lãng trước những suy tư về số phận của nền văn học nước nhà.

Khi bước vào phòng, tôi nhìn thấy nhà biên tập có vẻ chán chường, mệt mỏi. Không còn lại chút dấu vết nào từ cái phong thái yêu đời trước đây của anh ta. Nhét vào cặp tập bản thảo truyện ngắn mà anh ta vừa trả lại, tôi chăm chú lắng nghe những lời giáo huấn mới. “Thưa phó giáo sư - anh ta nói với tôi một cách lịch thiệp - đừng dừng lại nửa đường, hãy tiếp tục làm luận án tiến sĩ. Chưa bao giờ văn học cần đến những nhà khoa học đích thực như lúc này. Còn với vợ cần thận trọng hơn”.

Như thường lệ, tôi coi những lời khuyên của con người sáng suốt này là kim chỉ nam hành động. Phát huy hết lòng can đảm của mình, tôi lại lao vào cuộc vật lộn mới với những phương trình loga đáng ghét.

Tiếc thay, truyện ngắn thứ năm tôi không kịp viết sau khi được phong học vị tiến sĩ, mà chỉ kịp hoàn thành nó sau khi được bầu làm viện sĩ thông tấn. Tuy nhiên tác phẩm này thật hoàn hảo. Với sự chân thành của một tài năng lớn, tôi kể cho bạn đọc về những nỗi khổ mà người vợ yêu quý Lena Pavlovna đã đày đọa tôi.

Khi tôi đặt bản thảo lên bàn biên tập, thiên tài của tôi đang ngủ gật. Rõ ràng anh ta già đi trông thấy trong thời gian tôi trưởng thành về mặt sáng tạo. Trả lại bản thảo truyện ngắn, anh chậm rãi nói: “Giáo sư kính mến, tôi chúc anh trở thành viện sĩ thông tấn. Là một viện sĩ, anh dễ được kết nạp vào Hội Nhà văn hơn. Nhân tiện xin hỏi, anh cần một người vợ bướng bỉnh như vậy làm gì?”- Anh ta nói lúc chúng tôi chia tay.

Truyện ngắn cuối cùng tôi viết xong khi được phong danh hiệu viện sĩ, kể lại quá trình làm thủ tục li dị vợ, lẽ tất nhiên, trong thời gian đó tôi không bụng dạ nào nghĩ tới công việc sáng tác.

Khi đẩy cửa bước vào căn phòng biên tập quen thuộc như lòng bàn tay của mình, tôi bắt gặp một điều ngạc nhiên đáng buồn. Ngồi trên ghế nhà biên tập của tôi là một chàng trai trẻ và hăng hái, anh ta không có ý định nói chuyện với tôi.  Vứt vội tập bản thảo vào một chiếc cặp dày, anh ta nói rằng sẽ gửi ý kiến phản hồi qua đường bưu điện. Và bây giờ tôi chỉ còn cách ngồi kiên nhẫn đợi chờ

Trần Kim Thanh (dịch)
.
.
.