Phỏng vấn thượng đế

Thứ Tư, 24/08/2005, 08:01

PV: Thưa ngài, có một câu hỏi ám ảnh nhiều người đã lâu: Sự thay đổi của Thượng đế dẫn tới sự thay đổi của trần gian hay ngược lại?
Thượng đế: Có những vấn đề mà sự trả lời tùy thuộc vào bản thân ở vị trí nào. Vấn đề này là một!

PV: Vậy thưa Đấng tối cao, đâu là đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay?

Thượng đế: Là sự chuyển dịch của Thượng đế từ người sản xuất sang người tiêu dùng.

Minh họa của Tá Từ

PV: Ý ngài sao?

Thượng đế: ý ta là cái quy trình: từ chỗ tôn trọng người bán sang chỗ tôn trọng người mua, là một bước tiến vĩ đại của thế giới.

PV: Mà ngài vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Thượng đế: Đúng thế. Ta là Thượng đế, ta là kẻ duy nhất không cần nghiên cứu sự phức tạp của cuộc cách mạng ấy nơi nào khác, mà chỉ cần tại chính... nơi ta.

PV: Đầu tiên, hãy nói tới sự khác nhau...

Thượng đế: Khi người bán đóng vai trò Thượng đế, họ luôn luôn giấu giếm chuyện này. Họ lúc nào cũng bảo mình đang "phục vụ". Họ cư xử như vua hoặc "bảo hoàng hơn vua" nhưng lại giả danh... nhân viên hành chính.

PV: Tại sao thế nhỉ?

Thượng đế: Tại vì trong thâm tâm, họ hiểu rằng làm Thượng đế như thế chưa xứng đáng. Không phải do tốt, mà chỉ do... thừa kế hoặc do khan hiếm mà thôi. Đấy là những Thượng đế thiếu tự tin, mặc dù rất chuyên quyền và phách lối.

PV: Đặc điểm nổi bật của những Thượng đế như thế?

Thượng đế: Là sinh ra những Thượng đế con. Ông sản xuất hống hách đã đành, ông bán hàng, ông gói hàng và ông giao hàng cũng hống hách nốt. Tóm lại, bất cứ ai có chút liên quan tới triều đình đều... hống hách dây chuyền.

PV: Kết luận?

Thượng đế: Khi Thượng đế trong vai (hay trong tay?) người bán, họ không bao giờ thừa nhận quyền lực trên lý thuyết, nhưng vô cùng tận dụng trong thực hành. Ví dụ điển hình là các ông viễn thông, xi măng hay điện lực...

PV: Cho nên khi làm Thượng đế ở giai đoạn như vậy...

Thượng đế: Ta sống bất ổn vô cùng, ta luôn luôn không thoải mái nhưng chẳng thể bảo là không... khoái vì nó cũng mang về nhiều lợi ích cho ta và cho... họ hàng ta.

PV: Nhưng tại sao "bên bán" có thể đóng vai của ngài lâu như vậy?

Thượng đế: Vì thứ nhất, họ bán không nhiều. Tự họ cũng chống lại nguyên tắc cơ bản của bán là hễ ai đủ tiền đều được mua. Thứ hai, điều này quan trọng hơn, họ tìm mọi cách chống lại sự tồn tại của những người bán khác.

PV: Có nghĩa là họ độc quyền.

Thượng đế: Đúng vậy.

PV: Vậy thưa ngài, sự chuyển dịch "ngai vàng" từ "mông" người bán sang "mông" người mua là một sự chuyển dịch khó khăn hay êm ả?

Thượng đế: Ta chỉ có thể bảo rằng đó là một sự chuyển dịch chậm chạp, nhưng mỗi lúc một nhanh. Nó cũng không phải phụ thuộc vào bản thân thiên hà cùng chúng ta, mà còn liên quan đến vũ trụ, hay nói cho nhỏ lại, đấy nằm trong chuyển dịch toàn cầu.

PV: Cá nhân ngài thì sao?

Thượng đế: Cá nhân ta khi quan sát sự chuyển dịch trong... cơ thể mình, ta phải thú nhận rằng nó cũng gây ra đau đớn.

PV: Các triệu chứng đau bắt nguồn từ cao xuống thấp hay từ thấp lên cao?

Thượng đế: Bắt nguồn từ khoảng giữa. Chính phần cơ thể "trung lưu" đòi thay đổi trước, vì họ có nhiều điều kiện hơn, nhưng lại có ít quyền lợi phải mất hơn để thấy được chuyện này. Nói khác đi, sự thay đổi cho thích ứng với thị trường ở đây, bắt đầu từ những doanh nghiệp nhỏ.

PV: Hay thực.

Thượng đế: Nhưng không giống với một vị vua lên ngôi sau lễ đăng quang, sự lên ngôi của người tiêu dùng rất im, rất từ từ và mỗi nơi một phách, kết quả, có hàng triệu Thượng đế đã nắm quyền mà không biết, đã và đang chờ được yết kiến ngay trên chính... cung điện của mình.

PV: Chết thật.

Thượng đế: Chưa bao giờ Thượng đế nhiều quyền như vậy nhưng lại sử dụng ít như vậy.

PV: Ngài thông cảm. Tất cả các sách giáo khoa của mình đều dạy làm người chứ có dạy làm Thượng đế đâu.

Thượng đế: Kể cả sách giáo khoa in lậu?

PV: Ừ. Người tiêu dùng không quen, không biết cư xử và cũng không ham làm Thượng đế vì họ có một lo lắng vu vơ là lúc nào cũng có thể bị truất ngôi.

Thượng đế: Chính xác. Vấn đề là phải làm cho họ, tức cho ta, tự tin vào sự vĩnh viễn của triều đại ta.

PV: Nói cụ thể, khi người tiêu dùng đóng vai Thượng đế, họ phải hành xử như đúng địa vị đó, nghĩa là có quyền ra chiếu chỉ, có quyền sửa chữa và quyền bãi miễn quần thần.

Thượng đế: Phải. Nhưng xã hội không phải là những mảnh tách rời, cũng như Đấng toàn năng, dù có quyền lực vô biên, cũng không thể chia thân mình làm hai khúc. Tự ta cũng còn không ưa một ông Thượng đế khác trong thân. Hậu quả là xảy ra nhiều việc lung tung: cùng một cá nhân, phần đầu lại ghét bỏ phần chân hay phần vai lại đưa phần cổ ra tòa.

PV: Khắp nơi, các Thượng đế tiêu dùng kiêu hãnh.

Thượng đế: Và khắp nơi, các Thượng đế ấy kêu gào.

PV: Đấy là một quy trình nhiều sự bi, hài, bất công nhưng không sao đảo ngược.

Thượng đế: Ừ. Không sao đảo ngược. Mặc dù phần lớn người mua hàng quen kiên nhẫn, quen chịu đựng và quen chịu thiệt, họ cũng đang dần dần ngồi chắc trên... ngai.

PV: Muốn thế họ cần nhanh chóng nắm vững thông tin và pháp luật?

Thượng đế: Không, không phải nắm vững. Họ còn phải biết làm ra!

.
.
.