Phỏng vấn ông già Noel

Thứ Hai, 15/01/2007, 09:26
Có lần tôi có con búp bê bị gãy làm đôi. Tôi tiếc quá, đem cho hai đứa bé. Một đứa bảo đấy là con cua. Một đứa nói đấy là con bọ ngựa. Không ai nhận ra đó là con người !...

PV: Thưa ông, trong cuộc đời phát quà của mình, có bao nhiêu kỷ niệm mà ông nhớ nhất?

Già Noel: Nhiều lắm. Và chẳng phải tất cả các kỷ niệm đều vui.

PV: Vâng. Xin ông kể cho bạn đọc nghe.

Già Noel: Có một đêm Giáng sinh, tôi mang đồ chơi đến nhà một cô bé xinh xắn. Tôi vừa chui vào ống khói thì giật mình lùi lại vì có một ông già Noel khác chui ra. Tôi buồn quá

PV: Buồn cho ai?

Già Noel: Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cho mình. Tôi cũng tốt, ông già Noel kia cũng tốt. Vậy tại sao ngay cả lòng tốt cũng thích độc quyền?

PV: Ừ nhỉ!

Già Noel: Từ đấy trở đi tôi mới hiểu rằng sự ích kỷ có thể bắt nguồn từ những mục đích rất chân chính.

PV: Vâng thưa ông. Xin ông kể kỷ niệm thứ hai

Già Noel: Lần thứ hai cũng trong một đêm Giáng sinh, tôi tới nhà một em bé thì sờ túi chẳng còn món đồ chơi nào, mà đứa bé thì chờ đợi cả năm.

PV: Gay nhỉ?

Già Noel: Gay vô cùng. Tôi bèn thò tay lên mũ, nắm một cục tuyết trắng và trao cho em bé. Nó vô cùng hạnh phúc.

PV: Tại sao thế?

Già Noel: Tại nó ở Phi châu. Nó chưa nhìn thấy tuyết bao giờ.

PV: Tuyệt!

Già Noel: Phải. Tuyệt! Có nhiều thứ đơn giản với người này, sẽ là hạnh phúc vô bờ với người khác.

PV: Tiếp theo...

Già Noel: Tiếp theo có lần tôi gặp một đám trẻ con nghèo. Tôi đọc cho chúng nghe một cuốn sách viết rất hay của một nhà văn lớn, miêu tả một căn nhà tuyệt diệu làm bằng mứt, tất cả từ tường đến cửa sổ và bậc tam cấp đều ngọt như đường.

PV: Hay thiệt!

Già Noel: Vậy mà khi tôi đọc xong, tất cả bọn trẻ đều chả cảm xúc gì. Tôi hỏi: Các cháu ơi, các cháu thấy truyện thế nào? Cả bọn đồng thanh: Chúng cháu không hiểu. Tôi kinh ngạc: Tại sao không hiểu?

PV: Ừ nhỉ. Tại sao không hiểu?

Già Noel: Bọn trẻ đáp: Căn nhà ngọt như đường, nhưng chúng cháu chưa gặp đường bao giờ, thành ra chả hiểu ngọt là cái gì.

PV: Trời ơi!

Già Noel: Vâng, trời ơi. Từ đấy trở đi, tôi mới biết có nhiều cảm giác không thể dùng chữ nghĩa mà miêu tả được. Phải cho con người được cảm nhận trực tiếp, trước khi….

PV: Ôi ông già Noel. Hóa ra cuộc đời ông cũng không hề đơn giản...

Già Noel: Nhưng cũng không hề phức tạp. Bằng chứng là câu chuyện cuối cùng này: có lần tôi tới một ngôi nhà, tôi cũng chẳng còn gì: Không đồ chơi, không ngựa xe, không truyện kể và tất nhiên không tiền bạc. (Nhân tiện nói thêm già Noel chẳng được phép trao tiền bạc bao giờ).

PV: Rồi sao?

Già Noel: Rồi tôi gặp em bé và nói: Cháu ơi, cháu ơi, cháu không có quà, nhưng cháu có ông đây.

PV: Cảm động quá.

Già Noel: Tôi cũng nghĩ là cảm động. Nhưng đứa bé quay đi và khóc: Ông ơi, ông rất tốt, nhưng ông không phải đồ chơi, cháu chỉ cần đồ chơi thôi.

PV: Nó… Nó… đúng!

Già Noel: Phải. Nó lại đúng. Trẻ con hóa ra đúng hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

PV: Kỷ niệm ấy khiến ông nghĩ gì?

Già Noel: Khiến tôi bỏ mọi ảo tưởng về mình...

PV: Ảo tưởng?

Già Noel: Phải, hàng trăm năm qua, các ông già Noel được hàng triệu trẻ con mong chờ. Họ được dựng tượng, được lên báo, lên tivi và lên phim, lên truyện…

PV: Rồi sao?

Già Noel: Rồi đến một lúc nào đó, họ tưởng họ là quan trọng, là cần thiết mà quên béng mất rằng cái cần nhất cho trẻ con là cái túi đồ họ vác trên lưng.

PV: Tôi không đồng ý với ông về suy nghĩ này.

Già Noel: Vì nhà báo không phải trẻ con. Trẻ con trong sáng và hồn nhiên. Chúng không sống bằng suy tưởng, trước mắt chúng cần nhận được những gì chúng mơ ước, rồi các thứ khác sẽ tới sau.

PV: Ý ông là?

Già Noel: Ý tôi là có một số già Noel phát quà mãi rồi cứ tưởng chỉ sự có mặt của mình cũng khiến trẻ em vui. Họ chẳng hiểu vui như thế đâu trọn vẹn.

PV: Chà! Ông già Noel, không ngờ ông cũng phức tạp quá!

Già Noel: Thấy rõ vị trí của mình mà coi là phức tạp ư?

PV: Thôi không nói chuyện ấy nữa. Già Noel này, ông giải thích tại sao lễ Giáng sinh có nguồn gốc từ châu Âu hiện nay càng ngày càng lan sang châu Á?

Già Noel: Giáng sinh, như mọi thứ khác hôm nay đều đang trong xu thế hội nhập toàn cầu. Cái gì mang lại hạnh phúc cho con người đều sẽ trở thành không biên giới.

PV: Tôi hiểu như thế nhưng vẫn muốn một cái gì riêng.

Già Noel: Tôi cũng vậy.

PV: Ngoài xu hướng toàn cầu ra, đêm Giáng Sinh còn phát triển theo kiểu nào?

Già Noel: Theo con đường chuyên nghiệp hoá. Bây giờ, cứ sát tới gần cái đêm mong đợi đó là hàng ngàn thanh niên học sinh đi đăng ký làm ông già Noel để kiếm thêm, coi như đấy là một nghề lao động. Ông già Noel đã được xã hội hoá rất cao.

PV: May mà chưa cơ khí hoá.

Già Noel: Tất cả cái gì "hoá" đều tốt nếu như lượng trẻ em hạnh phúc tăng lên. Đừng sợ bất cứ sự thay đổi nào.

PV: Ông nói đúng. Thế trong cuộc đời mình, đã bao giờ ông phát quà sai chưa?

Già Noel: Có lần tôi có con búp bê bị gãy làm đôi. Tôi tiếc quá, đem cho hai đứa bé. Một đứa bảo đấy là con cua. Một đứa nói đấy là con bọ ngựa. Không ai nhận ra đó là con người!

.
.
.