Người nào sẽ khóc?

Thứ Năm, 27/04/2006, 08:12

Hễ cứ trong phim, trong kịch Việt Nam, có hai anh một giàu một nghèo yêu cô gái đẹp thì bao giờ anh nghèo cũng thắng. Bao nhiêu năm trước đã thế, bây giờ vẫn thế và khéo sau này cũng thế. Trong khi ngoài đời, kết quả thường ngược lại. May cho các chàng giàu quá!

Cách đây mười mấy năm, cả Hà Nội chiều nào cũng nín thở theo dõi bộ phim truyền hình Mexico có tên "Người giàu cũng khóc".

Tôi hoàn toàn tin rằng đấy là một bộ phim hay, ít ra ở thời điểm đó. Hay vì sao? Vì cốt truyện, vì diễn viên, vì lời thoại và điều này khéo quan trọng nhất: Vì phim ấy miêu tả nỗi khổ của "bọn" giàu!

Minh họa của Tả Từ

Giàu có là ước mơ của muôn người, của muôn quốc gia. Điều ấy là chả còn nghi ngờ gì nữa. Cũng có những danh nhân vĩ đại không màng tới của cải vật chất nhưng họ làm thế do đã... quá giàu rồi, hoặc do họ là người phi thường trong khi 99% dân số trên hành tinh này sẽ là người bình thường và tôi cũng chỉ dám theo phe đấy.

Tôi không biết cái sướng của nghèo là như thế nào. Nếu căn cứ vào sách và phim, cái sướng ấy thường do thiên nhiên mang lại. Ví dụ như cô gái trong rừng thì tha hồ tắm suối, tha hồ chạy nhảy với hươu nai hoặc thản nhiên ngủ trên bãi cỏ không sợ cọp vồ. Còn cái sướng của người giàu thì tôi biết hiểu rất rõ: tha hồ đi mua sắm, tha hồ đi nước ngoài, trong nhà đầy xe hơi, đầy tivi màn hình mỏng dính và đầy thức ăn.

Là một kẻ không giàu cũng không nghèo, nhưng nếu được chọn lựa thì tôi dứt khoát chọn giàu. Vì sao thì tôi khỏi phải giải thích. Tôi tin rằng người nghèo có nhiều thứ cao quý, nhưng cũng tin chắc rằng người giàu chính đáng thì cũng mang nhiều phẩm chất cao quý không kém, vì họ thông minh năng động và vất vả lắm thì mới có thể giàu được

Tại sao giàu?

Trừ một số trường hợp giàu do... bố giàu, phần lớn người có tiền bạc đều phải học hành, phải phấn đấu, phải lao động cật lực. Nói cách khác, phần lớn người giàu có gốc gác... nghèo, thậm chí cực nghèo, và trở nên triệu phú là nhờ họ là thành phần ưu tú trong số đó. Tóm lại, quá trình làm giàu là một quá trình đáng trân trọng, nếu không nói là luôn luôn trân trọng hơn quá trình nghèo. Đấy chính là sự vươn lên, sự chiến thắng của ý chí, nghị lực và nhân cách. Ở các nước phát triển, giàu có  nhiều khi là thước đo của giá trị, hay chí ít, là phần thưởng của đạo đức và sự... thơ ngây. Công chúa Lọ lem sẽ cưới được hoàng tử, mà hoàng tử có xe ngựa, có cung điện, một cái kết hoàn hảo cho ý chí và tình cảm của hàng tỷ người.

Nhắm đến mục tiêu giàu, ca ngợi quá trình làm giàu, nhìn vào giàu để kính trọng, đấy là xu thế không thể đảo ngược và tại sao lại phải đảo ngược?

Tại vì trong xã hội của ta hôm nay, có quá nhiều cái giàu... bất chính. "Chúng" làm cho hình ảnh người giàu (vốn đã không mạnh mẽ trong một nền sản xuất tiểu nông) trở nên xấu, đáng khinh, đáng xa lánh hay nhẹ ra thì cũng đáng... nghi.

Hễ cứ trong phim, trong kịch Việt Nam, có hai anh một giàu một nghèo yêu cô gái đẹp thì bao giờ anh nghèo cũng thắng. Bao nhiêu năm trước đã thế, bây giờ vẫn thế và khéo sau này cũng thế. Trong khi ngoài đời, kết quả thường ngược lại. May cho các chàng giàu quá!

Tôi khẳng định rằng, cái lối miêu tả giàu xấu hơn nghèo, ít đáng kính trọng hơn nghèo là một lối miêu tả thiếu tiến bộ, thiếu... khoa học. Đấy là sản phẩm của tư tưởng nhỏ nhen, đố kỵ và kém hiểu biết về hiện thực khách quan. Một vài trường hợp có thể đúng, nhưng nếu như toàn bộ các anh giàu trong nền văn hóa của chúng ta đều gian manh, thủ đoạn và lừa đảo thì chúng ta phải nhìn lại mình một cách nghiêm khắc là chúng ta đã sáng tác trên một thói quen rất tai hại, làm chậm bước phát triển của xã hội.

Văn hóa cần quan tâm tới người nghèo. Điều đó không có gì phải bàn cãi vì 80% số dân nước ta còn nằm trong diện ấy, và cũng 80% nhọc nhằn đó ngày đêm đóng thuế để nuôi guồng máy quốc gia. Vấn đề là ở chỗ xây dựng cho họ một nhân sinh quan thế nào trong nền văn hóa ấy, nếu cứ mãi mãi gây cho khán giả những mối ác cảm với các nhân vật có nhà cao cửa rộng? Hơn ai hết, quần chúng biết nghèo là khổ. Nếu qua màn ảnh hoặc tivi họ hiểu thêm giàu cũng xấu xa thì họ sẽ phấn đấu ra sao?

Sẽ có người bảo tôi: À, sẽ phấn đấu để trở thành nghèo trong sáng. Ô, nếu có gì là kẻ thù của trong sáng thì tôi dám chắc đấy chính là nghèo. Chừng nào con người không lớn lên bằng hái hoa và tắm suối như khối bộ phim lãng mạn, chừng ấy cái nghèo còn nhai tươi nuốt sống thiên hạ, và nhả ra những phần tử đáng đề phòng.

Văn hóa là tấm gương phản ánh xã hội. Một nền văn hóa lành mạnh phải cho thấy những quan niệm lành mạnh. Miêu tả những người có tài sản, có địa vị ở dạng... phản diện rõ ràng là một xu thế đi ngược với sự phát triển của thời đại. Nhìn tổng thể, một nền nghệ thuật như thế chứng tỏ sự thiếu "tầm" của người sáng tạo ra nó.

Nhưng có người sẽ cãi lại tôi "anh hãy nhìn đi, những kẻ giàu và cực giàu hiện nay là ai, và có nên lấy họ làm gương không?". Tôi biết, đấy cũng là một câu hỏi chính đáng, nhưng lại là một lĩnh vực khác rồi!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.