Mong có những vị Bao Công

Thứ Bảy, 23/12/2006, 07:58

Từ xưa đến nay trong sử sách của nhiều nước, bên cạnh việc phản ánh tình hình gặm nhấm, hủy hoại cơ thể quốc gia của căn bệnh tham nhũng, thì cũng đã ghi lại  những tấm gương đầy nhân cách, vừa rất trong sạch, liêm khiết bản thân, vừa cương quyết chống trả kịch liệt với quốc nạn tham nhũng.

Như sử sách Trung Hoa kể chuyện thời nhà Tống, có ông Bao Chửng (Bao Công) khi làm quan huyện cũng như khi làm gián quan ở triều đình đều luôn luôn liêm khiết và thẳng tay phanh phui, trừng trị bọn quan lại gian tham.

Là người ham học, thích viết, dĩ nhiên là Bao Chửng cũng rất thích các nghiên mực, mà ở huyện Đoan Châu nơi Bao Chửng làm quan huyện lại có loại nghiên mực rất quý, nhưng Bao Chửng chỉ dùng đến loại nghiên mực này khi làm việc công, chứ không dùng cho việc riêng.

Lúc thôi làm quan ở huyện Đoan Châu ông đã không lấy theo một nghiên mực nào. Còn khi làm quan xử án ở phủ Khai Phong, Bao Chửng đã không hề vị thân, cũng như không sợ sự ô dù, bênh che cho thân nhân phạm tội tham nhũng dẫu là của những người quan to, chức lớn, mà ông một mực trung thành, dũng cảm bảo vệ công lý, nghiêm giữ phép nước.

Vì Bao Chửng nghiêm khắc, thanh liêm, nên một số kẻ toan tính hối lộ ông để giảm án tội, nhưng rồi cũng không dám vì biết là Bao Chửng không khi nào nhận tiền của hối lộ, kẻ hối lộ ông chỉ có bị Bao Chửng xử nặng thêm tội mà thôi.

Sách xưa đã ghi lại hai câu ca dao truyền tụng trong dân chúng nói về phẩm chất hiếm thấy nơi người làm quan của Bao Chửng: “Đừng hòng đút lót hai nơi/ Một là Bao Chửng, hai thời Diêm Vương”.

Sách xưa cũng kể chuyện Bao Miễn, em họ của Bao Chửng tham ô khi làm quan, chiếu theo phép nước đáng bị xử tội chết. Bố Bao Miễn là chú ruột của Bao Chửng, từng nuôi  Bao Chửng từ nhỏ vì bố mẹ Bao Chửng mất sớm, công của chú, Bao Chửng không quên, nỗi đau mất con của chú cũng làm lòng Bao Chửng đau đớn lắm, nhưng tội phạm của Bao Miễn đã quá rõ, phép nước phải nghiêm, Bao Chửng đã dẹp tình riêng mà giữ nghiêm phép công, cứ định án xử tử Bao Miễn.

Được vua trọng, dân quý, Bao Chửng đã làm tới chức Khu mật phó sứ, là một chức quan to, nhưng ông và gia đình vẫn sống rất giản dị, thanh bạch như những người dân thường.

Khi bị ốm nặng, sắp mất, Bao Chửng đã tự tay viết di chúc dặn lại con cháu đời sau, đại ý: nếu người nào làm quan mà tham ô thì không được phép về nhà, khi chết đi không được chôn trong khu phần mộ của nhà họ Bao. Sau khi mất, Bao Chửng đã được dân trong nước tôn vinh là Bao Công.

Có kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lấy của công, bóp nặn của dân, nhưng cũng có người làm quan liêm khiết và cương quyết chống tham ô, chuyện thời xưa đã vậy, mà chuyện thời nay xem ra cũng giống vậy.

Như ở nước ta hiện nay, tệ nạn tham nhũng đã diễn ra nghiêm trọng, nhưng Đảng, Nhà nước ta cũng đã rất cương quyết trong công tác phòng, chống tham nhũng, thông qua chủ trương, luật pháp và những lời phát biểu cũng như các quyết định xử lý việc và người sai phạm của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ.

Còn nhân dân thì luôn tỉnh táo và bức xúc nhận thấy tham nhũng là căn bệnh trầm trọng của nền hành chính cũng như nền kinh tế nước ta, cần phải được chữa trị triệt để, nói theo cách của nhiều người là phải đại phẫu căn bệnh tham nhũng.

Rất đúng. Phải đại phẫu bệnh tham nhũng. Vấn đề chỉ còn ở chỗ ai cầm dao mổ đây? Luật phòng, chống tham nhũng thì đã có, nhiều bộ luật khác cũng có những điều khoản liên quan đến việc nghiêm trị tội phạm và cá nhân tham nhũng, chẳng khác nào trong  công việc mổ xẻ bệnh tật của ngành y thì xem như y pháp đã có, thuốc điều trị đã sẵn, cuộc đại phẫu có kết quả hay không chỉ còn tuỳ vào y đức cũng như sự cứng cáp tay mổ, thành thạo cách mổ của người bác sĩ cầm dao mổ.

Trong những năm qua, nhất là thời gian gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn, nhỏ đã được các ngành chức năng như Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án,... phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận xét không phải là không có cơ sở rằng, những vụ việc tham nhũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện và nghiêm trị chỉ mới như phần nổi của tảng băng chìm.

Đó là chưa nói tới  việc một số cán bộ của các cơ quan chức năng chống tham nhũng trong khi thi hành nhiệm vụ đã có không ít thiếu sót, sai phạm, tiêu cực, nhận hối lộ rồi bao che cho kẻ tội phạm, điển hình như vụ việc xảy ra ở cuộc thanh tra tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, hay liên đới đến các sai phạm lớn xảy ra ở PMU18. Mà như thế thì rõ ràng là vẫn rất cần tuyển chọn được những người thanh liêm, đạo đức, bản lĩnh và thành thạo nghiệp vụ cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Nói cách khác, cũng có nghĩa là mong có những vị Bao Công

.
.
.