"Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ"

Thứ Năm, 16/03/2006, 13:15
Tương lai có đặc điểm tuyệt vời là dễ rực rỡ, dễ lạc quan, dễ trở thành một miền đất đầy sang trọng, cao quý và... hấp dẫn. Nếu bạn chưa có vợ, tương lai hứa rất nhiều khả năng vợ bạn sẽ đẹp, thậm chí sẽ là hoa hậu. Nếu bạn chưa xin được việc làm, tương lai cho bạn cái quyền mơ thành Bộ trưởng và (chả ai cấm) mơ trên Bộ trưởng!

Hồi thơ ấu, không nhớ rõ là mấy tuổi, tôi có được học bài thơ về một chú bé luôn nói với mẹ:

"...Đến mai con sẽ xin ngoan
Đến mai con sẽ xin ngoan
Đến mai con lại khất lần ngày kia..."

Lớn lên, tôi hiểu "mai" là chưa tới, là tương lai.

Minh họa của Tả Từ

Có thể nói, trong cuộc sống, cửa miệng của chúng ta là tương lai tươi sáng. Nhất là trong các dịp xuân về thế này, từ báo, đài, câu đối đến gặp gỡ, chúc tụng, lời nhắc tương lai tốt đẹp tràn ngập khắp nơi.

Tôi chả chút nào dám nghi ngờ tương lai thiếu quan trọng. Ái chà, nếu không thì cái danh từ đầy màu sắc đó đã chả vang rền một cách tươi vui. Ngay bây giờ, có một người hoặc thầy bói, hoặc người đứng đắn, thông báo rằng, tương lai tôi sắp đạt tới đỉnh cao, tôi thề là sẽ khấp khởi như điên.

Nhưng cuộc sống có ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Quá khứ là chuyện "bó tay". Chúng ta chỉ có thể phân tích, phê phán, ngợi ca và chủ yếu là... nuối tiếc chứ chả hy vọng gì thay đổi trừ khi chúng ta tham gia vào phim khoa học viễn tưởng và... đấu tranh để đem chiếu Tết!

Tương lai có đặc điểm tuyệt vời là dễ rực rỡ, dễ lạc quan, dễ trở thành một miền đất đầy sang trọng, cao quý và... hấp dẫn. Nếu bạn chưa có vợ, tương lai hứa rất nhiều khả năng vợ bạn sẽ đẹp, thậm chí sẽ là hoa hậu. Nếu bạn chưa xin được việc làm, tương lai cho bạn cái quyền mơ thành Bộ trưởng và (chả ai cấm) mơ trên Bộ trưởng! Nếu bạn là nghệ sĩ, tương lai giúp bạn tiên đoán mình trở thành ngôi sao, hai vai trĩu nặng vinh quang và túi quần phải dài tận đất vì trĩu nặng tiền bạc. Nếu bạn chưa có nhà, tương lai không hề ngăn cản bạn tin sẽ sở hữu... hai căn.

Tóm lại, tương lai cấp giấy phép với một thủ tục đơn giản đến kinh ngạc, giúp ta có được tất cả những gì ta muốn, hoặc vợ con ta muốn, gần như chả đòi hỏi một hồ sơ hay lệ phí gì. Vừa cấp giấy, tương lai (mà tôi bắt đầu có cảm giác gần gũi như một người bạn chí tình), vừa mong muốn, vừa chân thành và điều này mới quý: luôn luôn dõi theo, khuyến khích động viên ta! (hoặc giúp ta luôn tự động viên mình).

Nhưng chỉ thế thôi. Tương lai không động một ngón tay nào vào ta cả. Nói thế thì "vô ơn" quá? Hay nói thế này: Tương lai chỉ tác dụng vào thần kinh như một thứ thuốc... gây tê. Việc phẫu thuật là việc của... hiện tại.

Ôi, hiện tại! Nó đâu có nhiều mơ mộng như tương lai mà thường nhiều đau khổ, nhiều phức tạp, nhiều nỗi lo, buồn ngổn ngang tới mức ta cảm giác không thể giải quyết hết được. Nhưng đáng ghét quá (và cũng có thể là đáng mừng quá) ta đang ở trong nó, chỉ ở trong nó và không có cách gì không ở trong nó!

Hiện tại là cái đang diễn ra, là những thứ hoàn toàn cụ thể, mọi người đều có khả năng sờ thấy, chạm vào, cắn vào và... đau vào. Cứ mở mắt là hiện tại xông tới, chả cần thông báo trước: Nào xe hư, nào vợ càu nhàu, nào ông thu tiền điện đang bấm chuông, nào người yêu đang bước từ cửa hàng ra, tay nắm món đồ chờ ta thanh toán.

Hiện tại vừa nhăn nhó, vừa cáu kỉnh, vừa lôi thôi nhưng ưu điểm vĩ đại của nó là hiện thực. Thực tới từng giây, từng phút. Nếu bạn vừa đọc bài này vừa ngồi trước cái bàn đầy ắp thức ăn thì chắc chắn bạn sẽ được hưởng sự ngon lành. Nếu bạn đang ngồi ngắm trăng với một cô kháu khỉnh thì bạn có tha hồ chớp mắt, cô ấy nhất định không biến đi. Nếu bạn vừa đọc bài viết của tôi, vừa nấu cơm, để cơm cháy và vợ bước vào đang cáu thì cũng chắc chắn nàng sẽ lôi đình.

Nói đơn giản, hiện tại ngấu nghiến ta, bẻ ta, vặn ta, quay tròn ta, nâng ta và ta cũng làm y như vậy với nó trong tâm trạng vừa khóc, vừa cười, vừa nhói đau, vừa êm dịu. Tương lai không có khả năng như thế vì đặc điểm (cũng vĩ đại?) nhất của tương lai là lùi dần. Còn quá khứ thì cũng làm y chang, nhưng theo chiều ngược lại!

Đọc tới đây, sẽ có người bảo mục đích bài này để làm gì? Ông cứ giữ lấy hiện tại của ông, còn tôi cứ ôm lấy tương lai của tôi, cớ gì phải ép nhau?

A, đúng là không ép được nhau. Nhưng tôi trộm nghĩ: hình như điều đó không phải lý thuyết suông đâu.

Những nước nghèo có thói quen hy sinh hiện tại cho tương lai, còn những nước giàu thì quái lạ, không làm thế, ít ra là về nguyên tắc sống (chứ đừng nhầm với nguyên tắc khai thác môi trường).

Nước Mỹ giàu nhất thế giới và cũng mắc nợ nhiều nhất thế giới. Nếu các bạn ra ngoại quốc, các bạn sẽ thấy gần như ai ai cũng xài thẻ tín dụng mua đồ. Rất nhiều khi tiền trong thẻ là tiền... sẽ có. Vậy mà họ vẫn xài. Còn thói quen của chúng ta hoàn toàn khác: chúng ta cất bớt những đồng tiền đã có.

Ôi chao, đấy là hai triết lý cực kỳ khác nhau. Một bên cố hết sức kéo khả năng thành hiện thực, một bên gồng mình "giấu bớt" hiện thực cất vào... kho.

Nhiều người gọi như thế là vẫn lo cho tương lai. Tôi thì nghĩ rằng, phải gọi đấy là đề phòng. Ai chả biết, cái gì đề phòng thường ít tham gia cuộc sống. Chỉ tham gia... trấn an tâm lý mà thôi.

Hậu quả của việc quá đề cao tương lai, quá nói nhiều đến tương lai rốt cuộc làm chúng ta có một cuộc sống thiếu thốn các cơ sở thực tế, tạo cho mọi người thói quen hy vọng, chờ đợi và tự an ủi vào những thứ chưa hề nhìn thấy. Đấy là nói về hành xử, về quản lý. Còn trong tiêu dùng, chúng ta lại nghĩ đến tương lai theo cơ sở bất... an, luôn tự rút bớt những nhu cầu bản thân đôi khi đến mức... hành xác.

Đề cao hiện thực không phải là thực dụng. Nó là tôn trọng những giờ khắc thiêng liêng, vô giá mà chúng ta đang tồn tại, bắt mọi người có hành động ngay-lập-tức chứ không phải hứa-ngay-lập-tức. Có một câu rất hay "ngày hôm nay là ngày đầu tiên của quãng đời còn lại" và các bạn phải sống nó cho thật háo hức, thật cụ thể bởi đôi khi... ngày mai mãi mãi không tới nữa.

Trở lại bài thơ của thuở ấu thơ. Tôi vẫn nhớ đoạn kết của nó, mặc dù không nhớ tác giả và xuất xứ:

"Con ơi con chớ hề nói thế
Việc hôm nay chớ để ngày mai
Chi bằng con nói thế này:
Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ!"

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.