Lo xa cho con cháu

Thứ Tư, 08/11/2006, 08:04

Thân già, vận mạt, theo lẽ thường chỉ còn biết trông vào con cháu, nhưng hỡi ôi! Con cháu mấy vị quan tham đều đã vì sự giàu có quá mức của bố mẹ mà thành đồ bỏ đi, đứa nghiện hút, tiêm chích, đứa thì lêu lổng, cờ bạc, đĩ điếm, hết tiền chu cấp của cha mẹ, thân chúng, chúng còn chẳng lo được, nói gì chăm sóc bố mẹ.

Sở Quảng làm quan to của nhà Hán, lúc về nghỉ hưu được vua ban cho nhiều vàng, lụa. Con cháu cụ thấy thế, đón cụ về làng, nhân đó nói với cụ tậu nhiều nhà đất để cụ hưởng hết đời, sau đó để lại cho con cháu, tức cũng là một cách lo xa cho con cháu vậy.

Thấy cụ Sở Quảng chưa nói gì, nghĩ rằng có thể cụ không đồng ý, con cháu cụ liền nhờ những người già cả trong làng đến nói giúp.

Sở Quảng tiếp các cụ già làng, rồi thưa lại rằng: “Tôi đến tuổi già lão, há lại không nghĩ đến con cháu hay sao. Nhưng tôi cũng đã có một ít ruộng nương, cửa nhà cũ của tiền nhân để lại. Con cháu tôi đã sẵn có nhà cửa của tổ tiên để ở, sẵn ruộng nương để làm. Nếu chúng chăm chỉ làm ăn, thì cũng đủ ăn, đủ mặc bằng nhiều người rồi. Nếu bây giờ tôi lại làm cho chúng giàu thêm để cho chúng thừa thãi, dồi dào thì tôi chỉ làm cho chúng lười biếng thêm mà thôi. Người ngu mà sẵn có nhiều của thì càng thêm tội lỗi.

Ở đời ai chất chứa quá nhiều của cải thì chỉ tổ làm cho người ta ganh tị, thù oán. Tôi đã không giáo hóa được con cháu tôi, bằng chứng là chúng vẫn muốn tôi mua sắm, tích lũy nhiều của cải, nhà đất để lại cho chúng thả sức tiêu dùng, ăn chơi về sau, thì tôi càng không nên làm cho chúng dễ mắc nhiều tội lỗi và để thiên hạ ganh ghét, thù oán chúng, cho chúng thêm khổ, thêm phiền”.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Các cụ già trong làng liền hỏi cụ Sở Quảng: “Thế còn số tiền bạc vua ban cho cụ, thì cụ sẽ sử dụng vào việc gì?”. Cụ Sở Quảng đáp: “Những của cải tôi đem về đây là ơn của vua hậu đãi người bầy tôi già lão, tôi chỉ muốn anh em, bà con, họ hàng, làng nước cùng hưởng chung cái ơn ấy để được trọn tuổi giời, chẳng cũng là phải ư?”. Nghe cụ Sở Quảng nói thế, con cháu tỉnh ngộ, không còn đòi cụ mua thêm đất cát, nhà cửa, còn dân làng thì hết sức cảm phục.

Người đời sau thấy cách để lại cho con cháu như cách của cụ Sở Quảng đúng là đã tránh được sự bất an cho con cháu, chẳng có như Điền Anh, tướng nước Tề. Thấy cha làm quan, quá tham quyền chức và vơ vét nhiều của cải, rõ là tự gây họa cho bản thân và con cháu, nên Điền Văn, con của Điền Anh một hôm hỏi cha theo cách xa xôi rằng:

- Thưa cha, con đứa con gọi là gì?

Điền Anh đáp:

- Gọi là cháu

Điền Văn lại hỏi tiếp:

- Cháu đứa cháu gọi là gì?

 - Gọi là chút.

- Thế chút đứa chút gọi là gì?

Điền Anh cau trán suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu bảo:

- Ai biết gọi là gì được.

Bấy giờ Điền Văn mới bộc trực thưa với cha rằng:

- Cha làm tướng nước Tề đến nay đã trải ba đời vua, giàu có hàng ức vạn mà môn hạ của cha không được một người nào là hiền tài cả. Cha mặc áo gấm vóc, mà người giỏi trong nước vẫn rách rưới; tôi tớ của cha thừa ăn, mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết các việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm tích góp của cải, muốn để dành cho những kẻ sau này không biết gọi nó là gì! Con trộm nghĩ như thế là không phải, là trái đạo lý, rõ là sự quái lạ.

Sử sách không thấy nói sau khi bị con chê trách  như thế, Điền Anh có sửa đổi hay không. Còn về cách thức Sở Quảng để lại cho con cháu, thì bên số nhiều người khen, cũng có mấy viên quan thuộc một nước ở về phía nam lại chửi Sở Quảng là ngu.

Vốn dĩ mấy viên quan này nhờ vào sự gian tham nên có rất nhiều tiền. Lại nhân luật nước về đất đai chưa nghiêm, các quan tham này mới bỏ nhiều tiền ra mua rất nhiều đất, toàn chọn những chỗ sắp xây dựng đô thị hay mở đường lớn mà mua. Mà thường thì các quan mới biết trước quy hoạch, chứ dân làm sao biết được, nên dân bán đất cho quan rất rẻ.

Đến khi quy hoạch đô thị được công khai, đường lớn nhà nước đã mở, giá đất những nơi ấy lên vù vù, bằng mấy chục lần giá mua ban đầu, mấy vị quan tham xem như trúng đậm quả đất. Con cái các vị quan tham này nhờ thế mà thả sức tiêu xài, ăn chơi.

Quan ông, quan bà tuy có răn bảo con cái lấy lệ, bề ngoài, song trong bụng lại nghĩ: có tiêu xài thế, chứ tiêu xài nữa cũng không thấm vào đâu, vì của cải, đất đai mình để lại cho con cháu nhiều đến vậy cơ mà. Đâu có ngu đần theo lối cổ xưa như lão Sở Quảng.

Nhưng ở đời, như cổ nhân nói “mấy ai nắm tay được đến tối”, chưa hết đời các quan tham nọ, thì nhà nước đã chấn chỉnh lại việc quản lý ruộng đất. Các ruộng đất mua bán trái phép đều bị tịch thu, nhẹ thì cho về vườn, kẻ tội nặng bị tống vào nhà lao.

Thân già, vận mạt, theo lẽ thường chỉ còn biết trông vào con cháu, nhưng hỡi ôi! Con cháu mấy vị quan tham này đều đã vì sự giàu có quá mức của bố mẹ chúng xưa kia mà thành đồ bỏ đi, đứa thì nghiện hút, tiêm chích, đứa khác lêu lổng, cờ bạc, đĩ điếm, chỉ quen ăn, quen chơi, mà không quen làm, hết tiền chu cấp của cha mẹ, thân chúng, chúng còn chẳng lo được, nói gì chăm sóc, thăm nuôi bố mẹ.

Bấy giờ các quan tham mới nhớ lại sách xưa, cũng như chuyện người xưa, mà ngẫm ra rằng: làm như Sở Quảng là đúng. Nhưng khi nghĩ được như thế thì mọi sự đã muộn...

Vũ Huy Anh
.
.
.