Kẻ lịch thiệp thái quá

Thứ Bảy, 08/10/2005, 08:56
Phần cha mẹ Rudolf thì hầu như bất lực. Họ không hiểu sao con mình lại khiến cô giáo lưu tâm, nhất là bản tính “hiền hậu quá mức”.

Ngay từ khi còn bé tí, người thân của cậu bé đã vô cùng sửng sốt, vì những triệu chứng “khác thường”: Yêu mến tất cả mọi người, kể cả người lạ. Nằm trong nôi, cậu bé Rudolf Hullinger đã không bao giờ khóc cả, chỉ có những nụ cười mà thôi.

Minh họa của Lê Tâm

Vấn đề thêm trầm trọng khi Rudolf đi nhà trẻ. Cậu bé khiến ai cũng kinh ngạc, bởi không bao giờ mang điều bực mình đến cho các cô bảo mẫu như nhiều đứa trẻ khác. Cô giáo phụ trách lớp Rudolf là một nhà sư phạm thực thụ, bà nhận ra ngay cá tính “khác người” của cậu bé và nhắn cha mẹ tới, để cùng tìm phương pháp giáo dục phù hợp.

Phần cha mẹ Rudolf thì hầu như bất lực. Họ không hiểu sao con mình lại khiến cô giáo lưu tâm, nhất là bản tính “hiền hậu quá mức”. Cực chẳng đã, trước khi đi ngủ, cha Rudolf bắt đầu kể cho em nghe những câu chuyện đánh đấm của  đứa trẻ nhỏ, những trò nghịch ngợm “quá trời” từ con nít. Còn mẹ thì mời những đứa trẻ lêu lổng nhất ở cùng phố đến chơi với Rudolf.

Ở trường phổ thông Rudolf học rất khá, lên lớp đều đặn, điểm các môn tương đương nhau. Chỉ có thể thao là khác: Rudolf không tuân thủ chiến thuật của thầy giáo bộ môn “đá người hơn đá bóng”. Tuy có thể lực tốt, nhưng cậu vẫn bị loại khỏi vị trí hậu vệ của trường và đương nhiên với điểm thể dục kém hơn. Đa phần các thầy cô đều ngạc nhiên với bản chất “khác lạ” của Rudolf, thậm chí thầy chủ nhiệm năm cuối cấp phổ thông cơ sở còn phê học bạ: “Có cá tính không bình thường!”.

Trước ngưỡng cửa phân ban cuối năm lớp 9, Rudolf ghi nguyện vọng là muốn theo đuổi nghề “giao tiếp hữu hảo với mọi người”. Văn phòng tiếp dân của thành phố đang thiếu đúng một ghế như vậy, và họ đã chấp thuận cấp học bổng cho anh. R. Hullinger tốt nghiệp trường hướng nghiệp một cách xuất sắc và bắt đầu đi làm. Giới đồng nghiệp của anh đều rất hồ hởi, bởi Rudolf sẵn lòng làm mọi việc với “lòng thánh thiện cao cả” mà không bao giờ phàn nàn điều gì.

Vài tuần sau, bất cứ ai có việc lui tới Văn phòng tiếp dân chỉ tìm đến nhờ anh hướng dẫn. Các đồng nghiệp “được giải phóng”, họ có thể thoải mái uống cà phê và tán chuyện phiếm vào bất cứ thời gian nào trong giờ làm việc. Nhưng chẳng có ai chuyện riêng mãi để khỏa lấp hết thời gian, đúng ra phải là của công chuyện chung.

Sự đố kị và thù nghịch dần xuất hiện tại Văn phòng tiếp dân.

Mọi người chợt nhận thấy anh chàng Rudolf Hullinger đúng là một kẻ “quái đản”, hám việc và ưa bốc đồng”. Nhận định sau cùng nảy sinh sau khi Rudolf nhận được danh hiệu bình chọn Công chức viên cư xử lịch thiệp nhất, do các công dân bỏ giấy bầu kín qua hộp thư góp ý. Dòng người vẫn tiếp tục xếp hàng trước bàn làm việc của Rudolf, do chờ đợi quá lâu nên đã có đơn kiện cáo… Tới lượt viên trưởng phòng phải đích thân can thiệp, ông ta quyết định cử Hullinger đi học khóa nâng cao nghiệp vụ dài hạn. Quang cảnh Văn phòng tiếp dân lại trở về với vẻ cố hữu, như khi Rudolf chưa xuất hiện…

Rồi R. Hullinger được “đặc cách biệt phái” qua ngành bưu điện. Nhưng anh ta lại bị thuyên chuyển vì lý do “nhiệt tình thái quá” với khách hàng (!).

Không chùn bước trước con đường đã chọn, Rudolf Hullinger quyết chí “thử thời vận” trong nhiều nghề khác: soát vé xe buýt, thú y sĩ, nhân viên dịch vụ, thanh tra giao thông công chính, bán vé xe lửa, bồi bàn… ở đâu cũng vậy, chẳng chóng thì chầy anh đều bị người ta tẩy chay. Rudolf không chỉ là “hiểm họa” cho giới đồng nghiệp, mà còn là “mối nguy” cho những công dân hay có tính khuất tất nữa. Bất chấp tất cả, anh vẫn là anh - không đổi, với lòng hào hiệp hòa nhã rộng mở của mình.

Và rồi anh cũng đạt được “kỳ tích” mới: Rudolf được chọn là “khách hàng tốt nhất” của một siêu thị vốn sầm uất. Ảnh của anh được treo ở chỗ trang trọng ngay lối vào. Quả thực Rudolf thường xuyên đi mua đồ tại đây đã nhiều năm rồi, nhưng chẳng thấy anh lên tiếng phàn nàn về bất cứ điều gì cả. Có thể do “kỳ tích” ấy mà bỗng dưng anh được Ban giám đốc siêu thị mời vào làm việc, nhằm quảng bá cho công tác kinh doanh đang trì trệ… Nhưng chỉ một tuần sau, viên giám đốc đã phải cho gọi Hullinger lên văn phòng và chân thành khuyên anh: “Nên bỏ cái tính lịch thiệp thái quá đó đi! Bởi cậu đâu có còn là khách hàng nữa!”. R. Hullinger lịch sự cảm ơn và anh tự động nghỉ việc...

Giờ đây, sau nhiều năm “lao tâm khổ tứ” đi tìm ngành nghề thích hợp, Rudolf Hullinger vừa phát hiện ra một nghề chẳng đụng chạm đến người đồng nghiệp nào cả, đồng thời vẫn phát huy được cá tính “lịch thiệp thái quá” của mình. Hiện anh là kẻ chuyên đọc các điếu văn từ biệt trước lúc người ta hạ huyệt ai đó

Trần Hồng (dịch)
.
.
.