Để làm người...tử tế

Thứ Năm, 25/01/2007, 08:32

Tại một cuộc họp phụ huynh ở trường, Sait được nghe báo cáo về nghệ thuật giáo dục con cái. Anh về nhà với một dự định bất di bất dịch là kể từ đây anh sẽ tự mình đảm trách việc dạy bảo thằng con trai một cách bài bản và khoa học. Mà con trai anh, theo như các cô giáo, thì ở trường không được gương mẫu lắm. Vì vậy, anh quyết tâm biến nó thành một học sinh hạnh kiểm  tốt.

- Gariv có  nhà không con? - Vừa mới bước chân đến cổng anh đã gọi toáng lên - Lại đây bố bảo tí việc. Bấy lâu nay ở trường con không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, vì vậy từ nay bố sẽ đích thân kèm cặp con. Bố đã được tìm hiểu nghệ thuật giáo dục rồi.

Đang lúi húi làm việc gì đó trong bếp, nghe tiếng chồng, vợ anh nói vọng ra:

- Lẽ ra anh phải bắt tay vào việc này từ rất lâu rồi chứ. Con trai mà không có bố quan tâm tới thì không xong đâu. Vả lại dạo này nó bướng bỉnh lắm, chẳng chịu vâng lời.

- Thôi, cô im đi cho tôi nhờ! - Sait nổi đóa - Đàn bà con gái không nên chõ vào những chuyện hệ trọng của gia đình.  Nhiệm vụ của cô là dọn dẹp nhà cửa cho thật chuẩn, mọi việc để tôi lo.

- Anh lại định chỉ đạo tôi nữa ư? - Vợ anh nổi xung - Cái đồ chỉ biết quát tháo vợ con, còn mình thì suốt ngày nằm ườn trên ghế đọc báo và xem tivi, thật là đồ vô tích sự. Trời ơi, không biết vì sao tôi lại vớ phải cái ngữ ấy hở trời!

- Này Sayra, cô có câm mồm đi không, cô thì biết cái quái gì. Còn Gariv, sao bố gọi mà đứng đực ra thế kia? Con không muốn bố dạy dỗ ư? Không xong đâu, đến nước này thì  bố phải rèn cho mày thành người tử tế mới được. Hãy nghe đây, trong cuốn sách này người ta đã quy định những điều mà mỗi học sinh cần phải tuân theo nếu muốn trở thành học sinh tốt, gương mẫu... Hãy lắng nghe đây và nuốt lấy từng lời, nghe thủng chưa?

- Tốt nhất là anh tạt ra phố mua hộ tôi ít sữa và bánh mỳ. Đừng rao giảng mãi như thế, chẳng tích sự gì đâu - Vợ anh ta nói một cách bực bội như quát - Nếu có dạy thì anh hãy dạy con làm những việc này giúp đỡ mẹ nó cho tôi nhờ!

- Không thể như vậy được! - Sait rít lên - Cô lại sai khiến tôi đi cửa hàng, ngăn cản tôi giáo dục con trai hay sao? Không được đâu. Thế thì khác nào cô nối giáo cho giặc, bắt con chịu tác động xấu của đường phố hay sao? Giặt giũ, bếp núc, mua bán là công việc của đàn bà con gái, các nhà khoa học bảo rằng trẻ em không được tham gia vào việc mua bán sớm. Gariv con, hãy chú ý vào bài học đầu tiên này! Hãy nhớ cho thật kỹ rằng khi gặp người quen, bạn bè, láng giềng thì cần phải chào hỏi đàng hoàng nhé. Lễ phép là bài học đầu tiên của những ai muốn làm người tử tế.

- Việc gì phải chào hỏi họ? - Gariv nói - Nhỡ đâu họ không thèm đáp lại mình thì sao?

- Thì con phải chạy lên trước, chào lại một lần nữa và cúi đầu xuống thấp hơn.

- Vậy thì khác gì mình đi xun xoe, nịnh bợ họ hả bố?

- Không sao hết con ạ. Thời buổi bây giờ khối người khéo nịnh thủ trưởng thường được đề bạt, lên lương rất nhanh và thuận lợi trong công tác.

- Sao anh lại đi dạy con những điều như vậy? - Không chịu nổi cách giáo dục của chồng, chị Sayra gào lên - Anh bày cho con những điều bậy bạ ấy để làm gì. Gariv, con chớ có nghe những điều bố nói, tệ lắm.

- Tại sao cô lại nói năng phản giáo dục như vậy, cô khuyên con đừng nghe lời bố mẹ. Thế mà cũng cho là mình thông minh. ồ, nếu cô mà có chút trí óc thì Thượng đế đã chẳng nặn cô ra làm phụ nữ - Sait không nhân nhượng.

- Nếu anh thông minh tài giỏi hơn tôi thì sao anh không đi lấy người khác cho xứng đôi, sao anh lại đi lấy cái con đần độn này?

- Thôi, cô có im ngay không, nói hỗn với tôi là không xong đâu, cô có muốn tôi xẻo lưỡi đi không đấy - Sait lồng lên và tiện tay ném thẳng cuốn sách vào mặt vợ.

- ối giời ơi, anh dạy dỗ vợ con mình như vậy ư! - Chị vợ cũng gào lên không chịu thua, rồi khóc như mưa như gió.

Không ngờ “cục diện” diễn biến tồi tệ hơn, thấy bố vứt cuốn “cẩm nang giáo dục”, Gariv biết ngay là bố không còn hứng thú dạy dỗ nữa. Nó vội thả hai cái tai mũ lông xuống bịt tai lại để khỏi phải nghe những lời đay nghiến của bố mẹ. Lát sau nó vội lủi nhanh ra đường, ở đó nó tiếp tục bài học giáo dục của cuộc đời

Trần Hậu (dịch)
.
.
.