Để không bị đánh đòn

Thứ Sáu, 02/03/2007, 08:52
Em muốn nói: Vừa không phải là nói dối lại vừa nói để không bị đánh đòn!... Thưa thầy! Thế thì em phải nói như thế nào ạ? (!)...

Tôi mơ thấy mình đang được giảng văn trên lớp của trường tiểu học. Tôi cầu mong thầy giáo hướng dẫn cho tôi phương pháp lập luận.

- Khó! - Thầy nhìn tôi với ánh mắt sáng qua tròng kính - Khó đấy! Tôi kể cho em nghe một chuyện này nhé:

Có người sinh được cậu ấm, cả nhà đều vui đến tột đỉnh. Khi đầy tháng, bồng ra cho khách xem, đại thể có ý muốn khoe một chút gì đó tốt lành.

Có người nói: “Cậu bé này tương lai nhất định giàu to đây!”. Người đó liền được nhiều lời cảm ơn.

Có người nói: “Cậu này rồi sẽ làm quan lớn!”. Người đó nhất định nhận được nhiều câu tạ ơn, vâng dạ rối rít.

Có người nói: “Cậu bé này trước sau cũng chết!”. Người đó liền bị trận đòn nhừ tử của cả gia tộc.

Nói đến cái chết là lẽ đương nhiên. Nói lời giàu sang là điều nói dối. Nhưng nói dối thì được trả ơn! Nói lẽ đương nhiên thì bị đánh đòn.

- Em muốn nói: Vừa không phải là nói dối lại vừa nói để không bị đánh đòn!... Thưa thầy! Thế thì em phải nói như thế nào ạ? (!).

- Thế thì... Em phải nói thế này: “Chà chà! Cậu ấm này à!... Các ngài coi! Biết bao! Biết nhường nào! Hà hà! Hì hì!...”

Trần Huy (dịch)
.
.
.