"Cười như... anh khóa hỏng thi"

Thứ Năm, 06/10/2005, 08:41

Phóng viên (PV): Nghe nói em vừa thi trượt đại học khối C?
Một thí sinh (MTS): Vâng, chính xác là em chỉ thi rớt mỗi môn lịch sử.
PV: Em được mấy điểm sử?
MTS: Dạ, thưa nhà báo được 3 điểm ạ.

PV: Có 3 điểm trên 10 thôi ư, sao thấp vậy?

MTS: Như thế còn là điểm... “khá” đó ạ! Hầu hết bạn bè em chỉ được 1 – 2 điểm; thậm chí nhiều đứa còn chẳng được điểm nào cơ! Cả trường em, bạn nào cũng thi trượt môn lịch sử.

Minh họa của Lê Tâm

PV: Nghĩa là có thí sinh được điểm không? Chẳng nhẽ họ chẳng viết nổi một chữ nào theo nội dung đáp án của bài thi?

MTS: Vâng, có bạn ngồi chép thơ tình, có bạn kể lại chuyện Tam Quốc, lại có bạn ngồi vẽ hươu vẽ vượn cho kín trang giấy. Có bạn còn ghi thẳng: “Bài này em chưa học lần nào, kính mong các thầy cô thông cảm!”.

PV: Nhưng tôi nghe nói trường em có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông cao lắm. Là trường “điểm” của tỉnh này cơ mà?

MTS: Đấy là hai chuyện khác nhau. Bọn em chẳng cần phải học cũng cứ đỗ tốt nghiệp, vì các thầy cô cần phải có thành tích báo cáo lên trên... Chỉ khó là khi thi đại học thôi! Mà môn lịch sử là đáng sợ nhất?

PV: Tại sao học sinh lại sợ môn lịch sử?

MTS: Bởi vì học nó không vào! Học mãi cũng không thuộc được!

PV: Thế theo em nguyên nhân nào khiến học trò học kém môn lịch sử: Tại các em? Tại thầy cô giáo? Hay tại sách giáo khoa?

MTS: Có lẽ là tại... tất cả!

PV: Xin em hãy nói cụ thể hơn?

MTS: Thứ nhất là tại... các nhà văn, nhà thơ. Sao họ không sáng tác được những tác phẩm văn học sử thật hay như, ví dụ như “Đông chu liệt quốc”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy Hử”... của Trung Quốc ấy? Bọn em chỉ cần đọc qua là “ngấm” vào người ngay!

PV: Đúng quá! Cần phải học sử bằng nhiều cách, thông qua các tác phẩm văn học sẽ đỡ khô khan và nhàm chán!

MTS: Chính vì thế một bạn giỏi văn lớp em đã định sáng tác tiểu thuyết lịch sử về việc nhà vua Quang Trung sai tướng Nguyễn Huệ ra Bắc đại phá quân Thanh!

PV: Ôi, em nhầm rồi: Quang Trung và Nguyễn Huệ chỉ là một người thôi đó!

MTS: Điều ấy với chúng em cũng chẳng quan trọng. Bởi vì một lần học về chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy giáo em bảo là anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình chèn pháo... Một bạn em nói: thầy nhớ sai rồi, người chèn pháo là anh hùng Tô Vĩnh Diện cơ mà? Nhưng thầy đã mắng học trò và nói át đi: Các em máy móc quá! Tình hình chiến đấu lúc ấy rất khẩn trương, thì ai chèn pháo, ai lấp lỗ châu mai mà chẳng được!

PV: Thôi được rồi, thế còn nguyên nhân thứ hai khiến các em chán học môn lịch sử?

MTS: Đó là do lỗi của các nghệ sĩ sân khấu, lỗi của các nhà điện ảnh Việt Nam! Tại sao nước ta không làm những bộ phim lịch sử nhiều tập hoành tráng như Trung Quốc, như Liên Xô trước đây, và như nhiều nước khác? Nếu có những bộ phim ấy dựng lại các triều đại phong kiến nước nhà, các nhân vật, sự kiện nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, kể cả những phim dã sử, phim chưởng và võ hiệp... thì chúng em chỉ cần ngồi ở nhà xem phim, chả cần phải đến lớp nữa.

PV: Còn nguyên nhân nào nữa không?

MTS: Còn nhiều lắm, em có kể cho nhà báo nghe cả ngày cũng không hết đâu. Nhưng có một nguyên nhân không thể không nói ra: Đó là các thầy cô dạy sử ở trường em thường bị “lép vế” so với các thày cô dạy môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ... Chúng em chả mấy đứa chịu bỏ tiền ra học thêm môn lịch sử.

PV: Câu hỏi cuối cùng: Năm sau em có định thi đại học khối C, với môn lịch sử nữa không?

MTS: Em chưa biết, nhưng mà rất khó. Nếu các thầy mà ra đề bám theo nội dung 2 cuốn sách nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” hoặc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” thì em sẽ thi, đọc lịch sử mà như thế, bọn em rất thích, nó vừa chân thực, sinh động, lại vừa rất thuyết phục và dễ vào lắm! Còn nếu không, thì em xin đi du học châu Âu, vì gia đình em kinh tế cũng thuộc diện khá giả.

PV: Tôi nghe nói sang nước nào ở châu Âu du học, người ta cũng bắt buộc sinh viên phải học lịch sử văn hóa của nước sở tại đấy.

MTS: Nhưng em tin là giáo trình giảng dạy học lịch sử các nước đó không khô khan và cũng không khó như thi như môn lịch sử của nước mình (cười).

PV: “Dân ta phải biết sử ta!”. Tôi chúc em và các bạn hãy học tốt lịch sử Việt Nam rồi hãy học lịch sử nước khác. Xin cảm ơn em về cuộc trao đổi thú vị này

.
.
.