Cuộc trò chuyện giữa trưởng tàu và khách đi lậu vé

Thứ Tư, 15/06/2005, 07:04

Trưởng tàu: Ê, chú kia, đứng lại!
Khách: Dạ.
Trưởng tàu: Đi đâu đấy?
Khách: Em... em sang toa bên cạnh.

Trưởng tàu: Đề nghị chú cho kiểm tra vé.

Khách: Dạ... Dạ thưa... em không có.

Minh họa của Tả Từ

Trưởng tàu: Không có vé hả? Vậy mang tiền không?

Khách: Thưa anh, tiền thì em nhiều lắm. Đây.

Trưởng tàu: Ủa, nhiều thật. Vậy sao không mua?

Khách: Dạ, mua thì ngoài tiền ra, còn mất một thứ mà em tiếc lắm.

Trưởng tàu: Thứ gì?

Khách: Thưa trưởng tàu, đó là thời gian chờ đợi.

Trưởng tàu: Hừm. Đã muốn đi tàu thì phải mua vé, đã mua vé thì phải chờ đợi, cả thế giới đều vậy kia mà.

Khách: Thưa anh, nhưng giờ đây thế giới đã đổi khác.

Trưởng tàu: Khác ở chỗ nào?

Khách: Ở chỗ ai cũng biết, chờ đợi là quãng thời gian ngớ ngẩn nhất của một con người, hay thậm chí, một quốc gia.

Trưởng tàu: Ý chú mày sao?

Khách: Em đã suy nghĩ và ngẫm ra thế này anh ạ: Từ bé tới giờ, em đã chờ đợi không biết bao nhiêu chuyện rồi.

Trưởng tàu: Ví dụ?

Khách: Lúc nhỏ chờ mẹ cho quà, lớn lên chờ cô giáo khen, lớn lên nữa chờ thi tốt nghiệp, tốt nghiệp xong chờ vào đại học, đại học xong chờ được phân công, phân công rồi chờ một ông sếp tốt...

Trưởng tàu: Sao nữa?

Khách: Tốt rồi chờ hy vọng tốt hơn... chờ, chờ... xin hỏi anh câu này: Cuộc sống là sân ga hay đường tàu?

Trưởng tàu: Theo ta thì sân ga.

Khách: Đúng thế. Vậy mà em, bạn bè em, bạn của bạn bè em... hầu như suốt đời cứ loay hoay ở giữa, cứ chờ hết cái nọ tới cái kia.

Trưởng tàu: Kể cả những cái không bao giờ tới.

Khách: Đúng vậy. Đặc biệt những thứ không bao giờ tới lại được chờ với một khát vọng sốt ruột bao la.

Trưởng tàu: Nếu chú gọi xã hội là một nhà ga vĩ đại.

Khách: Thì nó chỉ vĩ đại khi đấy là ga cuối cùng. Tất cả các ga còn lại đều là ga xép.

Trưởng tàu: Dựa vào đâu chú nói thế?

Khách: Dựa vào sự quan sát của em: Hễ cứ bước ra đường, em lại thấy nhan nhản những người chờ trong hàng nước, trong tiệm cà phê, trong cơ quan, trong văn phòng... Người ta chờ trong lúc làm, trong lúc ăn, trong lúc trò chuyện.

Trưởng tàu: Chờ trong... lúc chờ.

Khách: Người ta chờ cấp trên, chờ bè bạn, chờ cha mẹ, chờ xét duyệt và chờ cả... chính người ta. Chờ nhiều tới lúc nhiều người tưởng chờ là đi mới lạ.

Trưởng tàu: Cái đấy ta biết. Thiếu gì ông trên tàu giật mình tỉnh dậy thấy mình vẫn còn nguyên chỗ... hôm qua.

Khách: Có nhiều thứ để đo sự văn minh. Em thì thích tính số lượng người chờ. Lượng đó càng ít thì cuộc sống chúng ta càng phát triển.

Trưởng tàu: Tôi biết.

Khách: Em sợ nhất những người chờ mà chẳng biết chờ gì. Và sợ hơn nữa những người chờ để tới bến sau... chờ tiếp.

Trưởng tàu: Kinh nhỉ.

Khách: Câu hỏi đơn giản "còn chờ gì nữa" là một câu mà nhiều người chúng ta không dám trả lời.

Trưởng tàu: Vì sao?

Khách: Vì thâm tâm ai cũng biết, con người chỉ nhận được những gì xứng đáng mà thôi, trong khi phần lớn cứ mong được các thứ phải là hơn thế.

Trưởng tàu: Hậu quả?

Khách: Là rất nhiều cá nhân cứ chờ trong... vô vọng. Họ không chịu lao động, không chịu suy nghĩ, họ chỉ tin vào một thứ duy nhất: Vận may.

Trưởng tàu: Nói chuyện với chú cũng vui. Mấy chục năm là trưởng tàu, tôi cũng thấy cả ngàn khách cứ tới sân ga là chần chừ không chịu xuống.

Khách: Bởi vì họ không quen với cảm giác đến. Họ chỉ quen với cảm giác lên tàu.

Trưởng tàu: Theo chú, chân lý của vấn đề là chúng ta phải rút ngắn thời gian chờ trong mọi việc.

Khách: Đơn giản có thế. Nhưng thực ra lại không đơn giản chút nào, vì có nhiều thứ đang chờ mà vẫn cứ làm như đang di chuyển.

Trưởng tàu: Phải. Thậm chí có đoàn tàu đứng im trên sân ga mà vẫn kéo còi.

Khách: Cho nên cuộc đấu tranh rút ngắn sự chờ đợi là cuộc đấu tranh còn rất gay go, vì ai cũng dễ mang ảo giác là mình đang thừa vận tốc, mặc dù đã lâu rồi ta vẫn... ngồi im.

Trưởng tàu: Tệ hơn nữa, nằm im! Nhưng này, có phải như thế mà chú quyết định đi lậu vé không?

Khách: Vâng. Em thà bị phạt còn hơn đến nơi thì đã muộn.

Trưởng tàu: Chú chỉ nghĩ một mà không nghĩ hai. Chú sẽ ra sao khi bước xuống sân ga một mình khi toàn bộ hành khách còn đang... xếp hàng mua vé.

Khách: Em ra sao ư? Cũng có khi... em chết. Không phải vì đói (trên tàu có bán thức ăn, dù kém vệ sinh và hơi đắt!) nhưng em sẽ chết vì... cô đơn. Nhưng có sao đâu anh. Thà là người khách đầu tiên, còn hơn là người khách cuối cùng

.
.
.