Cuộc trò chuyện giữa cọp và người

Thứ Hai, 24/10/2005, 10:55

Cọp: Ai đó? Đứng lại!
Người: Tôi đây.
Cọp: Tôi là ai?
Người: Người.

Cọp: A, Người. Còn ở yên đó à, cúi chào ta đi chứ.

Người: Sao lại phải cúi?

Cọp: Vì ta là cọp. Biết chưa? Ta là chúa rừng xanh. Ta có hàm răng khỏe, khắp rừng đều sợ.

Người: Nhưng... Đây đâu phải rừng?

Minh họa của Tả Từ

Cọp: Ờ. Tuy vậy một số luật lệ của rừng vẫn đang áp dụng. Vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn bộ móng vuốt ta đây. Sợ không?

Người: Không. Móng vuốt hả? Vớ vẩn!

Cọp: Láo. Muốn chết à?

Người: Ông cọp ơi, ông phải hiểu rằng làm người sống mới khó.

Cọp: Tất nhiên. Làm cọp cũng vậy thôi. Nhìn bộ da rằn ri của ta nè. Sợ chưa?

Người: Chưa.

Cọp: Gớm nhỉ. Tại sao?

Người: Tại tôi còn bận sợ nhiều thứ khác, quan trọng hơn và... thiết thực hơn.

Cọp: Thứ gì. Thứ gì đe dọa hơn ta?

Người: Thưa ông cọp, nỗi sợ nhất của ông là không kiếm được thức ăn?

Cọp: Đúng.

Người: Còn với người hiện nay, nỗi sợ nhất là ăn rồi... ngộ độc thực phẩm.

Cọp: Ngộ độc thực phẩm? Ta mới nghe. Ta biết rằng trong rừng, thuốc độc chỉ có trong con rắn hổ mang hoặc trong lá ngón.

Người: Một lần nữa xin trân trọng nhắc ông: Chúng ta đang không ở rừng, mà ở trong thành phố.

Cọp: Thế thành phố với rừng, chỗ nào nguy hiểm hơn?

Người: Chưa biết. Chỉ chắc chắn trong thành phố hiện nay, các món ăn đều rất có khả năng nhiễm độc. Từ nhà hàng sang trọng tới quán vỉa hè, từ ngọn rau cho tới tảng thịt quay...

Cọp: Khoan đã, chất độc ở đâu ra?

Người: Ở... ở... nhiều nguồn.

Cọp: Sao không cắt các nguồn ấy đi?

Người: Dạ, vì phần lớn nguồn không... xác định.

Cọp: Hừ. Nhưng người xưa nay tự hào hơn cọp chính ở khả năng xác định cơ mà?

Người: Dạ... nhưng... ôi...

Cọp: Sau ngộ độc còn sợ gì nữa?

Người: Sợ tai nạn giao thông. Ông ơi, ông có hiểu giao thông là gì không?

Cọp: Là di chuyển. Ví dụ như khi ta đi từ suối lên hang.

Người: Đúng. Vậy trên quãng đường đó, ông ngại gặp thứ gì?

Cọp: Ta chả ngại gì. Có chăng là một bà... cọp cái.

Người: Cọp cái chỉ là cái đinh so với ôtô, ôtô đâm một nhát, thế là mình bẹp dí.

Cọp: Ôtô có kèn và có đèn kia mà? Cứ bóp lên là kêu và sáng.

Người: Phải. Nhưng chả hiểu tại sao thiên hạ hay nhầm lẫn. Đúng lúc cần bóp cái này lại bóp phải cái kia. Vậy là... rầm!

Cọp: Bình tĩnh. Biết vậy mình tránh những chỗ có ôtô. Như ta đây này, tránh những chỗ... voi hay đi, chẳng hạn.

Người: Tránh ôtô thì gặp... máy cày.

Cọp: Tránh nốt máy cày!

Người: Sẽ đụng xe ba bánh. Tóm lại, giao thông là một quá trình phức tạp, hoặc là mình đâm nó, hoặc là nó đâm mình, hậu quả cũng đều như nhau cả.

Cọp: Lạ nhỉ. Trong rừng đông đúc thế, cũng rất ít khi con này cán phải con kia.

Người: Thưa ông, đấy là vì con nào cũng tôn trọng luật, tuy trong ấy chỉ là thứ... luật rừng.

Cọp: Tội nghiệp quá. Tiếp theo người sợ gì nữa?

Người: Sợ khói, sợ bụi, sợ mùi... nói nôm na gọi là ô nhiễm.

Cọp: Ô nhiễm? Ta không hiểu từ này.

Người: Ví dụ như buổi sáng sớm, ông leo núi, ông sẽ gặp chuyện chi?

Cọp: Gặp sương mù.

Người: Đúng. Còn người hiện nay có thể gặp sương mù khi giữa trưa, khi vừa ló ra cửa sổ. Đấy là một nguy cơ... bao phủ toàn thân.

Cọp: Xạo.

Người: Ai dám xạo. Ngoài ô nhiễm không khí, còn ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm cả tiếng ồn...

Cọp: Thế sao không vào rừng mà ở?

Người: Rừng cũng ô nhiễm rồi đấy. Chẳng qua ông không biết đó thôi.

Cọp: Hừ. Nguyên nhân do đâu?

Người: Nguyên nhân có nhiều. Nhưng đại thể vẫn lại đang... xác định.

Cọp: Bây giờ thì ta công nhận làm người khổ quá. Tiếp nữa sợ gì?

Người: Sợ hàng giả. Thưa ông, đã khi nào ông vồ phải một con thỏ giả chưa?

Cọp: Chưa. Trong rừng lấy đâu ra của ấy.

Người: Vậy mà trong thành phố thì đầy. Từ đồ ăn thức uống, từ vải vóc phấn son, cái gì cũng có khả năng giả tuốt.

Cọp: Ái chà. Làm giống không?

Người: Giống vô cùng. Đến ông cũng có thể bị nhầm, nếu ông đi mua một lạng... cao hổ cốt.

Cọp: Quái, giả thế nào được ta?

Người: Được tuốt. Thiên hạ có thể chế tạo ra xương ông từ đống xương... trâu. Thậm chí cả từ xương những con vật kém danh giá hơn mà tôi không tiện nói.

Cọp: Chết thật. Hậu quả ra sao?

Người: Hậu quả là trong thành phố bây giờ, dùng gì cũng nên nghi hoặc.

Cọp: Cha chả. Nghe mà nản quá. Nhưng Người ơi, đừng quên rằng bao nhiêu ngàn năm trước, ta với anh cùng ở trong rừng.

Người: Đâu có quên.

Cọp: Và tại sao anh cất bước đi ra mà cọp, beo, gấu, mèo, cầy hương... còn ở lại? Tại vì anh là kẻ duy nhất chiến thắng được những nỗi sợ trên đời.

Người: Ông quá khen.

Cọp: Không. Đúng thế. Đúng là biết chiến thắng nỗi sợ, theo ta đó là phẩm chất cao quý nhất của một con Người.

Người: Chắc thế. Nhưng ông ơi, những nỗi sợ ngày trước không giống hiện nay.

Cọp: Dù nó không giống tới mức nào cũng đừng bao giờ vì thế mà Người nên quay trở lại. Hứa đi.

Người: Tôi... Tôi hứa.

Cọp: Nói to lên.

Người: Ông cọp ơi, nếu ông là Người, ông sẽ biết rằng nói to không phải lúc nào cũng là phương pháp tốt.

Cọp: Hãy đứng im mà nghe ta dặn: Càng am hiểu có khi càng biết sợ. Nhưng đừng bao giờ để xảy ra chuyện Người phải sợ Người!

.
.
.