Chỉ tại bữa tiệc trên phim

Chủ Nhật, 02/07/2006, 08:12
Cátsê vai giám đốc mà anh đóng gần hai tháng nay chắc chỉ được năm bảy trăm ngàn. Thật đen đủi. Chỉ tại bữa nhậu trên phim mà anh bị cắt cơm. Tối nay biết lấy gì cho vào bụng để theo đoàn làm phim tiếp tục đóng vai ông giám đốc giàu có và ăn chơi đây?

Tấn Tùng là dân tỉnh lẻ. Nhờ có chất giọng hát dân ca ngọt ngào trời cho mà anh thi đậu vào khoa hát dân tộc của một trường nghệ thuật nổi tiếng ở thủ đô. Sau 4 năm học hành chăm chỉ, Tấn Tùng tốt nghiệp với tấm bằng loại khá.

Khi mới ra trường, Tấn Tùng đã định về quê với hy vọng được góp phần xây dựng sân khấu truyền thống tỉnh nhà. Nhưng qua tìm hiểu anh mới ngớ người ra khi biết đã mấy năm rồi đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh gần như không hoạt động nữa. Đạo diễn, diễn viên, người đi thổi kèn đám ma, người theo chân các vị thầy đi hát hầu đồng, còn phần lớn tản đi mưu sinh bằng đủ các nghề, kể cả công việc sửa xe bên đường.

Nghe bạn bè “tham mưu”, Tấn Tùng quyết định trụ lại thủ đô tìm cơ hội. Cũng nhờ anh em khóa trước dắt mối, anh đã lọt vào “mắt xanh” của một vài ông đạo diễn phim truyền hình. Ngặt nỗi, phim truyền hình thì không cần đến diễn viên có giọng hát dân ca, mà chỉ chú trọng đến người có ngoại hình và khả năng diễn xuất. Khả năng diễn xuất của Tấn Tùng cũng coi là được vì anh đã được học bài bản ở trường. Nhưng ngoại hình của anh thì chỉ hợp với các vai giang hồ, bụi bặm. Chính vì thế, ròng rã chín tháng mười ngày, Tấn Tùng mới được gọi vào dăm vai phụ. Cátsê tất tần tật của các vai diễn ấy chỉ được có nhõn một triệu đồng. Với một triệu đồng bạc còm, có ăn dè tiêu sẻn cũng chỉ đủ cầm cự trong hai tháng. ấy là chưa kể đến tiền thuê nhà, tiền mua quần áo để đóng phim. Mấy tháng đầu, Tấn Tùng còn về quê ngửa tay xin bố mẹ. Nhưng nhà nghèo, em đông, không nỡ lòng nào xin mãi, Tấn Tùng đành phải vay mượn bạn bè để đóng tiền nhà, còn tiền ăn thì  ký sổ nợ bà chủ quán cơm bụi...

Bà chủ quán vốn là người đam mê phim ảnh và ngưỡng mộ diễn viên lắm. Trong quán, bà treo la liệt ảnh các minh tinh màn bạc, tây có, ta có, nhưng nhiều nhất vẫn là ảnh các cô cậu diễn viên Hàn Quốc. Biết Tấn Tùng từng là sinh viên đàn ngọt, hát hay, lại được giới thiệu là diễn viên đã đóng mấy phim nên bà ưu ái lắm. Mỗi khi Tấn Tùng đến ăn, bà không chỉ thêm cơm, thêm thịt cho anh mà còn sẵn sàng cho ký sổ nợ. Nhưng khi Tấn Tùng đã ký nợ gần hai tháng, không đừng được bà đã nhắc khéo. Biết bà chủ quán có lòng tốt với mình, Tấn Tùng lựa lời:

- Cô yên tâm, nay mai cháu có vai lớn, nhận cátsê nhiều, sẽ thanh toán hết cho cô.

Và ít hôm sau, Tấn Tùng đã nhận được vai “lớn” thật. Đó là vai một giám đốc giàu có và ham ăn chơi. Thấy Tấn Tùng được gọi đi quay ngày, quay đêm, bà chủ quán vừa thấp thỏm đợi anh lên phim để khoe với khách đến ăn. Bà còn có ý định xin anh tấm ảnh để dán bên ảnh cô diễn viên Hàn Quốc đóng vai nàng Đê Chang Kưm cho quán cơm bụi của bà  thêm phần danh giá. Lẽ dĩ nhiên, bà cũng mong anh trả được món nợ tiền ăn suốt 2  tháng.

Cho đến một buổi chiều, bà chủ quán ngồi xem tivi và thấy Tấn Tùng trên màn ảnh. Bà bị hút hồn khi trông thấy anh mặc quần bò, áo phông mới coóng bước vào một nhà hàng sang trọng. Vừa trông thấy anh, mấy cô tiếp viên mắt xanh mỏ đỏ áo bỏ trong váy ngắn kéo đến vây quanh. Cô  bật bia, cô bê thức ăn, có cô còn lau cả mồm cho anh nữa. Tấn Tùng uống hết lon bia này đến lon bia khác. Ăn xong, lại còn rút cả một xấp tiền ra đếm rồi nhét vào ngực mỗi cô dăm tờ. Bà tặc lưỡi lẩm bẩm:

- Dạo này thằng bé khá quá. Ăn mặc sang trọng. Tiêu tiền như rác.

Đúng lúc bà chủ quán đang vui thì Tấn Tùng bước vào quán. Vẫn bộ quần áo và gương mặt nhàu nhĩ như mọi ngày, anh ta kéo ghế ngồi và cất giọng lễ phép:

- Cô cho cháu xin suất cơm.

Bà chủ quán nhìn thấy Tấn Tùng càng thêm mừng rỡ:

- Chà, chào cậu. Cô vừa trông thấy cậu trên phim. Cô thật tự hào vì quán của mình có vị khách sang trọng như cậu.

Tấn Tùng:

- Phim nào, thưa cô?

- Còn phim nào nữa. Cậu vừa vào cái nhà hàng to nhất thành phố, có cả bầy con gái phục vụ... Cái xấp tiền cho lũ con gái còn lại bao nhiêu cậu thanh toán cho cô tiền ăn trong 3 tháng 2 ngày và cả bữa sáng nay nữa.

Tấn Tùng ngớ ra:

- Dạ, cái phim ấy cháu đóng có vài cảnh từ hồi đầu năm nên quên rồi. Còn phim này cháu  đóng vai giám đốc cơ mà. Nhưng phải một tháng nữa mới có cátsê.

Bà chủ quán:

- Thôi đừng giả nghèo giả khổ nữa. Vào nhà hàng bật bia bôm bốp, ăn toàn cao lương mỹ vị, có cả tệp tiền cho gái mà còn cố tình dây dưa với mụ chủ quán phải nhặt nhạnh từng xu này...

Tấn Tùng:

- Thưa cô, bia trong phim chỉ có vỏ lon, còn trong đựng toàn nước chè xanh thôi ạ. Đồ ăn cũng mượn của nhà hàng để quay phim rồi phải trả lại, chứ có được động đũa đâu. Còn tiền boa cho các cô gái là do bên đạo cụ cho mượn, quay xong cảnh ấy, cháu và các cô "tiếp viên" đều phải trả lại hết.

Bà chủ quán tắt phụt tivi và nói mỉa:

- Thế ra cậu và cả thầy trò làm phim lừa à? Tôi chả biết đồ ăn thức uống thật giả thế nào, từ bây giờ cậu không thanh toán hết nợ cũ, tôi không cho cậu ăn chịu nữa.

Chẳng biết giải thích thế nào cho bà chủ hiểu hết nỗi khổ của người làm phim truyền hình hiện nay, Tấn Tùng đành bước ra khỏi quán với cái bụng đói cồn cào. Cátsê vai giám đốc mà anh đóng gần hai tháng nay chắc chỉ được năm bảy trăm ngàn. Thật đen đủi. Chỉ tại bữa nhậu trên phim mà anh bị cắt cơm. Tối nay biết lấy gì cho vào bụng để theo đoàn làm phim tiếp tục đóng vai ông giám đốc giàu có và ăn chơi đây?

.
.
.