Bóc lột nhan sắc

Chủ Nhật, 12/11/2006, 08:04
Chúng ta vẫn thường nghe tới bóc lột sức lao động, bóc lột chất xám, bóc lột trẻ em chứ nhan sắc thì xưa nay chỉ có tung hô và... hưởng thụ. Chúng ta cũng nghĩ rằng chế độ phong kiến, chế độ nô lệ, những "thể chế" liên quan tới bóc lột đã qua từ lâu.
Nhầm!

Tôi cũng không nói tới các Tú ông, Tú bà theo nghĩa đen, vì đấy là bóc lột thân xác, và không bao giờ hành nghề một cách công khai.

Những kẻ bóc lột nhan sắc luôn có dáng vẻ sang trọng hơn, trí thức hơn và đạo đức hơn. Cuối cùng, còn phong phú hơn. Đấy có thể là anh phó nhòm, chị nhân viên quảng cáo, ông chủ hãng, chàng đạo diễn, quay phim...

Nếu xét cho kỹ, ta sẽ thấy cuộc sống hôm nay có bao nhiêu thứ cần nhan sắc để tồn tại, để mở rộng, để bán hay nói tổng quát hơn, để quảng cáo. Từ dầu gội đầu tới kem chống nắng, từ phao bơi tới xe hơi, thậm chí cả đất đai, cả tủ lạnh, tivi và... keo diệt chuột, đâu đâu cũng tìm tới nhan sắc của các cô thiếu nữ xinh đẹp quảng cáo cho mình, cô thì cười, cô thì chạy nhảy, cô thì ca hát, có cô còn bơi mặc dù... không ở bể bơi.

Chả ngày nào mà nhan sắc không lên nhãn hiệu. Bằng quay phim, bằng chụp ảnh, thậm chí bằng đứng trực tiếp đi qua đi lại hay diễn thời trang trong, trước và... bên hông siêu thị! Người ta dùng nhan sắc của các cô. Người ta trả tiền cho các cô. Người ta trả ít, người ta trả một nửa, người ta trả cho “cò” và người ta... quỵt hẳn!

Đội quân bóc lột người đẹp hiện nay đông vô kể. Từ các tay “cò” chuyên nghiệp, các công ty môi giới, các chủ thầu và các... bạn bè.

Phổ biến nhất là bóc lột trong chụp hình. Cứ mở các tạp chí ra, thấy vô số cô người mẫu thân hình tuyệt mỹ khoác những bộ đồ tuyệt hảo đứng, ngồi và... nằm trong các khung cảnh sang trọng, khéo ai cũng tưởng họ rất thần tiên. Kể ra thì cũng thần tiên, nếu như ta không biết phần lớn họ đều phải chụp không công hoặc chụp rất ít tiền.

Người đẹp chụp hình cho báo. Báo thì bán chứ chả phát không, thế nhưng luôn luôn bị lờ thù lao. Hỏi ông chụp thì ông ấy bảo đi hỏi tòa soạn, hỏi tòa soạn thì người nọ đổ cho người kia rồi... xìu. Đấy là nếu như "can đảm" hỏi, vì lần sau "nó" sẽ không kêu chụp nữa!

Mà công việc có phải nhẹ nhàng gì đâu. Để có mấy tấm hình, nhiều lúc các cô kiệt sức cả ngày trong studio hoặc phơi thân dưới sóng biển nắng cháy da đen xì cả thân mình, hoặc ê ẩm cả chân tay.

Có một quy định "ngầm" với nhau rằng thù lao cho người chụp hình chính là... hình được đăng báo, còn đòi hỏi gì. "Nó" còn nói xa xôi là cô nọ, cô kia muốn lên hình này mà không được, hoặc được thì phải quà cáp rất ghê, "em đã được báo chiếu cố", đừng có "bày đặt" hỏi tiền. Thế là im tốt nhất.

Bóc lột thứ hai là quay ca nhạc, quay phim. Mấy ông dẫn mối, mấy ông phó và cả khối ông đạo diễn rất giỏi trò này. Lấy của nhà sản xuất cả triệu đồng nhưng xơi hết năm trăm, trả cho em năm trăm vẫn còn đạo đức lắm. Lắm cô ký vào hợp đồng khống, hoặc "biết điều" hơn thì chỉ lấy tạm ứng, chỗ còn lại bảo đạo diễn "anh giữ giùm em, khi nào cần em lấy". Những cô như thế hứa hẹn đóng nhiều.

Ăn chặn khủng khiếp vô cùng là trong quảng cáo. Thiên hạ có đồn cô nọ được ngàn đô, cô kia vài ngàn, anh này dăm chục triệu. Cũng có những người như thế, nhưng có nhiều hơn là phải ký hợp đồng thông qua trung gian bị "chặn" vô tội vạ. Đám bóc lột nhan sắc rất thiên hình vạn trạng, rất đông và rất nhiều kẻ mang khuôn mặt... từ bi. Đông tới mức độ người mẫu nào lên tiếng phản kháng cầm chắc cái chết, sẽ ít nơi nào mời.

Cơ sở để đội quân bóc lột hành nghề là ý nghĩ báo chí, phim ảnh, quảng cáo, tivi chỉ là nơi tạo dựng tên tuổi, chứ các cô kiếm sống bằng chuyện khác. Nhưng nếu bị hỏi "việc khác" ấy là gì thì khối ông lúng túng, chỉ ú ớ nói rằng nổi tiếng sẽ dễ quen và cưới được... đại gia.

Thật là một kiểu suy luận xấu xa tồi tệ. Có thể nói rằng ngay từ khi mới vào nghề (tại sao không gọi chụp ảnh mẫu, gọi đóng quảng cáo, đóng phim là nghề), các thiếu nữ đã sống chung với bóc lột.

Nhiều người tưởng đấy là chuyện đương nhiên, nhiều người uất ức vô cùng khi thấy mình lao động quần quật mà sau đó "nó" cầm tiền, "nó" lại bảo mình phải... nhớ ơn. Nhưng nói ra là hết cửa. Các công ty quảng cáo, các lãnh đạo cũng biết điều này, nhưng hoặc vô tâm, vô trách nhiệm, hoặc cũng đồng lõa ăn chia. "Nhan sắc" chả hy vọng chỗ nào kêu cứu.

Khốn khổ nữa, khi "nhan sắc" là một phạm trù tương đối rộng, tùy theo cảm nhận từng người. "Nàng" có thể đẹp với ai nhưng xấu với tôi và ngược lại. Chính vì thế, đằng sau các cô, nhan sắc luôn luôn có một đám "hai phần ba" hoặc "nửa" nhan sắc rình rập thay thế.

Trừ những người mẫu đã quá nổi danh, đếm không đầy một bàn tay thì cô nào cũng có thể được "lăng xê" lên để... đè bẹp một cô nào. Do đó, đám "nham nhở" luôn luôn sẵn sàng nhảy ra thế chỗ. Mà đám này chẳng những lấy ít thù lao, thậm chí là không lấy đồng nào mà còn biết điều vô khối khoản khác.

Nguyên nhân sâu xa của tư tưởng đó là thiếu tôn trọng con người. Nghĩ cái đẹp là của trời cho, mạnh ai "khai thác" được bao nhiêu thì cứ việc. Đúng là trời cho lúc đầu, nhưng sau đó, để củng cố và giữ vẻ đẹp, nhiều diễn viên hay người mẫu phải tốn kém hoặc phải rèn luyện rất nhiều, đó cũng là lao động chân chính mà thôi. Cũng một phần nữa là các cô hiện nay mạnh ai nấy làm, chẳng có hiệp hội, chẳng có cá nhân nào đứng ra thương lượng hay quản lý gì cả.

Một số công ty đứng ra tập hợp, lưu giữ hình ảnh, hồ sơ thì cuối cùng còn "bóc lột" ghê hơn đám bóc lột chuyên nghiệp, làm "chị em" ngán ngẩm.

Có một lần, tôi gặp mấy cô diễn viên đóng những cảnh minh họa. Họ thì thầm vào tai tôi: "Anh ơi, nếu có việc gì thì kêu thẳng cho tụi em, tụi em mới nhận được tiền". Tôi thấy khổ tâm quá. Quần áo, son phấn thế kia mà bị ăn chặn gần hết thì... chỉ có đường hư. Bởi khi nhan sắc không sống được một cách chân chính sẽ phải tìm các cách sống "ngoài luồng".

Xã hội phải đối xử công bằng và minh bạch với các cô gái đẹp của mình thì mới “mười phân vẹn mười”

Lê Thi Liên Hoan
.
.
.