Bình đẳng trước luật pháp

Thứ Năm, 22/06/2006, 08:36
Sau luật chống tham nhũng, phải làm ra một luật trong đó quy định mọi người đều bình đẳng trước luật, nghĩa là tôi kiểm soát luật bằng luật, rồi lại kiểm soát luật bằng luật, cứ như thế... mãi mãi.

Những vụ tham nhũng ở Bộ Giao thông Vận tải gần đây khiến dư luận bàng hoàng. Và theo lẽ thông thường, khi chuyện này xảy ra, nhiều người lại đặt vấn đề phải có ngay một bộ luật chống tham nhũng thật nghiêm.

Ô, nếu tôi không nhầm thì chúng ta cũng có luật giao thông, tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng khá nghiêm, song số người vi phạm hình như không giảm bao nhiêu thì phải, và cả luật bản quyền, luật đất đai, hay nếu có luật vệ sinh an toàn thực phẩm chắc cũng thế.

Minh họa của Tả Từ.

Mới đọc tới đây, sẽ có vị nói ngay: Biết rồi! Luật chưa đủ. Phải có ý thức chấp hành luật nữa chứ. Đúng quá. Thế trong vấn đề chống tham nhũng, ý thức chấp hành luật là gì?

Cá nhân tôi tin rằng những kẻ tham nhũng vừa qua không hề dốt. Thậm chí, họ còn có trình độ văn hóa vào loại cao. Do đấy, ý thức xã hội nhìn chung của nhóm người này có thể xếp vào loại tiên tiến, trí tuệ thuộc nhóm thông minh.

Chỉ trong các phim hình sự hạng xoàng, làm một cách cẩu thả, tội phạm mới mang khuôn mặt đầy sẹo, đeo kính đen sì, mở mồm ra là chửi thề và bắp tay bắp chân xăm những hình thù cổ quái. Cũng trong các phim hình sự như thế, chúng mới có thể béo nung núc mỡ hoặc để... râu dê.

Còn lúc này, khi tôi nhìn kỹ hình các vị vừa bị bắt gần đây, thấy khối ông mặt mũi sáng sủa, thậm chí thuộc nhóm... đẹp trai. Thân hình vừa phải, quần áo trang nhã, tóc chải tuyệt đẹp, cà vạt thẳng tắp, ánh mắt... đôn hậu tươi cười, dáng đi rắn rỏi. Tuy chưa sánh ngang tài tử Hàn Quốc nhưng nếu có đóng vai... bố hoặc chú của tài tử, khán giả cũng chẳng phàn nàn.

Trí tuệ minh mẫn, mặt mũi tươi tắn, địa vị hơn người, họ thừa hiểu các luật nói chung và luật chống tham nhũng nói riêng. Nhưng tại sao họ vẫn phạm tội?

Vì họ đã luôn ngỡ rằng: Luật không áp dụng với họ!

Hay nói chính xác hơn, họ nghĩ họ đứng trên luật pháp.

Đứng trên luật pháp là thái độ nguy hiểm hơn trốn tránh luật pháp rất nhiều.

Tự cho mình là một tầng lớp luật không với tới, những kẻ tham nhũng loại này chả buồn bận tâm tới khoản gì, điều gì, chương gì hết cả. Họ nắm chắc bản thân miễn dịch.

Đúng thế. Cái tư tưởng, đặc biệt khi xã hội còn tàn tích phong kiến, nghĩ rằng luật lệ không dành cho mình luôn luôn tồn tại ở một nhóm cá nhân, trong một nền kinh tế đang có sự "tranh tối tranh sáng".

Hàng triệu người ở châu Á này đã từng thích thú xem bộ phim "Bao Công xử án". Đấy là do Bao Công có tài xét đoán, tài điều tra nhưng quan trọng nhất, do vị quan tòa trong mơ đó chẳng dừng bước trước chức vụ nào, đấy mới thực sự là điểm thành công nhất của Bao Công trên... màn ảnh và chắc chắn sẽ là điểm nguy hiểm nhất của Bao Công trên... đời.

Rất nhiều người cứ than phiền về thiếu luật. Ôi chao, mọi nền dân chủ, theo tôi, không lấy đấu tranh cho việc soạn luật làm đầu. (Vì cứ tập trung vài chục vị chuyên gia lại, thảo luận kỹ vài tuần là có luật thôi). Mà đấu tranh cho việc mọi người phải bình đẳng trước pháp luật.

Trong các quyền bình đẳng của con người, có lẽ quan trọng nhất là quyền bình đẳng đó.

Câu châm ngôn nổi tiếng của bản tuyên ngôn nổi tiếng "Mọi người sinh ra đều bình đẳng" phải được hiểu như thế nào khi ra đời có người xấu, người đẹp, người khỏe, người yếu, người thông minh và người chưa kịp thông minh? Câu ấy nhất định chỉ muốn khẳng định quyền bình đẳng về đối xử và... xét xử!

Từ ông bộ trưởng tới chú xe ôm, từ ca sĩ nổi tiếng tới bà bán xôi đầu ngõ, nếu phạm luật là phải xét xử như nhau tuốt. Nếu tồn tại một đám người mang ý tưởng mình đứng trên luật pháp, thì tệ tham nhũng còn lâu mới có khả năng dẹp bỏ, dù chúng ta có quy định nhiều điều chi tiết và cụ thể tới chừng nào trong cái văn bản đanh thép đó.

Mở cuốn "Chiếc Lexus và cây ô liu" tác giả Thomas L. Frieuman cũng viết "Nạn vòi tiền xuất hiện khi các viên chức và nhân viên hành pháp cho rằng luật lệ không phải làm ra cho họ". Và đây, cũng thêm một ý kiến nữa của tác giả này để chúng ta tham khảo: "Nạn vòi tiền thể hiện ở con số hàng tỷ đôla thu nhập từ các chương trình tư hữu hóa tham nhũng ở một loạt các nước Đông Âu và Nga, nơi các nhóm nhỏ thượng lưu quan hệ chặt chẽ với mafia và các viên chức chính phủ, đã chiếm quyền sử dụng các nhà máy quốc doanh cũ và những nguồn tài nguyên, chi trả cho chúng dưới mức thị trường, và bỗng chốc trở thành tỷ phú".

Nếu có một bộ luật chống tham nhũng ra đời, thì thật ra đối tượng của nó lại không phải là mọi tầng lớp người đâu nhé. Ví dụ như mục tiêu của nó chắc không phải hướng về anh sinh viên hay chị hàng gà, đơn giản vì những người này hầu như sẽ chả có cơ hội tham nhũng. Một luật như thế, nói thẳng ra, là nhằm vào các quan chức, những người có khả năng, có điều kiện để làm chuyện này.

Nhưng những vĩ nhân đó lại xoay xở hết cách để "trên luật". Đấy chẳng những là nguy cơ, mà đã trở thành thực tế. Vậy phải làm sao?

Nếu tôi là một nhà văn hài hước, tôi sẽ đề nghị sau luật chống tham nhũng, phải làm ra một luật trong đó quy định mọi người đều bình đẳng trước luật, nghĩa là tôi kiểm soát luật bằng luật, rồi lại kiểm soát luật bằng luật, cứ như thế... mãi mãi.

Không. Rõ ràng có luật thôi chưa đủ. Vấn đề là phải tạo ra một thể chế như thế nào để luật có hiệu quả. Mà thể chế, thiết nghĩ, phải được xác lập trên cơ sở khoa học cũng như cơ sở minh bạch của hệ thống nhà nước!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.