"Bất ngờ" đời thơ Trinh Đường

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:29

Tất cả mọi người cùng cười ầm lên. Trinh Đường cũng cười to khi được T đọc lên câu thơ: "Tình yêu ta em nhỉ cũng lên nòng". T quay lại nói: “Chính câu thơ ấy là của anh. Hồi tôi biên tập thơ “Tình yêu và đồng đội” anh gửi đến, nhưng tôi không in”. Trinh Đường trố mắt: “Thơ của tôi à? Thơ của tôi mà thô thế à?”.

Dùng võ thay văn

Có một anh chàng nợ tiền nhà thơ Trinh Đường, sai hẹn đến mấy lần mà không trả. Trinh Đường lúc nào đến đòi nợ cũng dùng thái độ mềm dẻo và tình cảm của nhà thơ. Nhưng đòi lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… vẫn không được.

Hôm ấy, Trinh Đường đến đòi một lần nữa. Anh chàng kia đóng cửa, cài then và nói vọng ra:

- Khi nào tôi có tiền thì tôi trả! Ông đừng có léo nhéo điếc tai!

“À, mình dùng thái độ mềm dẻo đối xử với nó, nó không nghe, phải dùng biện pháp khác! Biện pháp gì bây giờ?” - Anh chợt nhớ ra là hồi nhỏ anh đi học võ Bình Định, suốt mấy chục năm trời say mê văn không dùng đến võ. Bây giờ phải dùng võ để đòi nợ! Trinh Đường đứng ngoài hành lang nói vào:

- Mày không mở cửa thì tao phá cửa tao vào! Tao có võ!

Anh chàng kia tưởng là Trinh Đường dọa thế thôi, chứ cái ông nhà thơ người gầy ẻo khoẻo như thế thì võ vẽ cái gì! Anh ta vẫn không chịu mở cửa.

Trinh Đường đứng ngay ở cửa sổ, cởi áo, giơ hai nắm tay săn như hai khúc gỗ, cốt để anh chàng kia thấy. Nhưng anh ta vẫn cóc cần. Trinh Đường đấm một phát rất mạnh làm rung cửa. Anh chàng kia đành phải ra mở cửa, và trả tiền cho Trinh Đường. Hắn nhũn nhặn xoa tay: “Bác bớt lại cho em một ít”.

Thơ của tôi à?

Hồi chiến tranh chống Mỹ, NXB Thanh Niên có in tập thơ “Tình yêu và đồng đội”. Trong khi tập hợp bài, anh T biên tập viên có nhận được một bài thơ của Trinh Đường. Nội dung bài thơ nói về một đôi trai gái đang ngồi tình tự gần trận địa pháo. Câu kết của bài thơ:

Tình yêu ta em nhỉ cũng lên nòng.

Gần mười lăm năm sau, trong khi một nhóm bạn thơ đang ngồi kể chuyện vui cho nhau nghe, T đem bài thơ của Trinh Đường ra đọc và đọc rất to câu kết:

Tình yêu ta em nhỉ cũng lên nòng.

Tất cả mọi người cùng cười ầm lên. Trinh Đường cũng cười to. T quay lại nói: “Chính bài thơ ấy, câu thơ ấy là của anh. Hồi tôi biên tập thơ “Tình yêu và đồng đội” anh gửi đến, nhưng tôi không in”. Trinh Đường trố mắt: “Thơ của tôi à? Thơ của tôi mà thô thế à?”.

Bắt uống mật ong để làm thơ

Thỉnh thoảng nhà thơ Trinh Đường lại rủ một số bạn thơ về các cơ sở để tìm hiểu thực tế đời sống và tổ chức đọc thơ, bình thơ cho quần chúng nghe. Trong các buổi đọc thơ, Trinh Đường ra lệnh mỗi nhà thơ đọc ít nhất hai bài: một bài đề tài tự do, một bài viết “tại trận” ca ngợi cơ sở đó.

Một lần, về nông trường Đồng Giao. Buổi chiều, đến đội trồng dứa, Trinh Đường nhắc đi nhắc lại: “Sáng mai, đọc thơ cho công nhân nghe ở hội trường lớn. Đúng tám giờ tối nay, sau bữa cơm, mỗi chú phải đọc cho tôi nghe một bài thơ về đề tài nông trường Đồng Giao”.

Răm rắp đúng tám giờ tối, tại phòng khách, mỗi người tự đọc bài thơ của mình vừa viết xong. Đến lượt Quang Huy, anh nhăn mặt, tay ôm bụng: “Thưa với Trinh đoàn trưởng là em đau dạ dày lắm, không thể viết được”. Trinh Đường nghiêm khắc:

- Chú phải viết được một bài về nông trường Đồng Giao, chú có đem theo thuốc đau dạ dày không?

Quang Huy lắc đầu:

- Em quên, không đem cavét.

Hai nhà thơ Vũ Đình Minh và Trần Nguyên Vấn đề xuất sáng kiến:

- Thưa với Trinh đoàn trưởng là nếu đau dạ dày mà uống mật ong thì cơn đau dịu ngay. Đề nghị Trinh đoàn trưởng lên gặp giám đốc nông trường xin một chai mật ong cho Quang Huy uống.

Trinh Đường tức tốc chạy đi xin mật ong mang về đưa cho Quang Huy: “Đêm nay chú phải uống mật ong để làm thơ. Khi nào làm xong bài thơ mới được đi ngủ”.

Không còn cách nào từ chối được nữa. Mọi người đã mắc màn ngủ, Quang Huy vẫn ngồi dưới ngọn đèn với một trang giấy, một cây bút và… một chai mật ong!

.
.
.