Bán lời khen

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:18

Có người thành lập công ty chửi người, còn tôi muốn xây dựng một công ty khen ngợi, chuyên cung cấp dịch vụ khen ngợi, tán thưởng, chỉ cần bạn bỏ ra mấy hào bạc (công nhân nghỉ việc, người thu nhập thấp và người tàn tật được hưởng ưu tiên giảm giá 50%), bạn sẽ được lời khen như ý bảo đảm đầy đủ chất lượng cao, số lượng nhiều.

Ai cũng muốn được người khác khen mình, giống như ai cũng thích những bông hoa tươi đẹp. Khen ngợi có thể trừ sự phiền não và thống khổ của một con người, có thể làm cho lòng người vui vẻ, cực kỳ có ích cho sức khỏe tâm hồn và thể xác của người được khen. Khen ngợi còn có thể làm cho người ta trở thành lạc quan, tràn đầy niềm tin đối với tiền đồ của mình, tương lai của mình… Khen ngợi ích lợi lắm lắm, tuy nhiên bạn muốn được khen ngợi đâu có dễ dàng. Thời đại cổ xưa, những người được khen ngợi, không là vua chúa tướng văn soái võ, thì cũng là tài tử giai nhân. Ngày nay, những người được ca tụng, khen ngợi, nếu không là những người làm quan, làm giám đốc, ông chủ, thì cũng là những nhà gì đó, như sao ca nhạc, sao điện ảnh, sao hài, sao bóng nọ bóng kia, v.v… Dân trăm họ thông thường chỉ có thân phận bị coi thường và thiệt thòi.

Tôi xây dựng công ty khen ngợi, là muốn đưa dịch vụ khen ngợi, ca tụng đặc thù ra thị trường, nhằm thỏa mãn nhu cầu khen ngợi của đông đảo dân thường trăm họ, làm cho những người hèn đớn, người nghèo khó, người không có mảy may thành tựu, những người xấu xí… đều được hưởng thụ sự khen ngợi như hưởng thụ bánh mỳ vậy.

Tôi tất bật liền mấy tháng, cuối cùng công ty khen ngợi cũng được khai trương. Khai trương không lâu, bèn có một ông trung niên khệ nệ cái bụng tướng quân dẫn con trai của ông ta đến công ty, yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ khen ngợi cậu quý tử mười tuổi của ông ta. Ông trung niên họ Tôn, là ông chủ một khách sạn. Ông chủ Tôn nói với tôi:

- Con trai tôi học ở trường suốt ba năm, song chưa được giáo viên khen một câu nào, thầy giáo nói con trai tôi là “gỗ mục không chạm khắc được”. Hôm nay, tôi dẫn con trai đến đây, anh biểu dương cháu mấy câu cho tôi!

- Những cháu nhỏ như con trai ông thế này, không thiếu ăn, không thiếu mặc, chỉ thiếu biểu dương. Con trai ông quá cần phải biểu dương, nếu lại không biểu dương thì thật sự trở thành “gỗ mục” mất. Ôi! Con trai ông rất ngoan ngoãn, xem ra rất thông minh. Ông xem, cháu có cái đầu rất to, to hơn đầu của nhà khoa học nổi tiếng Anhxtanh. Chịu khó bồi dưỡng, sau này chắc chắn có tiền đồ tươi sáng!…

Tôi tâng bốc mạnh con trai của ông chủ Tôn một hồi, lời khen của tôi làm cho ông chủ Tôn vô cùng hài lòng, lúc trả tiền, ông ta không nói câu thứ hai, quăng luôn cho tôi hai tờ bạc lớn một trăm nhân dân tệ (tương đương bốn trăm ngàn đồng tiền Việt Nam).

Vị khách hàng thứ hai của tôi là một bé gái xấu xí. Bé gái tỏ vẻ u buồn trầm uất, nói như khóc mếu:

- Cháu xấu xí, song cháu luôn muốn người khác nói cháu xinh đẹp, cháu càng muốn người khác nói cháu xinh đẹp, trong lòng cháu càng cảm thấy thống khổ.

- Vì sao cháu lại coi trọng vẻ đẹp bề ngoài như thế chứ? Cháu cần biết, vẻ đẹp bề ngoài không phải là vẻ đẹp vĩnh hằng, cái đẹp vĩnh hằng là cái đẹp bên trong. Xem ra, cháu là một cô gái có tấm lòng lương thiện, tính cách nhu mì, ngày nay những cô gái như cháu thực sự rất khó tìm, nếu như tôi chưa có vợ, nhất định tôi sẽ yêu em!…

Tôi nói như vậy, làm cho cô bé đỏ mặt. Sau đó, cô bảo tôi rằng tôi là người đầu tiên nói yêu cô.

Vị khách thứ ba của tôi là một bà già mặt mày nhăn nheo, sau khi ngồi xuống, bà ta nói với tôi, thời trẻ bà rất xinh đẹp, vô khối người theo đuổi bà, họ suốt ngày quấn lấy bà, khen bà đẹp như nữ thần. Bà già thở dài thườn thượt nói:

- Nay tôi già rồi, không có ai khen tôi đẹp nữa, tôi đến chỗ anh, là muốn được anh khen đẹp, khiến cho tôi được cảm thụ lại niềm vui được người đời ngợi khen.

- Bà nói bà già rồi, đúng thế, bà đã già rồi, nhưng già thì làm sao nào? Người trẻ có vẻ đẹp của người trẻ, người già có vẻ đẹp của người già, bà có vẻ đẹp của người già như ánh tịch dương, nếu như bà đi tham gia cuộc thi hoa hậu người già, nhất định có thể đoạt danh hiệu hoa hậu!…

Tôi nói đến đây, bà già bèn cười, cười rất hả hê, y hệt như bà đoạt được danh hiệu hoa hậu thật.

Vị khách thứ tư của tôi, đeo cặp kính cận thị, cơ thể gầy nhom, lúc đầu tôi ngỡ anh ta là một trí thức, nhưng sau khi hỏi anh ta, mới biết anh ta là công nhân một nhà máy. Anh ta bảo tôi:

- Nhà máy chúng tôi không lớn, chỉ có hơn một trăm người. Giám đốc nhà máy tôi rất hung dữ, động một tí là mắng người. Ở trong nhà máy, tôi bị giám đốc mắng, về đến nhà lại bị vợ mắng. Vợ tôi bảo tôi cù lần như nông dân ở nhà quê. Cô ta lấy tôi là sai lầm lớn nhất mà cô ta phạm phải trên đời này.

- Vợ anh coi thường anh, nhưng anh không nên coi thường mình. Trên thế giới này có thể không có những minh tinh chói sáng, nhưng không thể không có những người công nhân làm việc và những người nông dân làm ruộng, điều đó cũng giống như một người có thể không có đồ trang sức vàng bạc đeo trên người, nhưng không thể không có hai tay và hai chân vậy!…

Vị khách hàng thứ năm…

Sau khi công ty khen ngợi khai trương, kinh doanh rất phát đạt, mà tôi hãnh diện là một chuyên gia khen ngợi, người như thế nào muốn được ca ngợi như thế nào, tôi tự cho rằng tôi rất hiểu, hiểu rất rõ ràng.

Một buổi chiều nọ, tôi nhận được một cú điện thoại, đấy là một phụ nữ gọi đến, bà ta nói ồm ồm trong điện thoại rằng:

- Tôi là một phụ nữ có chồng. Trước khi cưới, chồng tôi suốt ngày nói những câu dễ nghe với tôi. Sau khi kết hôn, chồng tôi bèn thay đổi dần dần, đến nay tôi có đối xử tốt đến mấy với anh ta, cũng không được một lời khen của anh ta. Tôi muốn anh thay thế chồng tôi, đến chỗ tôi và chồng tôi gặp mặt lần đầu tiên cũng chính là ngôi đình giữa hồ ở công viên Thúy Hồ, nói với tôi những lời mà làm cho người ta cảm thấy hài lòng. Nếu như anh đồng ý tôi sẽ trả tiền gấp nhiều lần.

Tôi không từ chối yêu cầu đặc thù mà khách hàng nêu ra. Đúng thời gian ước hẹn, tôi đến ngôi đình giữa hồ ở công viên Thúy Hồ. Tôi không tài nào ngờ rằng, người đang đợi chờ tôi ở đình giữa hồ lại chính là vợ tôi…

Vũ Phong Tạo (dịch)
.
.
.