Ai người sợ tiếng... vỗ tay?

Thứ Sáu, 03/06/2005, 07:54
Nhanh trí, Nguyễn Việt Chiến đã rút gọn đoạn dẫn của mình bằng câu “và còn nhiều nhà thơ khác nữa” khiến các đại biểu cười ồ. Nhân đó, anh tranh thủ đọc thêm được một đoạn nữa trước khi chuyển nhanh sang kết bài.

Không hẳn như ai đó nhận xét “Các nhà văn thường ít chịu nghe nhau”, sự thực thì nghe vẫn nghe, thậm chí nếu thích, họ có thể tặng nhau một tràng vỗ tay nữa. Song thế nào để được họ thích, họ lắng nghe với một thiện ý, kể cũng không dễ đoán biết một khi ai đó đang cao hứng trên diễn đàn.

Và thế là, để tránh bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười là đang phát biểu thì bị vỗ tay nửa chừng (với hàm ý: mời xuống), tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa rồi, nhiều nhà văn ta đã phải tìm kiếm những cách nói khá... ngộ nghĩnh, ấn tượng, cốt sao “cù” được các đại biểu. Như thế mới mong họ “mát tính” hơn và có điều gì không nên không phải thì cũng sẵn sàng “bỏ quá” cho nhau.

Với tâm thế của một “con chim trúng nỏ sợ cành cây cong”, trước khi vào bài tham luận, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã phải khẩn khoản: “Bài viết vòng vo khá dài, xin đề nghị mọi người không...vỗ tay đuổi xuống, kẻo lớp trẻ cười cho”. Không dừng ở đây, trong quá trình thể hiện bài tham luận, Trần thi sĩ còn trổ hết tài... ngâm thơ, truyền hịch, lúc lên bổng, khi xuống trầm, làm cho hội trường như lạc vào một mê hồn trận và thế là cuối cùng ông cũng đọc được trọn vẹn bài tham luận dài dặc của mình mà không gặp phải một sự cố nào.

Nữ nhà thơ Thu Nguyệt cũng “thoát hiểm” nhờ trước khi mở màn bài phát biểu có phần “ngây thơ” của mình, chị đã ỏn ẻn giải thích một cách rất... thật thà: “Tôi cần có tham luận vì tôi đi dự đại hội bằng tiền của Nhà nước”, khiến cả hội trường phải bật cười.

Khác với trường hợp của hai nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Thu Nguyệt, nhà văn Ông Văn Tùng chỉ đăng ký phát biểu... vo. Thường thường, xác suất bị vỗ tay mời xuống trong những trường hợp này là khá cao, cho nên trước khi phát biểu, ông phải “hắng giọng” bày tỏ nỗi niềm: “Năm nay tôi bảy mươi tuổi, đại hội VIII chắc gì đã dự được. Ngay như hôm nay, khi chúng ta ngồi đây thì có một đồng nghiệp của chúng ta đang hấp hối trên giường bệnh. Bởi vậy tôi nghĩ, tốt nhất tôi cứ nói trước đi, kẻo sau này không kịp”. Thôi thì, trưởng lão đã có lời vậy, các nhà văn ta cũng chẳng hẹp hòi gì…

Rút kinh nghiệm từ lần tán dông tán dài trước khi thông báo kết quả bầu BCH (khiến anh em phải vỗ tay phản đối), buổi chiều hôm kết thúc Đại hội, nhà văn Lê Thành Chơn đã lên thông báo kết quả bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội bằng một câu nói khiến các đại biểu phải phá lên cười, hài lòng: “Tôi là người lính bảo gì làm nấy. Lúc nãy các anh đuổi tôi xuống, tôi xuống. Nay các anh bảo tôi đọc, tôi đọc”.       

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi phát biểu khẳng định “như đinh đóng cột” rằng thơ trẻ Việt Nam sau 1975 vượt hơn thơ của các tác giả có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân đã khiến nhiều “cụ” ngồi dưới “ngứa ngáy”. Đến khi anh “lia một băng” tới hàng trăm cái tên tác giả trẻ mà anh cho là rất xứng danh thì lập tức bị các bậc trưởng lão “phát hiện” ra và họ “ngắt” ngay bởi... một tràng vỗ tay. Nhanh trí, Nguyễn Việt Chiến đã rút gọn đoạn dẫn của mình bằng câu “và còn nhiều nhà thơ khác nữa” khiến các đại biểu cười ồ. Nhân đó, anh tranh thủ đọc thêm được một đoạn nữa trước khi chuyển nhanh sang kết bài.

Nhà thơ Trần Anh Thái có một tham luận đọc trước Đại hội cũng được nhiều người xem là khá “động chạm” (nhất là đối với các nhà văn cao tuổi). Tuy nhiên, sau khi buông ra câu nhận xét: “Nhìn ở Đại hội này, tôi rất buồn vì thấy đa phần là các gương mặt già nua. Phải gọi Đại hội này là Đại hội của các nhà văn 60” thì ngay sau đó, anh đã khiến các đại biểu phải cười nghiêng ngả bởi cái... điều tra xã hội học “Người trẻ nhất tham dự Đại hội là Nguyễn Ngọc Tư cũng qua thì xuân xanh rồi”. Mặc dù “thoát hiểm” vậy song khi Trần Anh Thái rời diễn đàn, những tiếng vỗ tay cất lên thật thưa thớt. Nó càng thêm lần chứng tỏ nhận định anh đưa ra là đúng: Số đại biểu trẻ có mặt tại Đại hội này cũng chẳng là bao.

Tất nhiên, bên cạnh những đại biểu may mắn được nói trọn lời, vẹn ý tại Đại hội như thế thì cũng có không ít các đại biểu phải chịu cảnh “nửa đường đứt gánh” khi mà những tràng vỗ tay cất lên nửa chừng đặt dấu chấm hết cho những phát biểu dở dang của họ. ấy là trường hợp của nhà thơ Hà Lâm Kỳ (đoàn Yên Bái). Trong khi chờ kết quả bầu BCH (vòng 2), nhà văn này đã dành khá nhiều thời gian để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mình đang sinh sống, về đặc điểm vị trí địa lý của nó (thay vì nói sâu về những vấn đề đang đặt ra với nền văn học hiện nay), khiến cho Đại hội phải sốt ruột vỗ tay mời xuống mặc dù bài tham luận chưa kết thúc. 

Kể thêm ví dụ này để thấy, phát biểu trước 500 nhà văn mà không gặp phải những tràng vỗ tay mời xuống nửa chừng là một điều không đơn giản
Phạm Khải
.
.
.