Từ nguyên đơn phiên toà dân sự thành bị can vụ “tín dụng đen”

Thứ Bảy, 19/09/2020, 08:20
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hiền (SN 1972) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đáng chú ý, vụ án được phát giác từ phiên toà dân sự, HĐXX trong quá trình xét xử vụ kiện đã nhận thấy hành vi có tính chất tội phạm và chuyển cơ quan điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 24-12-2019, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Hiền (SN 1972, trú tại tổ 15, khu 7, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thịnh Đạt Phú Thọ và bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh (SN 1975, trú tại phố Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) - Giám đốc Công ty Thịnh Đạt phải thực hiện nội dung đã ký kết tại bản Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 02-2019/HĐCN ngày 10-1-2019.

Sau khi nhận đơn và thụ lý vụ án, TAND tỉnh Phú Thọ tiến hành nghiên cứu, xác minh thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ và quyết định mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp" nói trên vào ngày 5-2-2020. Tuy nhiên, phiên tòa bị tạm hoãn do phía bị đơn xin hoãn. Sau đó Tòa quyết định mở lại phiên xét xử vào ngày 10-7-2020.

Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hiền.

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 10-7-2020, nguyên đơn Phạm Thị Hiền cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp. Cụ thể, trong biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Thịnh Đạt Phú Thọ (ngày 9-1-2019) có nội dung: “Công ty Thịnh Đạt Phú Thọ đồng ý cho bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty cho bà Phạm Thị Hiền và ông Bùi Trường Thắng (chồng bà Hiền). Công ty Thịnh Đạt giao cho bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh có trách nhiệm thông báo, đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển nhượng góp vốn, đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển nhượng góp vốn hợp pháp tại Công ty Thịnh Đạt cho bà Hiền và ông Thắng”.

Ngày 10-1-2019, tại trụ sở Công ty Thịnh Đạt, bà Thanh ký Hợp đồng số 02-2019/HĐCN, chuyển nhượng 30% vốn góp (giá trị 4 tỷ đồng) tại Công ty Thịnh Đạt cho bà Hiền và ông Thắng. Cùng ngày, bà Thanh viết thêm Giấy chuyển nhượng cổ phần với nội dung: "... Chậm nhất đến ngày 10-7-2019 tôi phải hoàn thành thủ tục sang tên và thông báo cho các cơ quan chủ quản. Vì thủ tục chuyển nhượng quyền khai thác từ Công ty Tân Tiến sang Công ty Thịnh Đạt chưa hoàn tất nên tôi viết giấy này làm bằng chứng sau khi hoàn thiện thủ tục theo pháp luật".

Tham dự phiên tòa với vai trò là người đại diện ủy quyền của bà Thanh là ông Trần Đức Thọ cho rằng, hồ sơ và tài liệu mà bà Hiền giao nộp cho Tòa để khởi kiện là hoàn toàn ngụy tạo. Ông Trần Đức Thọ cáo buộc bà Hiền câu kết với một nhóm người là ông Lê Quyết Thắng (Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân phường Gia Cẩm, TP Việt Trì), ông Hoàng Quốc Xạ (khu 11, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen. Khi cho vay, sử dụng nhiều thủ đoạn để dồn “con nợ” vào hoàn cảnh khó khăn rồi tổ chức thực hiện hành vi siết nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty Thịnh Đạt và của bà Thanh.

Hành vi cho vay nặng lãi của bà Hiền và ông Thắng được thể hiện với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, tin nhắn điện tử, băng ghi âm (đã được lập vi bằng tại Công ty Thừa phát lại Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cụ thể bà Hiền và ông Thắng đã cho bà Thanh vay lãi 3.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, tức lãi suất trên 30%/tháng. Đồng thời cho biết bà Thanh đã gửi đơn tố giác tội phạm và đề nghị khởi tố vụ án hình sự tới Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ.

Sau khi thảo luận, HĐXX quyết định hoãn phiên nghị án, sau đó TAND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 92/2020/CV-TA ngày 13-7-2020 gửi Công an tỉnh Phú Thọ để xác minh và đề nghị phối hợp giải quyết vụ ántrên. Ngày 22-7-2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ có Công văn số 1349 trả lời TAND tỉnh Phú Thọ và xác nhận nội dung của vụ việc. Đến ngày 11-9, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thị Hiền về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 2, Điều 201, Bộ luật hình sự.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, sau khi nhận thức được hành vi của bà Phạm Thị Hiền có dấu hiệu tội phạm hình sự về việc cho vay nặng lãi, bà đã gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Phú Thọ. Trong đơn tố cáo, bà Thanh trình bày, đầu năm 2019, Công ty Thịnh Đạt rơi vào tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu thốn về kinh phí. Thông qua môi giới, bà Hiền đã liên hệ và bàn bạc, thỏa thuận cho vay tiền phục vụ công ty.

Biết bà Hiền có nhiều mối quan hệ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ nên bà Thanh tin tưởng nghe theo. Khi vay tiền, bà Hiền yêu cầu phải thế chấp công ty và để ông Lê Quyết Thắng đứng ra làm thủ tục thế chấp. Hình thức là lập hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giả tạo cho ông Thắng (chỉ làchuyển nhượng hình thức). Cũng theo bà Thanh, nếu không trả nợ đúng hạn hoặc khó khăn không trả được nợ thì hợp đồng giả tạo này sẽ được sử dụng để “gán nợ” là vốn góp tại công ty cho bà Hiền và ông Thắng.

Thực chất, ông Thắng và bà Hiền đã bắt tay nhau lấy vốn của Quỹ tín dụng cho vay lãi suất rất cao (nếu tính theo năm là 360%/năm). Sau đó, ông Thắng và ông Xạ lại thông đồng với nhau làm thủ tục bán cổ phần của Công ty Thịnh Đạt, thủ tục có công chứng tại Phòng công chứng Số 1 tỉnh Phú Thọ (ngày 8-6-2019)…

Như vậy, trong vụ án này, Phạm Thị Hiền từ nguyên đơn trong phiên tòa dân sự đã trở thành bị can vụ án hình sự. Qua công tác xét xử vụ án dân sự, HĐXX đã nhận thấy dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ đến cơ quan CSĐT thụ lý theo thẩm quyền. Từ đây, nguyên đơn lộ diện là tội phạm vụ án tín dụng đen.

Nguyễn Thành
.
.
.