Thu hồi sổ hộ khẩu, công dân sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân thực hiện các giao dịch

Thứ Năm, 15/04/2021, 07:45
Vì sao phải thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 1/7 tới đây? Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi, nếu thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến thông tin về cư trú, công dân sẽ sử dụng giấy tờ gì?


Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1/7 khi Luật có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. 

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở sữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Từ 1/7 tới đây, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi khi công dân thay đổi thông tin về cư trú.

Trả lời câu hỏi vì sao phải thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/7 tới đây, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, do thông tin của cư dân trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã khác so với thông tin thực tế của công dân nên chúng ta phải thu hồi. Nếu không thu hồi, công dân vì lý do nào đó vẫn sử dụng thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn chính xác sẽ ảnh hưởng đến kết quả của những giao dịch cũng như những người có liên quan.

Lúc này, thông tin về cư trú của cư dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do vậy những giao dịch của cư dân có liên quan tới thông tin về cư trú sẽ được sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đi làm các thủ tục hành chính, theo quy định, công dân sẽ sử dụng mã định danh cá nhân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công dân có thể cập nhật trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp những thông tin của mình có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mã số định danh cá nhân chính là số căn cước công dân và số chứng minh nhân dân 12 số.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng đã được ấn nút khai trương từ ngày 25/2 vừa qua và sẵn sàng kết nối chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong trường hợp công dân đi làm các giao dịch hành chính sử dụng thông tin về cư trú mà các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân có thể đề nghị cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp thông tin về cư trú theo quy định của pháp luật để họ cơ sở để thực hiện các giao dịch.

Tại Khoản 3, Điều 8 Luật Cư trú năm 2020 đã có quy định cụ thể như sau: Công dân có quyền được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu. Như vậy, công dân không chỉ đến nơi mình cư trú mà còn có thể đến tất cả các cơ quan đăng ký cư trú trên cả nước để xác nhận thông tin về cư trú.

Hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố.

Nguyễn Hương
.
.
.