Chuyện xử lý tiếng ồn karaoke loa kéo:

Sớm điều chỉnh quy định pháp luật, tránh tình trạng cha chung… không ai khóc

Thứ Ba, 21/07/2020, 08:03
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn bởi loa kéo giống như “tra tấn” người dân ở nhiều khu dân cư đã được đưa ra tranh luận tại kỳ họp thứ 20 HĐND khóa IX của TP HCM.

Qua tranh luận mới thấy có nhiều sở, ngành cùng có trách nhiệm trong việc này, nhưng cũng chính vì “cha chung” nên không… ai khóc. Hậu quả là đã xảy ra nhiều án mạng liên quan đến tình trạng karaoke loa kéo.

Như vụ án mạng xảy ra tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào trung tuần tháng tư vừa qua, nguyên nhân từ hát karaoke bằng loa kéo trong lúc nhậu. Còn ngày 15-7 vừa qua, hai người tại quán nhậu trên địa bàn phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã bị một người đâm trọng thương cũng vì karaoke loa kéo. 

Công bằng mà nói, từ khi xuất hiện karaoke loa kéo, nạn ô nhiễm tiếng ồn đã trở nên kinh khủng và gây stress, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân khắp mọi nơi, từ vùng quê đến thành thị. Tất nhiên, nguyên nhân không phải cái loa mà do ý thức của người sử dụng. 

Do thiếu kiên quyết xử lý từ cơ quan quản lý nên nhiều người dân vẫn liên tục bị karaoke loa kéo “hành hạ”. Nhiều nơi, tiếng ồn từ loa kéo phát ra từ sáng đến tối, người dân muốn chút yên tĩnh để nghỉ ngơi cũng không được, học sinh muốn yên tĩnh để học bài ôn thi cũng bị tra tấn.

Tôi gặp chị Nguyễn Hồng P., (ở đường Phạm Văn Sáng, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) khi chị đang đưa con trai đi thi vào lớp 10 tại một điểm thi trên địa bàn huyện. Chị P. kể ở gần nhà chị có mấy dãy nhà trọ. “Hầu như chiều nào một số người ở trọ cũng tổ chức ăn nhậu rồi hát karaoke, thứ 7 và chủ nhật thì hát từ sáng đến đêm. Ảnh hưởng rất nhiều đến việc học bài của con tôi và một số học sinh gần đó. Người dân có báo trưởng ấp đến nhắc nhở, nhưng chỉ ngừng hát được vài hôm họ lại ăn nhậu và hát hò”, chị P. cho biết.

Còn tại hẻm 11, đường Thới Hoà, xã Vĩnh Lộc A cũng không kém phần ầm ĩ từ tiếng karaoke loa kéo. Cứ chiều đến, một số người ở nhà trọ tại đây lại nhậu và hát karaoke ở trên con hẻm. Còn vào thứ 7 và chủ nhật, từ sáng đến tận khuya, người dân xung quanh đây bị “tra tấn” từ tiếng la hét của những giọng ca đầy hơi men. 

Người dân phản ánh đến trưởng ấp, được nhắc nhở, những người này không dừng, mà dời ra khu đất trống cách đó hơn 100 mét và tiếp tục hát. Một số người hát chán thì tụm lại đánh bài ăn tiền công khai ngay tại con hẻm. Chính quyền xã có đến nhắc nhở nhưng đâu lại vào đấy. Bị stress vì tiếng ồn nhưng nhìn một số thanh niên ở đây xăm trổ đầy mình nên người dân cũng sợ và không muốn “dây” vào.

Đối tượng Phạm Văn Quốc bị bắt về hành vi dùng kéo đâm trọng thương hai người tại quán nhậu ở Bình Dương.

Cũng tại khu vực này cách đây ít lâu đã xảy ra án mạng từ việc hát karaoke loa kéo. Hai nhóm đều ăn nhậu và đưa karaoke loa kéo ra hát, hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Đối tượng Nguyễn Anh Quốc (26 tuổi, ngụ quận 8) dùng kéo đâm anh N.V.T (41 tuổi, quê Cà Mau) hai nhát vào lưng dẫn đến tử vong. Ngày 15-6 vừa qua, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên mức án cao nhất đối với bị cáo Quốc về tội “giết người”.

Hậu quả đáng tiếc không ít nhưng việc xử lý vấn đề này còn nhiều bất cập. Theo Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao (VH-TT) TP HCM Huỳnh Thanh Nhân, trách nhiệm xử lý vấn đề tiếng ồn thuộc về nhiều cơ quan. Ông Nhân cho biết, Nghị định 155 của Chính phủ thì Sở VH-TT không có chức năng đo tiếng ồn mà phải ký hợp đồng với đơn vị chức năng để đo làm căn cứ xử lý. 

Nghị định này quy định trách nhiệm xử lý tiếng ồn thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Trong khi đó, theo Nghị định 167, lực lượng Công an cũng có thẩm quyền xử phạt tiếng ồn. Theo ông Nhân, xử lý tiếng ồn tại địa bàn dân cư là trách nhiệm của chủ tịch và trưởng Công an phường, xã. 

Như vậy, có hai văn bản của Chính phủ quy định cho các lực lượng khác nhau xử lý về tiếng ồn. Nghị định 167 được ban hành năm 2013, có những bất cập như cho phép kiểm tra từ 10h đêm đến 6h sáng về tiếng ồn, nhưng ngành chức năng không có kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân) cho biết: “Theo quy định, chỉ cho phép kiểm tra xử lý liên quan đến tiếng ồn từ 10h đêm đến 6h sáng. Phường phải đi thuê đơn vị độc lập để đo tiếng ồn, điều này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi cơ quan chức năng đưa máy đo đến nơi thì họ nghỉ hát”.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố xử lý hơn 40 vụ liên quan đến tiếng ồn karaoke loa kéo, mức phạt từ 100 - 300 ngàn đồng. Với mức phạt này quá nhẹ, không có tính răn đe, so với giá đi thuê đơn vị đo tiếng ồn thì “lỗ”.

Chính thực trạng này mà tệ nạn từ karaoke loa kéo vẫn cứ diễn ra tràn lan, gây bức xúc, ức chế trong nhân dân. Anh Lê Hoài Nam ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết: “Bản thân tôi nhiều lần không chịu nổi tiếng ồn của việc hát karaoke nên đã góp ý với hàng xóm nhưng họ viện đủ lý do nói là giải trí, tình trạng hát karaoke vô ý thức vẫn diễn ra liên tục, không chấp nhận được”. Anh Nam cũng đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp xử lý phạt thật nặng để mọi người tôn trọng và có ý thức về việc hát karaoke, không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. 

Ông Nguyễn Thanh Nhất ở phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, bức xúc nói: “Bạn đi làm về tranh thủ nghỉ trưa, rồi cuối tuần nữa mà hàng xóm cứ hú, hét vào tai bạn bất kể giờ nào, ngày nào, liên tục như vậy thì liệu rằng bạn có bị stress không? Đến lúc nào đó bạn thiếu kềm chế thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng các sở, ngành, quận, huyện đang lúng túng về trách nhiệm trong việc xử lý tiếng ồn, cụ thể là karaoke loa kéo. Để không xảy ra án mạng mà nguyên nhân từ karaoke loa kéo, cần quy định mức xử phạt nặng hơn mới đủ tính răn đe; đồng thời Mặt trận Tổ quốc sẽ là nơi tiếp nhận phản ánh của người dân về việc gây tiếng ồn, nếu nơi nào để người dân phản ánh nhiều mà không giải quyết thì lãnh đạo địa phương đó phải nhận hình thức xử lý.
Nhân Sơn
.
.
.