Những chính sách có hiệu lực từ tháng 12-2019

Thứ Ba, 03/12/2019, 07:48
Trong tháng 12-2019, nhiều chính sách mới liên quan đến các lĩnh vực hành chính, giao thông, cán bộ - công chức, học sinh - sinh viên… chính thức có hiệu lực.

1. Phạt đến 2 tỷ đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Đó là nội dung của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đã được Chính phủ ban hành, chính thức có hiệu lực từ 1-12. Theo đó, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

2. Công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở

Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12.

Vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn gồm huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp… đặc biệt khó khăn.

Theo đó, phụ cấp thu hút được tính bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm. Phụ cấp hằng tháng được tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc.

3. Sửa đổi quy định thu tiền sử dụng đất

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực từ 10-12. Về ghi nợ tiền sử dụng đất, nghị định quy định, hộ gia đình, cá nhân được trả nợ dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 5 năm này.

Trường hợp sau 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.

4.  Từ 31-12, đổi ngoại tệ tại tổ chức không được phép có thể chỉ còn bị phạt cảnh cáo

Tại Nghị địnhsố 88/2019/NĐ-CPquy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được Chính phủ ban hành vừa qua, mức phạt đối với hành vi mua, bán, trao đổi ngoại tệ tại các tổ chức không được phép thu đổi đã được quy định rõ ràng hơn.

Theo đó, từ 31-12, đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, mức phạt đối với hành vi này sẽ phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Cụ thể: Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) mà tái phạm, vi phạm nhiều lần;  Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

5. Được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp thẻ căn cước công dân

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BCA ngày 4-3-2016 của Bộ Công an quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD).

Theo đó, từ ngày 1-12, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai CCCD theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến) hoặc in Tờ khai CCCD mà công dân đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên. Cán bộ tiếp công dân đối chiếu thông tin trên Tờ khai CCCD với thông tin trên các giấy tờ công dân xuất trình.

Nếu thông tin kê khai đúng quy định thì tập hợp thành hồ sơ và thực hiện theo quy định. Nếu thông tin kê khai không đúng quy định thì hướng dẫn công dân kê khai lại Tờ khai CCCD. Như vậy, so với quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BCA, công dân được kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp thẻ CCCD.

Nguyễn Hương
.
.
.