Những chính sách có hiệu lực từ tháng 1-2018

Thứ Hai, 01/01/2018, 14:32
Kể từ ngày 1-1-2018, nhiều chính sách mới của Đảng và Nhà nước chính thức có hiệu lực...

1. Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 141/2017/NQ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động theo hợp đồng lao động, từ 1-1, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 3.980.000 đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3.530.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; Mức 3.090.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; Mức 2.760.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. 

2. Định mức ăn người bị tạm giam là 17kg gạo tẻ loại trung bình/ tháng

Nghị định số 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 1-1.

Về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Nghị định quy định như sau: Định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm 17kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5kg đường loại trung bình, 15kg rau, 0,7kg thịt, 0,8kg cá, 1kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than, 45kw/h điện, 3m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống, sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam…

3. Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

Có hiệu lực từ 1-1, Nghị định số 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được quyền khai thác dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.

Việc khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có thẩm quyền phê duyệt; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.

4. Chế độ báo cáo định kỳ về điều tra hình sự

Nghị định số 128/2017/NĐ-CP quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự, có hiệu lực từ 1-1. Theo đó, báo cáo về điều tra hình sự gồm: Báo cáo định kỳ; báo cáo về vụ, việc và báo cáo chuyên đề. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể báo cáo định kỳ về điều tra vụ án hình sự theo một trong các khoảng thời gian là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm.

5. Thủ tục nộp tiền để đảm bảo thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Từ 1-1, theo Nghị định số 115/2017/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp, mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

6. Chính sách thu hút, đào tạo cán bộ trẻ

Có hiệu lực từ 20-1, theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, đối tượng áp dụng quy định này là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc trong nước hoặc nước ngoài và người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú.

7. Linh kiện ô tô nhập khẩu áp dụng mức thuế 0%

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, từ 1-1, các linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm hàng 98.49 sẽ áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 0%.

8. Bổ sung trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, từ 1-1, người nhận chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 1-7-2014 trở đi và tiếp tục thực hiện dự án sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất cho thời gian còn lại của dự án nếu: Bên chuyển nhượng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất; bên chuyển nhượng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước ngày 1-7-2014.

9. Trợ giúp viên pháp lý hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% lương
Có hiệu lực từ 1-1, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có chế độ, chính sách đối với trợ giúp viên pháp lý.

Cụ thể, trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).

Ban PL-BĐ
.
.
.