Người làm xuất bản “tá hỏa” vì một số điều trong Bộ luật Hình sự 2015

Thứ Bảy, 23/07/2016, 08:01
Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 bị Quốc hội chính thức hoãn thời gian thi hành do có nhiều lỗi cần sửa chữa, Hội Xuất bản Việt Nam có công văn đề nghị các chi hội cả nước, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đề xuất những kiến nghị cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động in, xuất bản, phát hành.


Đi cùng với sự quan tâm tìm hiểu kỹ và sâu hơn, hầu hết những người trong giới xuất bản đều tá hỏa trước những quy định điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hoạt động xuất bản trong Bộ luật mới này và đồng loạt kiến nghị nhiều nội dung đến Hội Xuất bản TP Hồ Chí Minh trong ngày 21-7.

 Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, là người từng được đào tạo về luật, bà thực sự bất ngờ vì không nghĩ hoạt động xuất bản lại được điều chỉnh bởi những quy định chỉ nặng về định lượng mà thiếu định tính như trong Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, trong khoản 3, Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định người phạm tội bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu làm chết 2 người trở lên.

Đây là điều vô cùng phi lý và người xây dựng Bộ luật đã không đánh giá được tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Lý do là làm hàng giả có thể không phát tác ngay sau khi sử dụng mà hậu quả có khi để lại rất lâu dài. Nếu làm chết người, chỉ cần làm chết 1 người thì chắc chắn đã phạm tội nghiêm trọng rồi.

Bà Hồng Vân, đại diện Chi nhánh Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc đưa hoạt động xuất bản vào điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự 2015 là cần thiết.

Tuy nhiên, nội dung các quy định điều chỉnh đối với hoạt động xuất bản thì còn nhiều điều cần sửa đổi thì mới có thể đi vào cuộc sống. Trong đó, Điều 344, tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản đã hình sự hóa cả các hoạt động mà xưa nay vốn là quy trình của hoạt động xuất bản.

Trong đó quy định người không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 2 năm là chưa phù hợp.

Bà Hồng Vân cũng đề nghị, cần xác định phạm vi điều chỉnh cụ thể, giới hạn lại là các hoạt động có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước. Nếu không, người làm xuất bản sẽ rất e dè.

Ông Dương Thanh Hoài, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam khẳng định, nên bỏ hẳn Điều 344 vì nhiều quy định vô lý. Xưa nay, quy định về biên tập, duyệt bản thảo tùy thuộc vào từng đơn vị làm xuất bản.

Nếu xử phạt người làm xuất bản vì không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm thì cần xác định đây là quy định biên tập và duyệt bản thảo của Nhà nước hay nhà xuất bản. Đây cũng là quy định khiến người làm xuất bản, biên tập nản lòng. Bởi, trong quá trình biên tập, chuyện sai sót là không hiếm.

Giả sử có 10 mục biên tập, người biên tập chỉ sơ sót bỏ một mục, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bản thảo nhưng như thế vẫn là vi phạm quy định về biên tập, duyệt bản thảo, có thể bị phạt tù. Nếu làm biên tập, làm sách mà dễ bị đi tù như thế thì không ai dám sống chết với nghề...

Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội Xuất bản TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng cho biết, hội sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp, tổng hợp thành văn bản gửi về trung ương hội để Hội Xuất bản tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng liên quan.

Ngọc Nguyễn
.
.
.