Không đưa quyền im lặng vào luật để tránh lạm dụng

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:16
Điều này được nhiều đại biểu thống nhất khi cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức trong 2 ngày 30 và 31/3. Chốt lại vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, không đưa quyền im lặng vào luật là phù hợp thực tiễn nước ta.

Quyền im lặng không phù hợp điều kiện thực tiễn nước ta

Quyền im lặng được xem là “điểm nóng” xung quanh dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Trong khi cơ bản các ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam thì thời gian qua, một số quan điểm vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, đưa quyền im lặng vào luật để đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo.

Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, nếu đưa quyền im lặng vào luật sẽ rất khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, cần phải xem xét quy định này một cách thấu đáo, công bằng

Thứ trưởng Lê Quý Vương đề xuất nên quy định theo hướng nghi can có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến chứ không bị ép buộc đưa ra lời khai bất lợi cho mình hoặc bị ép buộc nhận có tội. 
Nhiều ý kiến đề nghị không đưa quyền im lặng đối với bị can, bị cáo vào luật.

“Anh được bảo vệ quyền lợi nhưng cũng phải tôn trọng lời khai, chứ chém, giết người mà đưa vào cơ quan điều tra lại im lặng mấy ngày chờ luật sư đến theo đúng luật thì không ai làm được” – Thứ trưởng viện dẫn. Bổ sung điểm này, Viện trưởng Viện VKSD Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, trong luật của nhiều nước và Công ước Liên Hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị của con người thì người ta gọi đây là “quyền không buộc ra lời khai chống lại mình”. 

Theo Viện trưởng, nếu nghi can im lặng không khai về tội của mình thì đó là một lẽ, song anh ta im lặng không khai về đồng phạm thì lại là tình tiết tăng nặng, thậm chí còn có thể bị truy tố thêm tội không tố giác tội phạm. Từ thực tiễn công tố, ông đề nghị không nên quy định trong luật là “quyền im lặng” vì dễ khiến người ta hiểu lầm là bị can, bị cáo có quyền im lặng không khai báo gì, cứ mặc nhiên im lặng. Làm như vậy sẽ làm khó cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, xử lý tội phạm.

Từ các ý kiến tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, Ủy ban thống nhất không nên đưa nội dung “quyền im lặng” vào dự thảo luật. 

Ông nói, đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó cũng có những ý kiến ủng hộ đưa quyền im lặng vào luật và viện dẫn các luật pháp một số nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn luật pháp nước ta cho thấy, có thể quy định người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến của mình và họ không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại mình, không ép buộc phải nhận tội. Song cần thấy rõ, luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng không khuyến khích im lặng, do đó không cần đưa quyền im lặng vào luật.

Ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp là không cần thiết

Một trong những quy định của dự thảo nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại phiên thẩm tra là đề xuất bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình trong khi hỏi cung bị can. Theo cơ quan soạn thảo, đây là quy định thiết thực nhằm chống bức cung, nhục hình, mớm cung, giảm oan sai trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến của nhóm nghiên cứu cho rằng quy định này áp dụng trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.

Về vấn đề này, Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nhìn nhận các vụ oan sai không chiếm tỷ lệ lớn song vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận oan, sai một cách thấu đáo. Quy trình hỏi cung có bản tường trình, người hỏi cung, ghi lời khai đều yêu cầu bị can đọc lại, công nhận là đúng; có luật sư ngồi bên cạnh và toàn bộ quá trình điều tra đều được VKS giám sát chặt chẽ. Đó là những chế tài đảm bảo tính minh bạch và nghiêm túc. 

Hiện nhà tạm giam, tạm giữ có lắp camera theo dõi và dù không yêu cầu nhưng điều tra viên vẫn ghi âm và ghi hình, đặc biệt là những vụ án phạm tội có tổ chức hoặc có dấu hiệu thay đổi, phản cung liên tục. Thậm chí các điều tra viên ghi vào biên bản hỏi cung là hôm nay có ghi âm, ghi hình, sau khi ghi âm xong còn cho bị can nghe, hỏi lại có đúng không. Các tài liệu này được niêm phong lại để sau này công khai nếu cần thiết. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, đây là một xu hướng hiện đại, tiến bộ, cần triển khai nhưng nếu đã quy định thì nên kết hợp cả ghi âm và ghi hình. Tuy nhiên, trước mắt khó có thể làm được đồng bộ vì đầu tư phương tiện kỹ thuật cho hàng trăm cơ sở tạm giam, tạm giữ là rất khó khăn. Đồng quan điểm, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn kiến nghị nên trang bị cho tất cả các cơ quan tố tụng có thiết bị ghi âm, ghi hình để đảm bảo sự minh bạch.

Về căn cứ và thời hạn tạm giam (Điều 93 và 169),VKSND Tối cao đề xuất chỉ áp dụng tạm giam khi có căn cứ xác định nghi can đó cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn hoặc không có nơi cư trú rõ ràng nhằm khắc phục việc lạm dụng tạm giam. 

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cho rằng cần giảm thời hạn tạm giam đối với tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng, chỉ cho phép gia hạn một lần thay vì hai lần như hiện nay. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, VKSND tối cao đề xuất quy định chỉ cho phép gia hạn hai lần, thay vì ba lần như hiện nay. 

Tuy nhiên, Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, quy định vấn đề này phải lường trước những khó khăn mà các cơ quan tố tụng sẽ gặp phải.

Nguyễn Thành
.
.
.