Ngày thứ ba xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean bank:

Cựu lãnh đạo Ocean bank đổ lỗi cho nhau về 500 tỷ đồng thất thoát

Thứ Năm, 02/03/2017, 06:20
Sáng 1-3, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean bank tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi để làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, trọng tâm là việc nhóm cổ đông chính tại Ngân hàng TMCP Đại Tín đã thế chấp tài sản ra sao.

Ở hành vi này, cựu Chủ tịch Ocean bank- Hà Văn Thắm bị HĐXX truy xét về hành vi làm thất thoát khoản vay 500 tỷ đồng đối với Công ty Trung Dung (Công ty con của bị án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng- Chủ tập HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh).

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Thắm cho rằng, Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ocean bank. Lý do được Thắm giải thích, đối với khoản tiền 500 tỷ đồng cho Danh vay thông qua Công ty Trung Dung được sử dụng bằng tài sản đảm bảo là 250 tỷ đồng tiền ảo vốn điều lệ của Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. 

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn và bị án Phạm Công Danh.

Trên thực tế, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung chỉ là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh được dựng lên làm Tổng Giám đốc để Danh thực hiện các kế hoạch phía sau. 

Ngoài ra, còn có 5 tài sản đảm bảo khác liên quan đến hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà tại hai dự án ở tại TP Hồ Chí Minh. “Nhưng do vẫn lăn tăn về tài sản đảm bảo nên bị cáo đã yêu cầu phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, bao giờ có chứng từ gốc mới giải ngân”, bị cáo Thắm khai. Bác bỏ lời khai của bị cáo Thắm, bị án Phạm Công Danh cho rằng, mình mới bị Thắm lừa.

“Trong giao dịch chuyển nhượng quyền tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín, tôi đã chi cho Thắm số tiền 500 tỷ đồng gọi là chi phí chăm sóc khách hàng. Việc Ocean bank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ là nằm trong thỏa thuận”, Danh khai.

Liên quan khoản tiền 500 tỷ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc Ocean bank cho Công ty Trung Dung vay tiền được thể hiện trong kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra xác định, hợp đồng tín dụng này có nhiều sai phạm trong quy định cho vay.

Buổi chiều, HĐXX chuyển sang xét hỏi các nội dung liên quan đến tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thời điểm năm 2009- 2010 Ban lãnh đạo Ocean bank, trong đó có Thắm và một số người khác căn cứ vào quyết định của HĐQT Ocean bank và giới thiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thống nhất cử Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc Ocean bank. 

Sau khi nhận chức, Sơn đã chỉ đạo một số hoạt động của Công ty BSC. Lĩnh vực kinh doanh của công ty này là dịch vụ quản lý tài sản, tư vấn… liên quan đến bất động sản mà các hợp đồng chủ yếu là khách hàng của Ocean bank. Bị cáo Thắm khai, những khách hàng không đủ điều kiện vay tiền ngân hàng thì thông qua Công ty BSC sẽ có thể vay tiền. 

Bản chất thực của Công ty BSC là làm các dịch vụ, thu phí, kiếm lời. Số tiền thu được từ Công ty BSC được chi cho khách hàng của Sơn. Và chủ trương này được thực hiện theo đề nghị của Sơn. Cơ quan tố tụng xác định, số tiền thu được từ các dịch vụ này gần 69 tỷ đồng và để dùng chi cho Sơn.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Ocean bank khai, nhận được sự chỉ đạo của Thắm trong việc thu phí để chi trả cho khách hàng gửi tiền. Việc thu thêm tiền thông qua Công ty BSC là để lách lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Theo lời khai của Hoàn, bị cáo có thông báo về chủ trương thu phí cho Thắm. 

Theo lời khai của bị cáo Thắm, do Ngân hàng Nhà nước áp lãi suất huy động vốn, các ngân hàng trong đó có Ocean bank, nên việc lấy tiền thu được từ Công ty BSC để chăm sóc khách hàng.

“Bị cáo đã bàn bạc và được Sơn cho biết, Ocean bank chỉ cần tiền chăm sóc khách hàng. Còn việc chăm sóc khách hàng ra sao sẽ do Sơn tự quyết định”, Thắm khai. Theo lời khai của những người liên quan đến hành vi này, số tiền chênh lệch từ hoạt động dịch vụ thu phí chênh lệch đều được chuyển cho Sơn và Thắm.

Đến lượt được thẩm vấn, cựu Tổng Giám đốc Ocean bank- Nguyễn Xuân Sơn bác bỏ việc thỏa thuận và bàn bạc với Thắm về vấn đề chi lãi ngoài để huy động vốn. “Trong thời gian giữ cương vị Tổng Giám đốc, bị cáo không bao giờ có chủ trương chi lãi ngoài. 

Việc Thắm chi lãi ngoài với tư cách cá nhân thì được, còn với tư cách ngân hàng thì phải do HĐQT của ngân hàng quyết định”, Sơn khai. Về việc nhận tiền dịch vụ gần 69 tỷ đồng thông qua lợi tức từ kinh phí dịch vụ của Công ty BSC, bị cáo Sơn phủ nhận và cho biết, mình chỉ 4 lần nhận tiền từ Thắm khoảng 4,5 tỷ đồng. Số tiền này là dùng cho công tác ngoại giao nhằm phát triển ngân hàng.

Cáo trạng xác định, do muốn thâu tóm Ngân hàng TMCP Đại Tín nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn và đại diện nhóm cổ đông ngân hàng này để đặt vấn đề chuyển giao lại cho Thắm. 

Ngày 23-2-2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Tín, đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký hợp đồng kinh tế với Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương hơn 84% vốn điều lệ ngân hàng này) với tổng giá trị theo hợp đồng là hơn 4.000 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Thắm cho người vào quản lý ngân hàng để chuẩn bị các thủ tục sáp nhập vào Ocean bank, nhưng không thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cho bà Phấn. Giữa tháng 11- 2012, Thắm, Danh và bà Phấn bàn bạc thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. 

Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín của nhóm bà Phấn. Số tiền 500 tỷ đồng Ocean bank cho Danh vay được Thắm và Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là Công ty Trung Dung đứng ra vay.

Nguyễn Hưng
.
.
.