Cần siết chặt hoạt động của dịch vụ thám tử tư

Thứ Hai, 20/07/2020, 08:19
Nhấp chuột từ khóa "thám tử tư" trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ vài giây sau đã cho hơn 800 nghìn kết quả tìm kiếm, chứng tỏ đây là một dịch vụ có cầu nên nguồn cung mới dồi dào như vậy.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là, ngành nghề "thám tử tư" hiện không có trong danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy cơ sở pháp lý nào cho loại hình này tồn tại và hoạt động?

Trên mạng xã hội hiện nay đang lan truyền một video gây được sự chú ý của nhiều người, đó là cảnh ông chồng bắt quả tang vợ mình ở cùng phòng với tình nhân trong một nhà nghỉ. 

Theo nội dung của clip trên thì người chồng đã phải thuê "hắc-cơ" xâm nhập vào hệ thống tin nhắn của vợ và tình địch nhằm biết được chính xác thông tin trao đổi, hẹn hò của đôi tình nhân này; đồng thời thuê người theo dõi, bắt quả tang tại trận đôi trai, gái trong phòng nghỉ. Sau đó, tự tay ông chồng vừa nói những lời như "gai đâm" vừa quay video "tại trận" với dụng ý bêu xấu đôi nam nữ... Clip này đã được xem và chia sẻ khá rộng rãi trên Facebook.

Những clip đánh ghen như trên khá phổ biến trên mạng xã hội hiện nay nhưng điều ai ít biết đó là, để có được thông tin chính xác về số phòng nghỉ, địa chỉ nhà nghỉ, khách sạn mà đối tượng ngoại tình đang hẹn gặp nhau, nhằm bắt quả tang một cách chính xác, không ít người đã phải thuê thám tử tư theo dõi trong một thời gian dài, sử dụng "nghiệp vụ" để qua mắt nhân viên nhà nghỉ mới có thể tiếp cận được "đối tượng".

Theo ông Đỗ N.A, Giám đốc một Công ty thám tử tư có trụ sở chính tại Hà Nội cho biết: Khách hàng của công ty ông tìm đến loại dịch vụ này, hơn 80% là  thuê theo dõi vợ hoặc chồng có ngoại tình hay không. Vẫn theo ông N.A thì cũng có những nhu cầu khác như: Thuê xác minh nhân thân đối tác làm ăn; xác minh số điện thoại, biển kiểm soát phương tiện giao thông; thuê tìm con nợ bỏ trốn...  

biệt, cũng có trường hợp, các văn phòng luật sư thuê xác minh tài sản, nhà cửa để có căn cứ bào chữa trong các vụ án ly hôn, dân sự, kinh tế, v.v... nhưng tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 20%.

Dịch vụ thám tử tư vẫn nở rộ dù chưa được cấp phép. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Qui mô hoạt động của các văn phòng thám tử tư này cũng không hề nhỏ, bởi họ có đội ngũ cộng tác viên ở nhiều địa bàn. Nhiều văn phòng còn mở các văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu là tại TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Với nhu cầu đa dạng nêu trên, thì dịch vụ thám tử tư cũng không thiếu việc làm, nhất là với các văn phòng có uy tín.

Mặc dù các văn phòng thám tử tư ngày một phát triển và công khai quảng bá trên mạng internet nhưng 100% các văn phòng này đều hoạt động không có giấy phép bởi theo danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ thì không có tên ngành nghề "Thám tử tư".

Tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thương mại, tại Phụ lục số I, mục B cũng qui định cấm kinh doanh: "Dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Còn tại Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22-4-2008 của Chính phủ qui định về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Điều 8 của Nghị định này nghiêm cấm "tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức".

Đến thời điểm hiện tại, nghề thám tử tư chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ những nhà làm luật chưa sẵn sàng đưa nghề thám tử tư vào danh mục được phép đầu tư kinh doanh là do, nếu công nhận thám tử tư là một nghề thì sẽ mâu thuẫn với  Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. 

Theo đó điều luật này nghiêm cấm việc tiết lộ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý...  Hơn nữa, những thông tin mà thám tử tư thu nhập được rất có thể được sử dụng "hai mang" xâm hại đến quyền riêng tư cá nhân và an ninh trật tự xã hội.

Để "lách" các điều luật, qui định cấm nêu trên, các công ty thám tử tư chỉ lấy tên miền, từ khóa "thám tử tư" để khách hàng dễ bề nhận biết và tra cứu trên mạng xã hội. Còn tên doanh nghiệp thì họ đều phải ghi dưới tên khác, chẳng hạn: Công ty TNHH dịch vụ thông tin A; Công ty cổ phần cung cấp dịch vụ thông tin B... 

Trên giấy phép đăng ký kinh doanh khi đưa ra nếu khách hàng nào muốn tìm hiểu tính chuyên nghiệp của dịch vụ, thì cũng chỉ đọc thấy dòng chữ ghi ngành nghề là: "Dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu". Nếu khách hàng còn băn khoăn sẽ được đại diện văn phòng thám tử tư giải thích "dịch vụ thông tin" chính là "cung cấp thông tin thám tử"... để khách hàng yên tâm.

Thực tế, ngành nghề "Dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu" nằm trong mục J, mảng "Thông tin và truyền thông" Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, không hề liên quan đến dịch vụ thám tử tư!

Như vậy, hoạt động của các văn phòng thám tử tư hiện nay là bất hợp pháp, không chịu sự ràng buộc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với Nhà nước; không chịu sự quản lý chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, gây thất thoát tiền thuế cho ngân sách... Việc này cần được chấn chỉnh, có biện pháp và chế tài xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.     
M.Khoa
.
.
.