Góp ý kiến cho dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi):

Cần quy định rõ điều kiện được hưởng đặc ân của Nhà nước

Thứ Hai, 02/07/2018, 08:00
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm có 6 chương, 39 điều do Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá số 07/2007/QH12. Sau khi xây dựng, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan Nội chính Trung ương và đã được trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua để lấy ý kiến củacác đại biểu Quốc hội.

Theo dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được xem xét để thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào cuối năm nay.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến, nên tổ chức đặc xá vào những thời điểm có lịch sử trọng đại của đất nước và cần xác định rõ những ngày này. Bởi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Đặc xá vừa qua, cho thấy có năm đã thực hiện việc đặc xá số lượng lớn phạm nhân (như năm 2015 đặc xá đến 18 ngàn phạm nhân). Điều này dễ dẫn đến mất ý nghĩa của việc đặc xá.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt. Tuy nhiên, Dự thảo Luật đang quy định các điều kiện đặc xá cơ bản giống như điều kiện tha tù trước hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự.

Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như Dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách, do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhưng nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không bảo đảm đúng tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.

“Những nội dung tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự sửa đổi thì chế định về tha tù trước thời hạn có điều kiện chẳng khác gì với việc đặc xá cả. Chỉ khác là phạm nhân khi được tha tù thì phải tiếp tục chấp hành án ở gia đình và xã hội thôi, chứ không có gì khác với đặc xá cả. Do đó, cần xem xét kỹ lại nội dung này”, Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm lý giải.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá là cần thiết, nhưng cần phải siết chặt tiêu chuẩn hơn nữa; số lượng nên hạn chế lại và cần quy định rõ tội danh nào mới được xét đặc xá. Chẳng hạn như với tội danh “Giết người” mà phạm nhân chỉ mới chấp hành án có 1/2-1/3 thời hạn tù đã được đặc xá thì có lẽ người thân và gia đình của phía nạn nhân chắc là sẽ không đồng tình.

“Theo ý kiến riêng của tôi, chỉ tổ chức đặc xá vào những ngày trọng đại của đất nước, chứ cứ năm nào cũng đặc xá đại trà là không nên”, Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm đề nghị.

Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước (Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, Tiền Giang) cho rằng, cần phải cho thấy tính cấp thiết của việc phải sửa đổi Luật Đặc xá, hơn nữa khi sửa đổi phải chặt chẽ, khách quan hơn trong các điều kiện được hưởng đặc xá. “Cá nhân tôi nghĩ nên đưa đặc xá vào nội dung một điều khoản cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 giống như chế định tha tù có điều kiện (như Điều 66, Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015)…

Riêng điều khoản phạm nhân án chung thân phải thi hành án đủ 15 năm mới được xét đặc xá (trước giờ từ 10-14 năm là đủ điều kiện được đặc xá) thì hiếm có người đủ điều kiện để được đặc xá vì đa số họ đã tuổi cao sức yếu”, Thượng tá Võ Nhựt Hải nêu ý kiến.

Ở khía cạnh khác, Thiếu tá Phạm Tuấn Em, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Trại giam Phước Hòa (Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, trước đây điều kiện để được hưởng đặc xá còn khá thoáng và có phần đại trà.

“Tuy vậy, cũng cần phải hiểu rằng nếu điều kiện “chặt” quá thì sẽ gây khó cho cơ quan chức năng và khó thực hiện được; nhưng nếu “lỏng” quá thì dễ dẫn đến việc đặc xá lại tràn lan, mất đi ý nghĩa của chính sách này. Tôi nghĩ nên đặc xá vào những ngày trọng đại của đất nước, hoặc vào các năm chẵn, chứ năm nào cũng đặc xá thì sai ý nghĩa của từ này, bởi đó thực chất chỉ là giảm án thôi”, Thiếu tá Phạm Tuấn Em đề xuất.

Hiện nay, Luật Đặc xá quy định ba thời điểm đặc xá, gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Dự thảo Luật giới hạn lại còn hai thời điểm gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước và trong trường hợp đặc biệt, bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Dự thảo Luật như thế nào là “sự kiện trọng đại của đất nước” để bảo đảm tính minh bạch và chủ động trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng trong khi Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù (như: miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, đặc biệt là tha tù trước thời hạn có điều kiện) thì Dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng chỉ quy định đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là nữ đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Ngoài ra, dự thảo cần lưu ý các điều kiện đối với người được xem xét đặc xá, nhằm tránh trùng lắp quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự như: phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án, cần quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn…

Phú Lữ
.
.
.