Những điều chưa biết trong việc thu hồi tài sản vụ án Giang Kim Đạt

Bài cuối: Nỗ lực thu hồi tài sản ở mức cao nhất cho Nhà nước

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:05
Số tiền sau khi chiếm đoạt, Giang Kim Đạt và các bị can đã chia nhau, đầu tư mua các tài sản, bất động sản ở trong và nước ngoài, hoặc chuyển tiền cho người thân mua đứng tên các tài sản, bất động sản có giá trị lớn nhằm thực hiện hợp thức nguồn tài sản bất hợp pháp.

Các đối tượng tính toán rằng, nếu có bị khởi tố, điều tra thì cũng không thu hồi được tài sản bị thất thoát cho Nhà nước. Đây là thủ đoạn che giấu thông tin về nguồn gốc bản chất, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản bất hợp pháp đã chiếm đoạt nhằm trốn tránh sự phát hiện. Vì thế, việc chứng minh và thu hồi đến mức cao nhất tài sản cho Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. 

1. Quá trình xác minh, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã làm rõ nguồn gốc tài sản, tiến hành phong tỏa và kê biên 40 bất động sản gồm biệt thự, nhà, đất của Giang Kim Đạt và gia đình với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng (giá trị tính vào thời điểm mua); phong tỏa số tiền 348.083.334 đồng trong tài khoản cá nhân của bà Giang Thu Vân, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương, chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan ANĐT - Bộ Công an số tiền Hiển đặt cọc mua căn hộ tại dự án Thăng Long Number One là hơn 4 tỷ đồng...

Trần Văn Liêm (giữa), Giang Kim Đạt (trái) và Trần Văn Khương nghe Toà tuyên án tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 18-8.

Để chứng minh được lượng tài sản này là quá trình làm việc không ngơi nghỉ của các đơn vị nghiệp vụ, nhằm thu hồi tài sản tham ô ở mức cao nhất về cho Nhà nước.

Thượng tá Lê Thế Khánh cho biết: Vào thời điểm đó, tổ công tác gồm 3 đồng chí được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với Giang Kim Đạt và các đối tượng có liên quan. Lúc này, việc hỏi cung đến đâu là xác minh ngay đến đó.

Cơ quan ANĐT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, chuyển công văn đến các Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước nhằm xác minh, làm rõ tài sản gồm nhà và đất, có đứng tên nhà Giang Kim Đạt và những người thân trong gia đình.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục An ninh, ngoài việc xác minh, kê biên tài sản, các điều tra viên phải thu thập các chứng từ gốc liên quan đến khối tài sản đó vì đây là vụ án tham nhũng lớn. Có những cuộc họp vừa xong lúc 16h thì khoảng 2 tiếng sau đó, anh em trinh sát bốc vé đi vào TP Hồ Chí Minh, áp lực đè nặng lên vai.

Theo Thượng tá Lê Thế Khánh, các điều tra viên đã không quản ngày đêm, cứ có tài liệu là xác minh, kê đơn rồi lại tỉ mỉ đối chiếu. Trong vụ án này, tài sản tham ô của Giang Kim Đạt đều do bố, mẹ, em trai và một số người thân trong gia đình Đạt đứng tên, đây cũng là thuận lợi cho cơ quan điều tra.

Song cái khó nhất là làm sao chứng minh được đó là tiền của Giang Kim Đạt. Có những bất động sản, đối tượng đã mua đi, bán lại nhiều lần; có tài sản chỉ là các hợp đồng chuyển nhượng chưa sang tên. Một số là những giấy biên nhận... tiền là của Đạt nhưng trong hợp đồng mua bán vẫn đứng tên người khác.

2. Theo quy định, việc kê biên không chỉ mình cơ quan ANĐT điều tra, mà còn phải có sự chứng kiến và tham gia của luật sư, gia đình, chính quyền địa phương... và lấy lời khai của những người đã bán tài sản cho Giang Văn Hiển để chứng minh là tài sản đã bán cho Hiển.

Tài sản bố của Đạt mua rất nhiều nơi như Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, có những căn hộ bất động sản, ông Hiển còn hùn vốn, mua chung với người khác nên việc xác minh phải tiến hành cặn kẽ, làm rõ số tiền nộp là bao nhiêu như căn hộ Plazenza ở Đại lộ Thăng Long...

Khi các điều tra viên tiến hành xác minh, có ngân hàng xin phép một tuần để nộp lại chứng từ gốc cho cơ quan Công an. Trong vụ việc này, nếu điều tra viên không tận tụy với công việc, đến tận địa bàn xác minh, mà chỉ làm việc một cách qua loa, phát đi một công văn thì chỉ xác định được người nộp tiền cho Ban quản lý dự án...

Như vậy sẽ không làm rõ được hành vi phạm tội của Đạt. Bởi có nhiều bất động sản đứng tên ông Liêm nhưng trên thực tế người nộp tiền đặt cọc mua nhà lại chính là ông Hiển. Ban quản lý và ngân hàng không thể biết đó là chữ ký và chữ viết của ông Hiển.

Một trong số đó phải kể đến lô đất ở Khánh Hòa do ông Hiển đứng tên, tại dự án Sài Gòn Pearl. Trong giao dịch này, tên trên hợp đồng mua bán nhà là của Trần Văn Liêm nhưng chữ ký lại là của ông Hiển. Để chứng minh được điều này, trong vòng nửa tháng, các điều tra viên đã mất rất nhiều công sức xác minh.

Tiếp đó còn là các hợp đồng đặt cọc tiền mua nhà theo tiến độ, cơ quan ANĐT cũng xác minh, làm rõ số tiền phải thu hồi, thu giữ các chứng từ mang tên ông Hiển đã nộp tiền tại các dự án bất động sản này.

Cá biệt, có những chiếc xe ôtô được mua đi, bán lại đến 13 lần, cơ quan ANĐT cũng  phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh xác minh và hiện tại đã thu giữ được 2 chiếc kê biên, phục vụ thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Ngoài việc đấu lý, đấu trí, củng cố lời khai..., nỗ lực đến mức cao nhất để thu hồi tài sản cho Nhà nước, thành công của vụ án còn là việc cảm hóa,  thuyết phục được Giang Kim Đạt.

Theo lời kể của các cán bộ Cục ANĐT thì ban đầu ông Hiển khai chưa thành khẩn. Đối tượng chỉ khai những tài sản cơ quan điều tra đã có tài liệu... Nhưng sau khi Đạt bị bắt giữ, trong quá trình đối chất giữa hai bố con theo quy định của pháp luật, ông Hiển mới khai thêm nhiều bất động sản khác với thủ đoạn đứng tên mở tài khoản cho vợ và con.

Điều đọng lại trong vụ án này chính là quyết tâm của các trinh sát và điều tra viên trong một thời gian dài phá án; là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục An ninh; là tư duy, định hướng điều tra, thu thập tài liệu, sự phối hợp giữa trinh sát và cơ quan điều tra rất nhip nhàng.

Trong những ngày chuyên án được xác lập, lực lượng phá án  làm việc không có ngày nghỉ. Tết 2016, mỗi người chỉ nghỉ duy nhất một ngày mùng 1 Tết rồi lại bắt tay vào công việc.

Xuân Mai
.
.
.