Đảm bảo xử lý được 60% nợ xấu vào giữa năm nay

Chủ Nhật, 17/05/2015, 08:56
Nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm sở hữu chéo chỉ còn 3 cặp so với 6 cặp của năm 2012, và nợ xấu đã xử lý được 67% vào cuối 2014... là một số điểm nổi bật được Ngân hàng Nhà nước nêu trong báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Về chính sách tiền tệ, NHNN cho biết đã “điều hành quyết liệt, chủ động và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý”. Kỷ luật, kỷ cương thị trường được củng cố vững chắc, thanh khoản của toàn hệ thống từng bước được ổn định và đảm bảo an toàn; thị trường tiền tệ ổn định và thông suốt. Lạm phát đến tháng 4 tăng 0,04% so với cuối năm 2014 và dự kiến cả năm 2015 được kiểm soát khoảng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm. Tính đến hết quý I/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 1,91%, dự kiến cả năm đạt khoảng 13 – 15%.

Nhiều tổ chức tín dụng Việt Nam đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng. Ảnh: TCB.

Về tái cơ cấu, NHNN cho biết các TCTD yếu kém đã được kiểm soát và xử lý một bước theo các phương án cơ cấu lại đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn, “nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi”. Sau hơn 3 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đến nay, hệ thống đã giảm 14 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các NHTM nhà nước; phấn đấu đến cuối 2015, hình thành được 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực. 

Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng được xử lý từng bước, đặc biệt là thông qua thanh tra, giám sát; hợp nhất, sáp nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới. Năng lực tài chính của các TCTD đang được nỗ lực cải thiện dù gặp rất nhiều khó khăn. Vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 12/2014 là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12-2013. Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với 1 năm trước đó.

NHNN cũng cho biết: Kết quả cơ cấu lại ngân hàng trong 3 năm qua góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10. 

Năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moodys đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với BIDV và Vietinbank từ B3 lên B2; nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lên một bậc, từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng được giữ nguyên triển vọng ở mức ổn định; 05 NHTMCP khác bao gồm: Quân đội, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ thương Việt Nam, Á Châu và Việt Nam Thịnh Vượng được tổ chức này nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.

Về nợ xấu, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu. Trong 2 tháng đầu năm 2015, số nợ xấu được xử lý là 7,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay, VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12-2013 là 3,61%). Trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ, nhưng NHNN cho biết đây là diễn biến mang tính quy luật và “vẫn trong tầm kiểm soát”. 

Kế hoạch xử lý năm nay là phải bảo đảm đến ngày 30-6 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành Ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Về mô hình “chưa hề có tiền lệ” VAMC, NHNN nhận định đã “bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam”. 

Tuy nhiên, những cố gắng của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.

Vũ Hân
.
.
.