Xuất khẩu phục hồi tích cực, 10 tháng thu về hơn 229 tỷ USD

Thứ Hai, 02/11/2020, 08:52
Với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý 3/2020 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 439,8 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á sụt giảm do tác động của dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ước tính tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10-2020 đạt 51,2 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng 9/2020 nhưng vẫn phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng 9,98%. Trong đó, kim ngạch XK ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9/2020 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 10/2020 ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,3 tỷ USD). Trong bối cảnh XK của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng XK ở mức 4,7% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn.

Đặc biệt, 10 tháng năm 2020, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 91,76% tổng kim ngạch XK.

Ở góc độ ngành hàng, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 10/2020 với kim ngạch đạt 22,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương, 10 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản… Trong số đó, mặt hàng tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA là giày dép (đạt kim ngạch 385 triệu USD), tiếp dến là thủy sản (118 triệu USD), nhựa và sản phẩm nhựa (48 triệu USD)...

Điều đó cho thấy, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng XK của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất về XK. Trong thời gian tới, “tình hình thị trường mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch XK giày dép, túi xách trong quý 4/2020 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021,” ông Trần Thanh Hải nhìn nhận.

Để thúc đẩy XK trong 2 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ  Công Thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và XK.

Qua đánh giá cho thấy khả năng có thể đạt được ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, XK và thương mại nội địa cả năm 2020 đều tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7-2020. Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến XK hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường XK, nhất là đối với các mặt hàng XK chủ lực. Bên cạnh đó, tập trung rà soát thủ tục hành chính về XNK nhằm thúc đẩy XK, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các DN.

Lưu Hiệp
.
.
.