Xác lập kỷ lục xuất siêu mới

Thứ Tư, 04/12/2019, 07:44
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 241 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khá khả quan trong khi kim ngạch nhập khẩu thấp hơn; từ đó dẫn đến thực tế là Việt Nam đã xuất siêu 9,12 tỷ USD giá trị hàng hóa.


Chỉ còn gần 1 tháng nữa là khép lại năm 2019, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 241 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khá khả quan trong khi kim ngạch nhập khẩu thấp hơn; từ đó dẫn đến thực tế là Việt Nam đã xuất siêu 9,12 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đã xác lập một kỷ lục xuất siêu mới, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng tăng 7-8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11 năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%).

Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%). Điều này cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang trưởng thành nhanh chóng, có sự bứt phá đáng ghi nhận. Xét về thị trường, khu vực châu Mỹ đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là thị trường châu Á, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo một số chuyên gia kinh tế, khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trước mắt cũng như lâu dài, cần chủ động tận dụng cơ hội khai thác lợi thế do các FTA mang lại. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng, với hơn 500 triệu người tiêu dùng. EVFTA có thể sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong các năm tới. Đây là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp.

Riêng đối với nhóm hàng nông sản, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm chế biến từ hạt. Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Tương tự, đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ theo lộ trình 5-7 năm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, các quy định liên quan đến xu hướng, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của các thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu...

Về phía doanh nghiệp, muốn duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định thì càng cần tuân thủ, đáp ứng tốt quy định của bên nhập khẩu; nhất là đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Ví dụ, mặt hàng rau quả được xác định là lợi thế  của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc nhưng lại rất “mong manh” bởi rất dễ “vướng” vào quy định về xuất xứ hàng hóa cũng như đóng gói.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vẫn còn một số trường hợp xuất khẩu những loại quả mà nước bạn chưa cho phép hoặc đóng hàng không đúng quy định. Tuy các sai phạm như trên không nhiều nhưng vẫn gây hiệu ứng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa, doanh nghiệp Việt...

Sự nỗ lực, chủ động đầu tư cho công nghệ và bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng là một phương cách để phát triển xuất khẩu. Trên thực tế, những đơn vị duy trì được nhịp độ xuất khẩu phần lớn đầu nhờ đầu tư thỏa đáng cho công nghệ -  dây chuyền sản xuất, tích cực duy trì thị trường cũ, tìm kiếm thị trường mới và giữ vững chất lượng sản phẩm...

Trân Trân
.
.
.