Vụ mía “đắng” tại “vương quốc mía” của miền Tây

Chủ Nhật, 07/10/2018, 13:38
Hiện nhiều diện tích mía của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang bị sụt giảm về năng suất và cả chất lượng, thậm chí nhiều diện tích coi như “mất trắng” do nước lũ gây ra.

Nông dân trồng mía nơi đây ngán ngẩm, khóc ròng và không biết có “bám trụ” đến vụ mía tới hay không do đang lâm vào cảnh nợ nần. Tại các xã Hòa An, Phương Bình, Hòa An, Tân Long, Phương Phú… còn gần 300ha mía đang bị nước lũ ngập sâu, thương lái không thu mua,... Những ngày qua, người trồng mía cảm nhận đầy đủ về vụ mía đắng ngắt…

Tìm về xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đi từ đầu cho đến cuối xã, đâu đâu chúng tôi cũng nghe nông dân xôn xao bàn tán về câu chuyện “cứu mía”. Chạy đôn, chạy đáo cả tuần nay, nhưng lão nông Phạm Văn Luyến (61 tuổi, ngụ ấp Long Phụng, xã Tân Long) vẫn chưa tìm ra được thương lái thu mua 15 công mía của gia đình đang bị nước lũ uy hiếp. 

“Hơn một phần ba cây mía đã bị nước ngập. Hơn nửa ruộng mía đã bị chết. Thế nhưng, kêu lái nào cũng từ chối vì nhà máy chưa chịu nhập mía. Tính sơ sơ, mỗi công chi phí đầu vào hơn 7 triệu đồng, nay nếu không bán được, gia đình tôi xem như mất trắng 100 triệu đồng cho vụ mía này”, ông Luyến buồn bã nói.

Nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) trầm mình thu hoạch mía chạy lũ.

Gọi là may mắn hơn ông Luyến hàng xóm, nhưng gia đình ông Ngô Thanh Mộng cũng “cười ra nước mắt” khi có thương lái hứa thu mua 4 công mía. Tuy nhiên, mức giá chỉ mang tính “tượng trưng” 500 đồng/kg, trong khi đó tiền thuê nhân công đốn mía đã là 200 đồng/kg. 

“Thương lái hứa mua, nhưng hơn chục ngày nữa mới thu hoạch, trong khi nước lũ ngày một cao. Chẳng biết đến lúc đốn còn cây mía nào đạt để tính tiền không. Năm sau, chắc vợ chồng đi Bình Dương tìm chỗ làm thuê chứ bám cây mía kiểu này không tài nào sống được”, ông Mộng lắc đầu ngán ngẩm.

Khó khăn chưa dừng lại, việc có thương lái thu mua là một chuyện nhưng tìm nhân công để đốn mía lại là chuyện khó khác. Do nước ngập, nhiều cánh đồng mía xen lẫn giữa mía sống và mía chết, nên nhân công rất khó đốn. Còn nếu đốn hết cũng không xong vì tiền công thu hoạch được tính theo từng kí mía thương lái cân được.

Những năm đường được giá, mới bước vào đầu tháng 8 các nhà máy sản xuất đường đã thu mua mía khiến chính quyền địa phương phải lên tiếng vì tình trạng bán mía non. Thế nhưng năm nay, đã bước sang tháng 10 nhiều nhà máy chưa chịu “khởi động” vì lượng đường tồn kho còn nhiều.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết diện tích trồng mía của toàn huyện là 7.500ha, trong đó diện tích được bao tiêu là trên 3.800ha với giá 800 đồng/kg. Diện tích mía đã thu hoạch bán mía nước khoảng 200ha, còn mía bao tiêu hiện chưa được nhà máy thu mua. 

Thời tiết diễn biến bất thường kèm với nước lũ về nhanh khiến nhiều diện tích mía của bà con nông dân bị ngập sâu, ảnh hưởng đến năng suất và giá thành. Phần lớn diện tích mía bị ngập là vùng mía không có hợp đồng bao tiêu. Địa phương đang kêu gọi các nhà máy đường trong khu vực sớm hoạt động, ưu tiên tiêu thụ mía cho bà con vùng ngập lũ.

Trần Lĩnh
.
.
.