Vì sao tỷ lệ ưa thích hàng Việt chỉ có 78%

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:54
Một cuộc điều tra về hàng Việt vừa mới công bố vào đầu tháng 3 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho thấy: Người tiêu dùng (NTD) sử dụng hàng sản xuất trong nước là chủ yếu, nhưng tỷ lệ ưa thích thấp hơn: Sử dụng chính là hàng Việt 92% nhưng tỷ lệ ưa thích chỉ 78%.

“Tỷ lệ này cho thấy nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của NTD. Đây là thách thức cho nhà sản xuất trong nước và cũng là cơ hội của hàng hóa ngoại nhập”, chuyên gia cố vấn Hoàng Trọng nhận định.

Lo sợ chất lượng sản phẩm không an toàn, NTD cũng ngày càng mua sắm nhiều hơn ở kênh hiện đại.

Qua điều tra khảo sát hàng Việt của Hội Doanh nghiệp HVNCLC trong thời gian 4 tháng, phỏng vấn trực tiếp 16.000 hộ gia đình tại 12 tỉnh thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của 4 vùng kinh tế (miền Đông Nam Bộ, miền Bắc, miền Tây Nam Bộ và miền Trung – Tây Nguyên). Kết quả đã tìm ra 592 doanh nghiệp HVNCLC, nhưng cũng phát hiện ra nhiều điểm yếu kém của DN Việt, khiến NTD chưa mặn mà sử dụng.

Cụ thể, NTD rất lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Có đến 25% số người được khảo sát, lo ngại DN sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, 17% số người thì lo DN sản xuất sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, một trong những lo ngại đáng lưu tâm hơn cả là dù biết sản phẩm không an toàn, nhưng NTD vẫn phải mua để sử dụng vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường (tỷ lệ này chiếm 22%).

Với ngành nông sản tươi và thực phẩm đóng hộp, lo ngại lớn nhất của NTD là chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường. Chính vì những lo ngại này mà NTD dần thay thế kênh mua sắm truyền thống (chợ, cửa hàng, tạp hóa), sang kênh hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).

Về xuất xứ sản phẩm, mặc dù hàng trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ NTD sử dụng hàng Việt cao (92%) và yêu thích (78%), nhưng sản phẩm hàng ngoại nhập thì ngược lại, tỷ lệ NTD yêu thích có xu hướng tăng so với tỷ lệ mua dùng. 

Trong tương lai gần, tỷ lệ mua dùng  sẽ có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập khi NTD có đủ các điều kiện tiếp cận sản phẩm ngoại nhập. Ngoài ra, NTD có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt là một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi...

Nhưng, hiện nay hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này, đã và đang nỗ lực thay thế chỗ trống. Họ gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường (Metro, Big C, Bsmart...) tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của NTD Việt. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại đối với DN trong nước.

Theo đánh giá của chuyên gia Trần Anh Tuấn (chuyên gia thị trường công tác nhiều năm với Hội Doanh nghiệp HVNCLC): “Trong xu thế phát triển của nền kinh tế, những thay đổi nhanh chóng về hành vi khách hàng, công nghệ dẫn đến sự về marketing và mô hình kinh doanh. 

Theo đó, hành vi, makerting và công nghệ đều đang ở giai đoạn phát triển mà con người là đối tượng được tập trung phục vụ cao nhất. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam dường như chưa bắt kịp xu thế, tiếp tục tư duy kinh doanh và marketing theo kiểu truyền thống, ngại tiếp xúc với công nghệ mới dẫn đến mô hình kinh doanh trở nên lạc hậu, không thấu hiểu và gắn bó chặt chẽ với khách hàng. Từ đó, suy giảm mạnh hiệu quả kinh doanh và thị phần...”.

Trước những biến động tình hình kinh tế thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu cũng như nội địa, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã đưa ra một giải pháp: Xây dựng bộ tiêu chuẩn mới về chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc bình chọn DN đạt tiêu chuẩn mềm là HVNCLC do NTD bình chọn. 

Bộ tiêu chí này tổng hợp, chọn ra những tiêu chí phổ quát nhất của Việt Nam với các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận từ các nền kinh tế nước phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Singapore…).

Thúy Hà
.
.
.