Vi phạm sở hữu trí tuệ:

Vi phạm nhiều, “thử thách” mức độ hiểu biết của khách hàng

Thứ Bảy, 14/12/2019, 09:39
Hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Vấn nạn này có mặt ở nhiều phân khúc thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa, trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ hiểu biết của khách hàng.


Thủ đoạn của tội phạm ngày càng “nâng cấp”

Trao đổi với PV về công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm.

Quản lý thị trường tạm giữ hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, nhưng nay đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. 

Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng rất khó kiểm soát.

Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Lĩnh vực SHTT rất rộng, bao gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan; quyền SHCN (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh); quyền đối với giống cây trồng nhưng hiện nay, tội xâm phạm quyền SHTT được quy định bằng 2 điều luật (Điều 225: tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226: tội xâm phạm quyền SHCN). 

Theo quy định của BLHS, tội phạm xâm phạm SHTT được quy định cụ thể về hình thức định khung, mức hình phạt tương ứng và lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Tại Điều 226 quy định đối tượng xâm phạm quyền SHCN bị xử lý hình sự là “giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý” còn các nội dung khác như: kiểu dáng, sáng chế... không được quy định, trong khi đó thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy những vi phạm về kiểu dáng, sáng chế diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, doanh thu và lợi ích của các chủ thể quyền.

Thời gian qua, công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng Cảnh sát kinh tế đối với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT đã đạt được những kết quả tích cực, đã xử lý được nhiều đối tượng với các hình phạt nghiêm khắc nhất, tuy nhiên chủ yếu là xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả còn tội phạm xâm phạm quyền SHTT thì còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 407 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 50 vụ/63 bị can.

Còn nhiều điểm nghẽn

Thượng tá Đỗ Đức Tạo cũng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự: SHTT là lĩnh vực liên quan đến nhiều Bộ, ngành và cần phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản để bảo đảm tính thống nhất, nhưng trên thực tế mối quan hệ phối hợp trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Về công tác giám định, hiện chỉ có Viện Khoa học SHTT là cơ quan giám định cao nhất, duy nhất về SHTT, nhưng để xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra không thể dùng kết quả giám định của Viện Khoa học SHTT làm chứng cứ mà phải trưng cầu Cơ quan giám định tư pháp là Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

Công tác phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa được chặt chẽ, thực tế còn xảy ra tình trạng chồng chéo, có những vi phạm để có thể xử lý được nhưng phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nên dẫn đến vụ việc kéo dài.

Nhận thức của công chúng và của chủ thể quyền ở Việt Nam về SHTT còn hạn chế, chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà trông chờ vào Nhà nước, vào các cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều doanh nghiệp còn tư tưởng muốn đánh cắp “tư duy, thành quả” sở hữu trí tuệ. Thực tế đấu tranh với các loại tội phạm này nhiều trường hợp cơ quan điều tra không tìm được chủ sở hữu của đối tượng bị xâm hại (chủ thể quyền), trong khi đó theo quy định của luật có những tội danh bắt buộc phải khởi tố và chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại (khoản 1, điều 155 Bộ luật TTHS).

Từ đó, Thượng tá Đỗ Đức Tạo đã đưa ra một số giải pháp nhằm gỡ vướng cho những khó khăn vừa nêu như: Cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền SHTT quy định trong Bộ luật Hình sự như: Hướng dẫn cụ thể hành vi vi phạm thế nào thì được coi là “quy mô thương mại” tại điều 225 và 226 BLHS; hướng dẫn xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS) theo hướng cơ quan điều tra được ra quyết định khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại. 

Hiện nay Tòa án nhân dân Tối cao đang phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để hướng dẫn một số nội dung của BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 liên quan đến Điều 225 và 226.

Ngoài ra, đề nghị các đơn vị liên quan chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép cho các Hiệp hội, đơn vị xin tổ chức các cuộc thi về bình chọn chất lượng sản phẩm hàng hóa để cấp các giấy chứng nhận, giải thưởng, danh hiệu... và bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn việc quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hại của hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm SHTT; các cá nhân, tổ chức bị xử lý về hành vi này để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Ngọc Xen
.
.
.