Vì đâu giải ngân đầu tư công gặp khó?

Chủ Nhật, 23/08/2020, 10:01
Là 1 trong 5 mũi giáp công để khôi phục, phát triển nền kinh tế trong và sau dịch bệnh, đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người.


Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu “phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Còn 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%

Báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 là 630.239,9 tỷ đồng (gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 97.017,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn nguồn NSNN năm 2020 là 533.222 tỷ đồng và kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung 55.329,6 tỷ đồng). Ước tính đến 31/8/2020, mức giải ngân sẽ đạt 261.437,8 tỷ đồng, bằng 41,48% kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2019 đạt 40,88%, vốn năm 2020 đạt 41,59% (trên tổng số 533.000 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, các con số này đều tích cực hơn, tuy vậy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%. Thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.

Về nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để, cả nguyên nhân mới phát sinh do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… 

Đồng tình với nhận định này, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA vừa qua có nhiều thay đổi, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các bộ, địa phương, khiến các chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án. 

Ước tính đến 31/8/2020, mức giải ngân sẽ đạt 41,48% kế hoạch.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc như việc các bộ, ngành, địa phương giải ngân kế hoạch năm 2019 được phép kéo dài song song với giải ngân kế hoạch vốn 2020 cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung; rồi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thi công, huy động nhân lực, nguồn vốn của các dự án ODA… 

Ví dụ một số dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 lớn, song tỷ lệ giải ngân còn thấp như dự án giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành mới giải ngân 2.190,299 tỷ đồng trên tổng số 18.195,035 tỷ đồng, đạt 12,7% do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, áp khung giá đất bồi thường, phê duyệt đơn giá cấu phần có xây dựng. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài… nên chưa có khối lượng giải ngân. 

Ngoài ra, một số dự án khởi công mới nhưng đang trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công chưa giải ngân. Một số dự án vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 hiện đang trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành nên chưa giải ngân. Một số dự án vướng mắc trong điều chỉnh hợp đồng...

 Đặc biệt, việc thực hiện các dự án ODA còn gặp rất nhiều vướng mắc như giao kế hoạch chưa rõ về cơ chế tài chính áp dụng (Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Công Thương). Một số dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025…

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Trong báo cáo mới đây với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số kiến nghị. 

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giao nốt số vốn chưa giao năm nay là 22.000 tỷ đồng, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo Chính phủ cho phép không áp dụng quy định cắt giảm, điều chỉnh vốn, theo Nghị quyết 84/NQ-CP. 

Về phía các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị cần xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020 như Thủ tướng đã nêu, quyết liệt thực hiện các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ về đầu tư công. 

Cùng với đó, chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. 

Đặc biệt, có chế tài nghiêm khắc với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc, nhất là các dự án giải ngân chậm; kết hợp với việc thực hiện rà soát và giao chi tiết ngay kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng giải ngân trong năm 2020 đối với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung làm cơ sở để triển khai thực hiện. 

Hà Nội đề ra 6 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ nhất, Thành phố Hà Nội sẽ rà soát các nguồn vốn, thực hiện nghiêm Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020 tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. 

Thứ ba, cuối tháng 8/2020, thành phố sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. 

Thứ tư, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng; trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc. 

Thứ năm, triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó có một số nội dung có hiệu lực từ 15/8/2020 để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn. 

Thứ sáu, xây dựng phương án điều hòa vốn, kiên quyết chuyển nguồn vốn sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn đối với những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp. (B.K)

Hà An
.
.
.